Vị Hoàng giáp qua đời tại trường thi, được dân tôn thánh

GD&TĐ - Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái qua đời ở tuổi 34 trong khi đang làm Chủ khảo tại trường thi Gia Định.

Văn miếu Xích Đằng - nơi tôn vinh các nhà khoa bảng Hưng Yên.
Văn miếu Xích Đằng - nơi tôn vinh các nhà khoa bảng Hưng Yên.

Cuộc đời Phạm Sĩ Ái tuy ngắn ngủi nhưng để lại tăm tiếng lẫy lừng, văn chương hùng vĩ - là tấm gương học tập và tận tụy với trách nhiệm được triều đình giao phó.

8 năm làm quan

Tên tuổi Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái ghi trên bia Tiến sĩ Văn miếu Huế.

Tên tuổi Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái ghi trên bia Tiến sĩ Văn miếu Huế.

Các nguồn sử liệu cũng như gia phả khẳng định, Phạm Sĩ Ái tự là Đôn Nhân, hiệu Nghĩa Khê, tên thụy là Đoan Trực, sinh năm Bính Dần (1806) tại xã Trung Chí (sau là Trung Lập), huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là phường Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào - Hưng Yên).

Ông sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, ông là cháu 4 đời Đệ tam giáp tiến sĩ Đồng xuất thân khoa Quý Dậu (1743) Phạm Sĩ Thuyên, làm quan đến chức Hàn lâm thị thư, khi về hưu giữ chức Cấp sự trung, tước bá đời Lê. Cha là Phạm Sĩ Từ, tên húy là Từ Nghiệp - một thầy thuốc nổi tiếng đương thời, từng được vua phong tặng Phụng nghị đại phu, Hàn lâm viện Thị độc, giữ chức Phủ quân.

Bởi điều kiện gia đình tương đối khá giả, nên ngay từ nhỏ Phạm Sĩ Ái đã được quan tâm rèn dạy lễ nghĩa và tiếp xúc với sách thánh hiền. Sau khi học xong hương học, được cho lên Thăng Long thụ giáo với các thầy nổi tiếng. Trong đó có danh sĩ Phạm Quý Thích và kết bạn với nhiều người có tiếng tăm lúc ấy như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý.

Tại trường thi Nam Định, khoa thi Hương năm Mậu Tý (1828), niên hiệu Minh Mạng thứ 9, triều Nguyễn Phúc Đảm (1820 - 1841), cùng với 29 người khác, Phạm Sĩ Ái thi đỗ Cử nhân.

Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1832) niên hiệu Minh Mạng thứ 13, triều Nguyễn Phúc Đảm, trên 300 cử nhân của cả nước về Huế dự thi, chỉ có khoảng năm chục người được vào thi Đình. Kết quả kỳ Điện thí ấy, có 8 người đỗ: Hai Hoàng giáp và sáu Tiến sĩ. Phạm Sĩ Ái đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), chỉ xếp sau Hoàng giáp Phan Trứ, được vua ban biển sơn son thiếp vàng gồm 4 chữ “Ân tứ vinh quy”, lại được bia đá ghi danh tại Văn miếu Huế.

Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Tu soạn ở Hàn lâm viện trật Tòng lục phẩm, rồi Tri phủ Cam Lộ (Quảng Trị). Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, con đường quan lộ của ông mở rộng thênh thang, được triều đình trọng dụng, triệu về thăng chức Lại bộ Viên ngoại lang, sau lại thăng Lang trung.

Năm 1838, ông được bổ làm Án sát tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1840, ông lại được triệu về đổi làm chức Binh bộ Lang trung Biện bộ vụ. Tháng 5 năm Canh Tý (1840), niên hiệu Minh Mạng thứ 21, gặp dịp mừng Ngũ tuần đại khánh, vua cho đặt Ân khoa, Binh bộ Lang trung Biện bộ vụ Phạm Sĩ Ái được nhà vua tin tưởng cử làm quan Chủ khảo, cùng với Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Nhượng làm Phó Chủ khảo khoa thi Hương ở trường thi Gia Định. Khoa thi này, lấy đỗ được 6 người, đều được bổ nhiệm làm quan, có người tới chức tri huyện, tuần phủ…

Qua đời tại trường thi

Phạm Sĩ Ái qua đời ở tuổi 34 khi đang làm Chủ khảo trường thi Gia Định. Ảnh minh họa: IT.

Phạm Sĩ Ái qua đời ở tuổi 34 khi đang làm Chủ khảo trường thi Gia Định. Ảnh minh họa: IT.

Các nguồn sử liệu ghi chép rằng, khoa thi được tổ chức thành công nhưng thật đáng tiếc, Phạm Sĩ Ái lại lâm bệnh nặng. Ngày 9 tháng 7 âm lịch năm đó (1840), ông qua đời tại trường thi Gia Định.

Tin đưa về triều, vua Minh Mạng thương tiếc vị quan trẻ tài hoa mà mệnh mỏng nên đã lệnh quan bộ Lễ cùng đoàn tùy tùng đưa thi hài ông về quê an táng. Đồng thời, cấp tiền cho xây lăng, xây miếu thờ, lại sắc phong làm Thành hoàng làng Nghĩa Lộ (thuộc xã Trung Lập ngày ấy).

Sau đó, triều đình còn cấp ruộng cho làng này để hàng năm vào ngày giỗ làm lễ tế ông tại đình. Các nho sĩ trong hàng huyện cũng cho lập bài vị thờ ông ở Văn chỉ huyện Mỹ Hào.

Khi đoàn đưa linh cữu ông đi qua các địa phận nơi ông từng làm quan (Quảng Trị), chức sự và nhân dân các địa phương đều bày hương án, cờ lọng nghênh đón, bái biệt. Ba năm sau, triều đình lại cử quan bộ Lễ về quê ông tổ chức cải táng, xây mộ.

Không chỉ nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, mẫn cán, Phạm Sĩ Ái còn nức tiếng ở tài văn chương. Tuy cuộc đời làm quan chỉ diễn ra khoảng tám, chín năm nhưng vua Minh Mạng đã phải khen: “Văn chương Phạm Sĩ Ái, chính sự Hà Tông Quyền”.

Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện đơn vị còn lưu trữ được hai tập thơ của Phạm Sĩ Ái là “Đường Trung Phạm Đôn Nhân nguyên thảo” với 162 bài và “Nghĩa Khê thi tập” với 170 bài.

Ngoài ra, còn ba tác phẩm có phần đóng góp của ông là “Chí Hiên thi thảo” - tập thơ của Nguyễn Văn Lý do Phạm Sĩ Ái phẩm bình, “Liễu Đường biểu thảo” gồm một số bài sớ, tấu, biểu của các ông Hà Tông Quyền, Phạm Sĩ Ái, Nguyễn Tư Giản và “Tại Kinh lưu thảo” - tập hợp một số bài văn của các quan chức ở kinh đô.

Thơ văn Phạm Sĩ Ái tứ sâu, lời đẹp, chất chứa yêu thương, thể hiện nhiều ưu thời mẫn thế, trăn trở về đường đời, về thế sự nhân sinh. Bởi lẽ, dù đường quan lộ của ông tuy hanh thông, được vua trọng vọng như danh tướng, danh thần, nhưng tự bản thân ông lại thấu hiểu rất rõ những hiểm nguy, lắt léo chốn quan trường, nhất là thời đại ông đang sống - vua Minh Mạng rất khắc nghiệt với người tài.

Những đại thần tài năng cùng thời như Hà Tông Quyền, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Thực dù từng được vua Minh Mạng nhiều lần khen ngợi, nhưng chỉ một vài sơ suất nhỏ cũng đều bị cách chức, bắt làm lính hoặc đi theo hầu các sứ bộ ra nước ngoài phía biển Nam.

Bởi vậy, Phạm Sĩ Ái thân làm quan tại triều nhưng tấm lòng thì nhiều trăn trở, luôn sống khiêm cung, giữ gìn và thường chỉ kín đáo bày tỏ nỗi niềm qua văn thơ. Bởi vậy, sự nghiệp của ông được đánh giá là hùng vĩ - đúng như lời khen của vua Minh Mạng.

Văn chương hùng vĩ

Triều Nguyễn đã sắc phong Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái làm Thành hoàng làng xã Trung Lập. Ảnh minh họa: IT.

Triều Nguyễn đã sắc phong Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái làm Thành hoàng làng xã Trung Lập. Ảnh minh họa: IT.

“Nhớ ai da diết không quên/ Lòng ta nhớ bác Mẫn Hiên Bắc Hà/ Kinh người khi chọn bút sa/ Tưởng như sóng dậy đổ ra muôn trùng/ Hải hồ khí phách hào hùng/ Ôm tài lỗi lạc đầy lòng thanh cao” - Bài “Ức Cao Mẫn Hiên” (Nhớ Cao Mẫn Hiên) - Lê Hoàng dịch.

Bài thơ nhan đề “Trung dạ thuật hoài” (Tâm sự nửa đêm) gửi tặng bạn thân là tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, từng làm Đốc học, ông viết: Nhất liêm tà nguyệt ngũ canh phong/ Tâm sự du du bất khả cùng/ Nhập thế kỷ ưng yên thiệu liệt/ Tại quan vị cảm thuyết ai thông/ Kỷ hành phát biến sầu trung bạch/ Vô sở hoa khai phận ngoại hồng/ Khả thị đồng niên đồng bệnh khách/ Tri tâm ứng dữ thử tâm đồng.

Tạm dịch: Một mảnh trăng tà bên rèm và gió suốt năm canh/ Tâm sự rối bời khôn cùng/ Nhập thế phải chăng là vẻ vang/ Giữ chức quan không dám nói đến sự buồn thương/ Đôi phen do sầu muộn mà tóc bạc cả rồi/ Không hay biết hoa nở phô vẻ hồng/ Khá là người bạn cùng tuổi, cùng mang bệnh/ Hiểu tấm lòng ta và cũng một tấc lòng như ta.

Là bạn tâm giao của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Phạm Sĩ Ái dành nhiều tình cảm và tác phẩm cho các danh tài này, nhất là Cao Bá Quát. Trong tập “Phạm Đôn Nhân nguyên thảo”, có tới hơn 10 bài viết cho danh sĩ họ Cao.

Khi ông mất, không có con trai, chỉ có 4 người con gái còn nhỏ. Có người Phủ quân tên là Trạc đã đứng lên tìm nơi đất tốt có cây lớn để lo liệu việc tang chế cho ông. Ban đầu, ngôi mộ nằm trên gò cao rộng hơn mặt ruộng khoảng một mét. Bốn góc có trụ cao đắp hình hoa sen và đôi câu đối chữ Hán với những đường nét hoa văn tinh tế.

Năm 1977, huyện Mỹ Văn (nay là Mỹ Hào) dùng nơi đây làm Trạm y tế nên dòng họ phải di chuyển mộ và tấm bia đã được khắc vào thời vua Thiệu Trị đến địa điểm khác. Hiện nay, ngôi mộ và tấm bia ghi chép về ông tọa lạc tại thôn Nghĩa Lộ, phường Phùng Chí Kiên.

Miếu thờ Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái được dựng trên nền đất cũ vẫn được bảo lưu. Tại khuôn viên có hương án, đỉnh hương, bia đá. Trên bia khắc “Bài ký về ông Đoan Trực Phạm phủ quân, nguyên chức Binh bộ lang trung biện lý bộ vụ”, ghi sự nghiệp, chức vị Phạm Sĩ Ái. Văn bia do bạn ông là Nguyễn Bảo viết năm Tân Sửu (1841).

Cuộc đời ngắn ngủi 34 năm sống cõi nhân gian, 8 năm phục vụ triều đình nhưng được vua sắc phong, được dân tôn thánh đã thể hiện tài năng và đức độ của Phạm Sĩ Ái. Cách mà triều đình cấp tiền xây miếu, xây mộ cho vị Hoàng giáp vắn số cũng thể hiện sự trân trọng tài học của người xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.