Thiệt hại dồn dập
Khác với những năm trước, năm nay các vườn cam ở vùng gò đồi K4 (thuộc thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vắng bóng các thương lái đến thu mua, dù trái đã dần chín rám vàng. Vốn được xem là cây làm giàu cho bao hộ dân nơi đây, thế nhưng liên tiếp 2 năm nay vụ cam lại đắng đến vậy.
Là một trong những người thuộc lớp tiên phong rời đồng quê chiêm trũng lên khai hoang đồi đất khô cằn để nuôi khát vọng đổi đời, hơn 20 năm, ông Văn Ngọc Chúng (SN 1950, trú tại thôn Long Hưng, xã Hải Phú) đã biến “vùng đất chết” thành những đồi quả ngọt, với 6 ha cam (gồm các loại như cam Xã Đoài, Vân Du, Sơn Quýt…) và 1,5 ha bưởi (gồm bưởi đường, Phúc Trạch, da xanh).
Trong đó, chỉ tính riêng cam, trung bình mỗi vụ cao điểm cho sản lượng 20 tấn/ha, với giá thành quả loại 1 ở mức 22.000 - 25.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí đầu tư, hộ gia đình ông thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng/vụ.
Thế nhưng, vào năm 2020, ảnh hưởng của thiên tai hạn hán và bão lũ đã khiến cam bị chết khô rồi lại ngập úng nước, rụng chất đầy vườn, dẫn đến mất gần 90% lượng quả toàn vườn.
“Tưởng chừng vụ này sẽ bù đắp được phần nào thiệt hại mà thiên tai gây ra trong năm 2020. Vậy mà năm nay lại tiếp tục rơi vào thực cảnh dịch Covid-19 bủa vây nên thị trường bị bó hẹp, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn.
Hiện tại, cam rớt giá chỉ còn 18.000 đồng/kg nhưng vẫn vắng thương lái. Nếu không được thu mua kịp thời, gặp thời tiết bất ổn hay mưa bão đổ bộ sẽ nguy cơ mất trắng”, ông Chúng rầu rĩ nói.
Cũng theo ông Chúng, dù gia đình ông đã chủ động tìm cách tiêu thụ thông qua các kênh thông tin, mạng xã hội hay hái bán cho các chợ trên địa bàn như mọi năm, nhưng chỉ mới bán được 20 tấn cam, trong khi sản lượng quả trong vườn đến giờ vẫn còn đến 40 tấn chờ tiêu thụ.
Ông Trần Ngọc Nhơn (SN 1951, trú thôn Long Hưng) cho hay, sau nhiều cố gắng để cứu vãn cây cam vực dậy do bị thiên tai vùi dập, nay tới vụ thu hoạch thì bà con lại lo lắng vì khó tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch.
“Gia đình hiện có 3 ha trồng cam cho thu hoạch với sản lượng khoảng 25 tấn. Năm nay, do dịch Covid-19, nhiều địa phương giãn cách phòng chống dịch nên bà con không thể vận chuyển vào các thành phố để tiêu thụ, khiến thị trường bị bó hẹp.
Vì thế, nên từ tháng 9 đến nay gia đình tôi mới bán được gần 10 tấn với giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Hiện, vườn còn 15 tấn cam đang ứ đọng, chưa biết xuất đi đâu, trong khi mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp khiến chúng tôi rất lo lắng”, ông Nhơn nói.
Chờ giải cứu để vớt vát
Theo ông Nguyễn Nhạc – Chủ tịch UBND xã Hải Phú - cho biết, vùng chuyên canh trồng cam K4 (xã Hải Phú) hiện có 14 hộ trồng cam với diện tích trồng khoảng 25 ha, ước sản lượng trong năm nay đạt 430 tấn.
Cam K4 là một trong 53 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị và cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2015.
Sản phẩm này của địa phương được bà con trồng theo phương thức hữu cơ nên được khách hàng ưa chuộng. Những năm trước, cam K4 không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh, mà còn xuất đi nhiều tỉnh, thành trong nước như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế… Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ khó khăn.
Trước thực cảnh này, chính quyền địa phương đã có tờ trình gửi UBND huyện Hải Lăng, đồng thời tổ chức họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm.
Ngay sau đó, phía UBND huyện Hải Lăng đã kêu gọi các ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn huyện hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng gửi văn bản đến Sở Công Thương Quảng Trị đề nghị hỗ trợ kết nối sản phẩm cam K4 với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ cam giúp người dân.
“Sau khi tích cực kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, người dân hỗ trợ tiêu thụ, xã đã giải cứu được 15 tấn cam. Hiện vẫn còn hơn 30% sản lượng cam đang còn nằm vườn. Thời gian này, mưa bão ở miền Trung lại diễn biến phức tạp nên lo lắng càng thêm chồng chất. Bởi nếu không thu hoạch kịp gặp mưa, quả cam sẽ bị thối rụng, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân”, ông Nhạc chia sẻ.