Những câu hỏi tại sao
Phiên tòa xét xử bị cáo Thò Pạ Sáu diễn ra vào sáng ngày 19/9. Những dãy ghế phía dưới không có mấy người đến dự, chỉ có người thân và một số đồng nghiệp của bị cáo – những giáo viên đến từ Trường Tiểu học Tri lễ 2, huyện Quế Phong, Nghệ An.
Bị cáo Thò Pạ Sáu được dẫn ra, dáng gầy, nhỏ, đưa mắt xuống, như để tìm người thân quen, rồi vội ngoảnh lên.
Tôi đã chờ đợi phiên tòa này rất lâu trước đó, từ lúc nhận được tin thầy giáo bị bắt vì vận chuyển 15 bánh heroin. Không phải để nghe xem bị cáo sẽ phải chịu mức án nào, mà để tìm lời giải đáp nào đó cho những câu hỏi tại sao cứ luẩn quẩn, day dứt trong đầu suốt gần nửa năm qua.
Tại sao lại làm như thế? Vì cái gì để một thầy giáo lại nhúng chàm? Có lẽ, đó cũng là điều mà các đồng nghiệp của Sáu chưa lý giải được. Bởi dù còn nhiều gian nan, vất vả, thì mức lương cùng với các khoản phụ cấp của giáo viên vùng cao, ít nhất cũng đủ trang trải cuộc sống.
Thò Pạ Sáu từng là giáo viên cắm bản lâu năm |
Đúng vậy, Thò Pạ Sáu từng là thầy giáo - một giáo viên cắm bản lâu năm ở điểm trưởng Pà Khốm (Tiểu học Tri Lễ 2, xã Quế Phong, Nghệ An). Nơi ấy, khi tôi tìm đến, đã phải để lại xe dưới chân núi rồi đi bộ lên. Điểm trường là mấy gian nhà tạm, ghép ván gỗ lại với nhau.
Thầy Nguyễn Văn Lâm – Hiệu trưởng nhà trường, thời điểm đó đưa tôi đến gặp thầy Thò Pạ Sáu giới thiệu: Thầy đã cắm bản ở đây hơn 10 năm rồi, có thâm niên nhất ở điểm lẻ này. Trước kia, đường còn khó khăn hơn nữa, giáo viên muốn vào đến trường, phải đi bộ hơn nửa ngày, men theo ruộng và bờ suối, rồi lại trèo qua mấy ngọn núi cao. Nhà trường chỉ phân công các thầy vào dạy học, chứ các cô giáo không trụ nổi. Riêng thầy Sáu, là thầy giáo người Mông, không chỉ dạy học, còn dạy chữ Mông cho bọn trẻ, hỗ trợ các thầy khác trong giao tiếp, dạy học các em…
Mấy năm sau, tôi được tin, điểm trường Pà Khốm được các đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ, đã chuyển đến địa điểm mới, gần đường chính hơn, có phòng học lắp ghép mới, kín đáo. Tôi mừng lắm, nghĩ rằng từ nay, các thầy có thể yên tâm giảng dạy hơn, những đứa trẻ cũng đỡ vất vả hơn.
Ngoài dạy học, Thò Pạ Sáu còn dạy chữ Mông cho các em học sinh ở trường |
Cho đến khi nhận thông tin do công an cung cấp về đối tượng vận chuyển 15 bánh heroin, có trang bị vũ khí nóng, nhìn vào ảnh, tôi giật mình, không tin nổi: Kia chẳng phải là thầy Sáu hay sao?
Lòng nặng trĩu, trong đầu tôi lúc ấy cứ như cuốn phim chậm quay về hình ảnh người thầy giáo dáng gầy, nhẫn nại cầm tay học trò viết từng chữ cái vào vở, từng con số trên bảng con. Tiếng thước gõ lạch cạch lên bàn cho học sinh tập đọc. Tôi nhớ tiếng reo vui của những đứa trẻ, giơ cuốn vở đã viết xong khoe với thầy. Tôi nhớ cả những tâm sự của các thầy cô ở Pà Khốm: "Thật may có thầy Sáu ở đây, chúng tôi yên tâm hơn hẳn”?
Vậy mà tại sao? Những đồng nghiệp của thầy sẽ ra sao? Và, những đứa ở ở Pà Khốm, chúng sẽ ra sao?
Vết trượt ngã đau xót
Phiên tòa bước vào xét xử, nơi thầy giáo nay là bị cáo đứng trước vành móng ngựa, đeo còng tay số 8.
Bản cáo trạng được đọc lên: Chiều ngày 22/4, Sáu nhận được điện thoại của người đàn ông tên Tủa (người Lào, không xác định được danh tính cụ thể) bảo đi cùng Tủa xuống xã Châu Thôn để giao ma túy cho khách vì ông ta không nói được tiếng Việt.
18h cùng ngày, Sáu bắt xe ôm đến điểm hẹn và được Tủa đưa cho 400 USD tiền công. Một lát sau chiếc ô tô của khách mua ma túy đến, Tủa nói Sáu xách bao tải chứa ma túy (gồm heroin và ma túy tổng hợp có tổng trọng lượng hơn 7kg) đến giao cho khách.
Khi Thò Pạ Sáu xách ma túy lại gần ô tô thì bị Công an phát hiện, bắt giữ. Đối tượng tên Tủa chạy thoát lên rừng, chiếc ô tô cũng nhanh chóng vọt đi.
Các đồng nghiệp của Sáu đến dự phiên tòa xét xử |
Trước HĐXX Thò Pạ Sáu cho rằng mình không phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” như cáo trạng truy tố, mà chỉ là người phiên dịch cho Tủa để lấy tiền công.
Bị cáo hoàn toàn không tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của phi vụ mua bán của Tủa với khách. Khi bị bắt, Sáu đang đứng cạnh bao tải chứa ma túy chứ không phải mang ma túy lại cho khách.
Tuy nhiên, bị cáo cũng thừa nhận khi Tủa gọi điện bảo đi cùng thì Sáu hiểu là đi phiên dịch cho người đàn ông này trao đổi, mua bán ma túy. Khi gặp Tủa ở điểm hẹn, Sáu cũng biết chiếc bao tải Tủa mang theo là ma túy, nhấc lên ước chừng nặng khoảng 7kg. Vì thế, Thò Pạ Sáu mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Tòa vào nghị án, Thò Pạ Sáu ngoảnh hẳn người xuống phía sau. Các đồng nghiệp tranh thủ thời gian ít ỏi để nói chuyện bằng tiếng Mông. Vợ của bị cáo, bế đứa con mới gần 3 tháng tuổi chạy lên, định trao cho chồng bế, nhưng bị ngăn lại… Chị khóc: “Sau khi anh Sáu bị bắt 2 tháng mình mới sinh thằng này. Hôm nay, mình đưa con xuống để gặp bố nó lần đầu tiên”. Khoảng cách từ Tri Lễ (Quế Phong) xuống TP Vinh là hơn 200km.
Chị là vợ hai của bị cáo Sáu. Trước đó, Thò Pạ Sáu đã từng lấy vợ có 1 đứa con. Nhưng khi xuống TP Vinh để học cao đẳng sư phạm, thì người vợ nói không chờ được và bỏ đi lấy chồng khác. Sau khi học xong, được phân công về xã dạy học thì Sáu lấy vợ 2. Cả hai người vợ đều chưa đăng ký kết hôn.
Nhận mức án tử hình, Thò Pạ Sáu ôm mặt khóc |
Hết thời gian nghị án, đến phần tuyên án, HĐXX nhận định số lượng ma túy mà Thò Pạ Sáu tham gia mua bán là rất lớn, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng… Tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.
Như không tin nổi, Thò Pạ Sáu đưa tay xin có ý kiến nhưng không được chấp nhận. HĐXX giải thích về mức án, lúc ấy, Sáu loạng choạng, đứng không vững, đưa tay bưng mặt khóc.
Phía dưới, đồng nghiệp ngậm ngùi, im lặng, không biết nói lời xót xa, cay đắng, hay đáng trách. Còn người vợ không hôn thú bồng đứa con nhỏ nhìn theo mãi, cho đến khi chồng bị giải đi. Rồi chị lại vượt hơn 200km để trở về nhà, nơi mà từ nay, Thò Pạ Sáu vĩnh viễn không thể quay lại được nữa…