Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê chuẩn, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với Trần Văn Hà (63 tuổi) và Hà Văn Thạch (44 tuổi) cùng về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 282 Bộ luật Hình sự.
Gần 2 năm, 3 cựu lãnh đạo bị bắt
Trần Văn Hà là cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Liêm (Hà Nam) còn Hà Văn Thạch là cựu Phó Giám đốc của trung tâm này.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được khi điều tra vụ án, cơ quan công an xác định, trong quá trình thực hiện Dự án Mở rộng nút giao đường 495B và đường sơ tán cứu hộ kết hợp chắn nước núi huyện Thanh Liêm (đoạn qua địa bàn xã Thanh Nghị), Trần Văn Hà và Hà Văn Thạch đã có những vi phạm quy định của Luật Đất đai, vượt quá quyền hạn, giao đất tái định cư cho các hộ dân trái quy định của pháp luật. Việc làm này đã gây thiệt hại cho ngân sách hàng tỉ đồng.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, có đến 3 cựu lãnh đạo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Liêm vướng vòng lao lý do liên quan đến những sai phạm về đất đai.
Trước đó, vào tháng 11/2021, Trần Văn Hà (một cựu Giám đốc khác của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Liêm) cũng đã bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo điều tra ban đầu, trong quá trình giữ chức vụ Trưởng ban Giải phóng mặt bằng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Liêm giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 9/2020, Trần Văn Hà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện nhiệm vụ trái quy định, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
Dự án giao thông 12 năm chưa hoàn thành
Cơ quan chức năng thi hành các quyết định tố tụng đối với bị can Hà Văn Thạch. |
Liên quan đến Dự án đường 495B, hồi đầu năm 2023, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm khiến cho tuyến đường với số vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng có nguy cơ “chết yểu”.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, Dự án đường 495B là tuyến đường có tổng chiều dài 28,9 km được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Hà Nam với số vốn đầu tư ban đầu là 748,8 tỉ đồng.
Qua 4 lần điều chỉnh quy mô và tăng giảm tổng mức đầu tư, đến tháng 11/2016, Dự án đường 495B được tỉnh Hà Nam ấn định tổng mức đầu tư là 7.685 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 6.908 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 480 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai, dự án vẫn còn dang dở. Các hạng mục thi công đứt đoạn vừa không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư, vừa gây bức xúc cho người dân.
Thực trạng tuyến đường hiện đã hư hỏng, xuống cấp đã được nhân dân phản ánh rất nhiều lần. Đến năm 2016, dự án này đã bị tạm dừng thi công. Được biết, việc tạm dừng thi công dự án là do không có vốn. Cụ thể, tổng số vốn của dự án được cấp chỉ có gần 622 tỉ đồng.
Những sai phạm tại dự án này cũng đã được chỉ ra. Cụ thể, trước khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, Dự án đường 495B được phê duyệt. Việc này không được thông qua HĐND.
Điều này được chỉ ra đã vi phạm Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ. Quá trình phê duyệt hình thức đấu thầu còn hạn chế đối với 4 gói thầu của dự án như: Không đúng, không thuộc trường hợp được áp dụng theo quy định tại Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, dự án khi phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn không được thẩm định. Việc này được xác định chưa đúng theo quy định của Luật Đầu tư công 2014. Dự án cũng có quy mô, cấp công trình chưa phù hợp quy hoạch GTVT được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt vào các năm 2008, 2011.
Về nguồn vốn, Thanh tra Chính phủ cũng xác định, khi phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án có nguồn vốn không được thẩm định, không xác định rõ ràng theo quy định.
Dự án cũng không có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn và mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Bên cạnh những tồn tại trên, việc đánh giá tác động môi trường của dự án được chỉ ra còn sơ sài, thiếu nội dung hiện trạng, đề xuất cụ thể.
Đáng nói hơn, Dự án đường 495B có thiết kế cơ sở xác định quy mô đầu tư, giải pháp thiết kế chưa tuân theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô. Ngoài ra còn là việc chủ đầu tư không khảo sát, thu thập số liệu, tính toán các phương án thiết kế mặt đường để lựa chọn phương án tối ưu, có giải pháp tận dụng các cầu cũ được đưa vào khai thác năm 2005.
Việc xác định tốc độ thiết kế của dự án cũng không phù hợp với cấp đường gây sai số khi tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật. Thiết kế kết nối giao thông chưa đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật, an toàn... Thiết kế bản vẽ thi công không phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt…
Hơn nữa, dự án được chỉ ra có thiết kế cơ sở không lấy ý kiến thẩm định của bộ quản lý chuyên ngành theo thẩm quyền quy định đối với dự án nhóm A, vi phạm Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ.
Cũng tại dự án này, UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt định mức, đơn giá khai thác, bốc xúc, vận chuyển đất đá hỗn hợp, các loại vật liệu xây dựng cho trạm trộn bê tông tại xã Thanh Nghị và vận chuyển đến chân công trình; đơn giá ca máy rải bê tông xi măng Writgen SP500, đơn giá vật liệu như đá, cấp phối, bê tông xi măng... đến chân công trình để làm cơ sở lập dự toán và thanh quyết toán dự án.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ ra, một số vật liệu có giá cao hơn so với thông báo giá vật liệu của tỉnh, giá ca máy SP500 (hơn 18 triệu đồng/ca) cao hơn ở một số địa phương (trong đó, cao gấp 2,54 lần đơn giá của TP Hà Nội năm 2011, hơn 7 triệu đồng/ca). Đối với phần giá trị đã nghiệm thu, thanh toán, qua thanh tra cho thấy số tiền thanh toán chi phí xây dựng không đúng tại dự án là hơn 333 tỉ đồng.