Nổi bật nhất là Phước, lớn hơn tôi 3 tuổi, ngồi cùng bàn với tôi, luôn là điểm chú ý của thầy cô. Bởi Phước vào lớp thường ngủ gục. Theo lời bạn kể, bạn bận đi bum hoặc đi bal, tức khiêu vũ ở nhà bạn bè.
Một hôm, Phước bỗng vào lớp hứa với tôi sẽ học lại đàng hoàng để còn đi du học nữa. Tôi biết gia đình Phước giàu có nên chuyện đi sang Pháp với bạn là bình thường. Hôm đó, giờ Pháp văn. Thầy Lê Văn Tập thường có những phiếu “điểm tốt” (bon point) trong giờ đàm thoại (conversation).
Thầy có những câu hỏi dựa theo bài đọc. Học sinh nào trả lời được sẽ nhận một phiếu. Phiếu này sẽ cộng vào điểm thi hoặc điểm kiểm tra hàng tuần.
Ngày ấy điểm lớn nhất là 20, nhưng rất hiếm học sinh đạt được mức đó. Vì thế phiếu điểm tốt của thầy là cơ hội cho chúng tôi thêm điểm. Cũng nói thật rằng trả lời được những câu hỏi của thầy đúng giọng Pháp và đúng ngữ pháp cũng không dễ dàng. Chúng tôi giành nhau từng ý, từng câu một để là chủ nhân chiếc phiếu điểm tốt đó.
Có một câu trả lời chúng tôi chẳng đứa nào đúng với ý thầy. Bỗng Phước giơ tay. Bạn trả lời ngắc ngứ, cũng giống như ý chúng tôi, có phần yếu hơn về cách phát âm và ngữ pháp.
Tin chắc bạn bị mắng và cho ngồi xuống. Nhưng không, thầy cho bạn một phiếu điểm tốt trước những đôi mắt ngạc nhiên của chúng tôi. Thầy từ tốn giải thích:
"Thầy thưởng Phước một điểm tốt vì em ấy tiến bộ hơn ngày hôm qua. Từ một học sinh luôn ngủ gật, em ấy đã giơ tay tham gia buổi đàm thoại của lớp. Vậy, Phước có đáng được khuyến khích không các em?".
Cả lớp đồng ý và vỗ tay.
Không chỉ môn Pháp văn, các môn khác, Phước cũng học hành nghiêm túc và cũng nhận được những lời khen, những khuyến khích đầy quan tâm của thầy cô.
Để rồi chỉ một tháng sau, bạn đã giỏi hơn và là “địch thủ” đáng gờm của chúng tôi không chỉ giờ Pháp văn mà còn trong những giờ làm “bài chạy”, tức làm Toán, Lý, Hóa, chạy lên bàn nộp sớm sẽ được thêm điểm. Tôi nhớ mãi lời Phước nói: "Thầy cô không hề có thành kiến với tôi, phải không?".
Lời khen, điểm số phóng khoáng một chút để khuyến khích một học sinh “chăm chỉ hơn ngày hôm qua” khác hẳn với tờ giấy khen hay điểm số cho “đủ chỉ tiêu trên giao” để giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường được khen, đưa một học sinh cá biệt trở thành học sinh khá. Từ tình yêu thương học trò thực sự, thầy Lê Văn Tập của chúng tôi đã làm được.