Vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên - Người lính tiên phong trên mặt trận diệt giặc dốt

GD&TĐ - Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp với dân tộc và cách mạng Việt Nam. Không chỉ tận tâm góp phần củng cố chính quyền cách mạng, hoàn thiện đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ, đưa đất nước ta thoát cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, cụ Nguyễn Văn Tố cũng là vị lãnh đạo luôn chú trọng đặt quyền lợi của quốc gia và nhân dân lên hàng đầu...

Hàng đầu từ trái sang phải, cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng
Hàng đầu từ trái sang phải, cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng

Từ danh kiệt xứ An Nam ...

Ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, có 4 nhà trí thức được xếp hạng tứ danh kiệt. Đó là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, thường gọi tắt là “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn".

Cụ Nguyễn Văn Tố, bút hiệu là Ứng Hoè, sinh ngày 5/6/1889, trong một gia đình nhà Nho ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Cụ thuộc lớp trí thức đầu thế kỷ uyên bác cả Nho học lẫn Tây học. 17 tuổi, cụ đã trở thành viên chức cao cấp làm việc tại Học viện Viễn đông Bác Cổ, cơ quan nghiên cứu lịch sử văn hoá của người Pháp, cụ được đồng nghiệp cả người Pháp lẫn người Việt kính nể vì học vấn uyên sâu.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa năm 1946
 Chính phủ Việt Nam Cộng hòa năm 1946

Nhận lời mời của những chiến sĩ cộng sản như Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, cụ Nguyễn Văn Tố đã ra làm Hội trưởng Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ, thường gọi tắt là Hội Truyền bá Quốc ngữ trong thời kỳ Mặt trận Bình dân, khi Đảng cộng sản hoạt động công khai.

Hội Truyền bá Quốc ngữ nhờ uy tín của cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã nhanh chóng phát triển khắp cả nước thu hút được nhiều trí thức tài năng tham gia.

Trong số những trí thức đó phải kể đến những người danh tiếng như Nguyễn Công Mỹ, Vương Kiêm Toàn, Thành Thế Vỹ, Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Hòe, Quản Xuân Nam, Bùi Kỷ, Lê Thước, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khoa Toàn, Đào Duy Anh, Đoàn Nồng, Nguyễn Lân… Với trọng trách của mình, cụ Nguyễn Văn Tố đã sát cánh cùng các thành viên Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta một mặt kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền dân chủ cộng hòa non trẻ vừa giành được vừa từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt giặc đói và giặc dốt.

Cùng với những hoạt động hiệu quả trong Hội Trí Tri và Hội truyền bá quốc ngữ, những tác phẩm báo chí của cụ Nguyễn Văn Tố cũng góp phần quan trọng vào việc truyền bá, phổ biến kiến thức bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, hướng đến mục tiêu khai dân trí, chấn dân khí.

Nghiên cứu khối công trình trước tác đồ sộ của cụ Nguyễn Văn Tố, TS. Văn Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Trung ương khắng định: Tên tuổi cụ Nguyễn Văn Tố gắn liền lịch sử dân tộc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội và nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí.

Những công trình nghiên cứu liên ngành và bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội của Nguyễn Văn Tố đã gây được tiếng vang lớn; không chỉ khẳng định tầm uyên bác của một tri thức danh tiếng, tinh thần nghiêm túc của một nhà sử học mà còn thể hiện rõ tấm lòng của một nhân sĩ yêu nước.

Dù là nhà báo, nhà khoa học chuyên khảo sát, nghiên cứu, dịch thuật về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, văn hóa dân gian,v.v.. hay hoạt động ở Hội Trí Tri, Hội truyền bá quốc ngữ với vai trò “thuyền trưởng” thì cụ Nguyễn Văn Tố vẫn luôn là một nhân sĩ, trí thức yêu nước đầy bản lĩnh. Cụ là tấm gương về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách đạo đức sáng ngời”.

Trong tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “ Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, tự hào nhấn mạnh: “Trong suốt chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, đã có rất nhiều người con ưu tú, nhà lãnh đạo kiệt xuất, chí sĩ yêu nước, anh hùng cách mạng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì non sông, đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Một trong những hiền tài đó là cụ Nguyễn Văn Tố, vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhân cách lớn, một nhà chí sĩ yêu nước tài năng, nhà lãnh đạo tài ba, học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực.

Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam, trong đó có nhân dân Thủ đô học tập, noi theo”.

...đến vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên

Ngày 28/8/1945, cụ Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ lâm thời.

Nhiệm vụ cấp bách của toàn Chính phủ phải đối mặt lúc đó là “chống đói và chống dốt”. Bộ trưởng Cứu tế Nguyễn Văn Tố đã đem hết nhiệt tình cách mạng và tri thức uyên bác của mình đóng góp cho Nhà nước Việt Nam vừa giành được độc lập, tự do, tận tâm tham gia tổ chức phong trào “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”, tăng gia sản xuất… Những hạt gạo đại đoàn kết ấy đã mau chóng đẩy lùi nạn đói từng cướp đi sinh mạng bao đồng bào.

Cụ Ngô Văn Tố mặc áo dài đen cùng các chính khách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946
Cụ Ngô Văn Tố mặc áo dài đen cùng các chính khách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 

Trúng cử và trở thành đại biểu Quốc hội tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946), cụ Nguyễn Văn Tố được Quốc hội bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, chức vụ tương đương với Chủ tịch Quốc hội ngày nay.

Khẳng định công lao và những đóng góp lớn lao của vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên – Nguyễn Văn Tố , ông Uông Chu Lưu – Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chỉ giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội trong 8 tháng, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này...

Với vai trò nòng cốt, cụ Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên Ban Thường trực Quốc hội đã đóng góp ý kiến quý báu vào nhiều dự án quan trọng trình Quốc hội, như: Dự án Luật Lao động, Dự thảo Hiến pháp. Bản Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông, được thông qua với sự nhất trí gần như tuyệt đối”.

Trong công cuộc kiến thiết đất nước và mở rộng công tác đối ngoại, cụ Nguyễn Văn Tố tham gia rất tích cực và có nhiều đề xuất quan trọng. Cụ dồn tâm huyết chỉ đạo các tiểu ban của Quốc hội cho ý kiến về các dự án sắc lệnh của Chính phủ, xét 96 dự án Sắc lệnh. Những Sắc lệnh đó đều có tính chất các đạo luật thông qua nhiều nghị quyết nội trị, ngoại giao., liên quan đến công tác phối hợp các Bộ, ngành hoàn thành các nhiệm vụ cứu đói, bình dân học vụ, phòng chống thiên tai.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên của Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 8/10/1947, thực dân Pháp tập kích vào thị xã Bắc Kạn, chúng đã bắt được Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Tố.

Cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc Pháp tra tấn dã man và sát hại khi sự nghiệp cách mạng còn đang dang dở. Cụ Nguyễn Văn Tố đã ngã xuống vì cách mạng, vì nước cộng hoà non trẻ, nhưng những cống hiến của cụ mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ đã cống hiến trọn vẹn Đức - Trí - Dũng cho cách mạng, cho khoa học và văn hóa nước nhà.

Vô cùng thương tiếc người cộng sự đắc lực và người đồng chí kiên trung của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết văn tế Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố với những lời lẽ trân trọng: “Nhớ cụ xưa/ Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh cụ nào có thiết…./ Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt… Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ