Hệ quả của điều này dẫn đến việc nhiều cựu lãnh đạo của tỉnh này bị khởi tố, kỷ luật.
Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý…
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam vừa tống đạt các quyết định khởi tố, bắt bị can để tạm giam và thi hành lệnh khám xét đối với ông Trương Minh Hiến (SN 1960, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam) và ông Vũ Hữu Song (SN 1959, cựu Giám đốc Sở TN&MT Hà Nam).
Hai cựu lãnh đạo trên của tỉnh Hà Nam bị khởi tố, điều tra về tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Đây là diễn biến mới trong đấu tranh mở rộng vụ án Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại núi Hang Diêm (xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng) giai đoạn từ năm 2017 - 2021.
Kết quả điều tra ban đầu xác định: Quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt (Công ty Tiến Đạt) thuê đất để thực hiện xây dựng Nhà máy sản xuất cống bê tông và gạch không nung xi măng cốt liệu tại núi Hang Diêm, các bị can trên đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ cho Công ty Tiến Đạt khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Việc làm nêu trên dẫn đến hậu quả là Nguyễn Văn Diễn (SN 1970, Giám đốc Công ty Tiến Đạt) không nộp tiền trồng rừng thay thế và khai thác trái phép hơn 260.000m3 đá sét xi măng trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ án này, Nguyễn Văn Diễn cùng đồng phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tuyên tổng mức án 8,5 năm tù giam cùng về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Trong đó, Diễn lĩnh án 6 năm tù.
Tài liệu của Báo GD&TĐ cho thấy, năm 2017, Công ty Tiến Đạt được UBND tỉnh Hà Nam ra quyết định chủ trương đầu tư và giao cho thuê 34.865 m2 đất để xây dựng Nhà máy sản xuất cống bê tông và gạch không nung xi măng cốt liệu tại khu vực núi Hang Diêm.
Tuy nhiên, khi nhận được đất, Nguyễn Văn Diễn đã tự ý ký hợp đồng với Trung tâm Điều trị nghiện ma túy và Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh Hà Nam để thuê người khai thác khoáng sản trái phép trong diện tích đất thuộc quyền quản lý của trung tâm bán khoáng sản cho các công ty, cá nhân trong và ngoài tỉnh Hà Nam để kiếm lời.
Từ năm 2010 - 2020, Diễn đã thuê và chỉ đạo khai thác khoáng sản trái phép, bán ra ngoài với số tiền lên đến gần 60 tỷ đồng. Trong đó, Diễn và đồng phạm thu lời trái phép số tiền gần 29 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, ngoài hai cựu lãnh đạo tỉnh Hà Nam vừa bị bắt, trước đó, cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với hai cựu Giám đốc Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh Hà Nam là Vũ Văn Định và Nguyễn Duy Trinh về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Mỏ đá tại địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: Đỗ Minh |
Có “lợi ích nhóm” trong quản lý, khai thác?
Trước khi ông Trương Minh Hiến và ông Vũ Hữu Song bị bắt, đã có cựu lãnh đạo tỉnh Hà Nam bị “tuýt còi” do thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, điều hành về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Đông (Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021) đã bị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Ông Đông bị kỷ luật do đã có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc khi thực hiện nhiều dự án khai thác khoáng sản nhưng không chỉ đạo tổ chức họp bàn, thảo luận thống nhất trong Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Nam, không báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương.
Ông Đông cũng được Bộ Chính trị xác định đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, điều hành công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 được xác định đã trực tiếp ký một số văn bản để các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, thực hiện dự án đầu tư trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, Hà Nam là một trong những địa phương có ngành công nghiệp khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng phát triển nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên. Nguồn lợi từ hoạt động khai thác khoáng sản là rất lớn nên việc khai thác diễn ra ngày càng rầm rộ với quy mô lớn.
Thống kê từ Sở TN&MT tỉnh Hà Nam cho thấy, tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 90 tổ chức được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản và 10 tổ chức được Bộ TN&MT cấp với tổng 105 điểm mỏ tập trung nhiều trên địa bàn 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng.
Không thể phủ nhận ngoài việc đóng góp nguồn thu cho ngân sách tỉnh, an sinh xã hội, các doanh nghiệp khai thác đá còn giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều điểm mỏ đã gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân địa phương đã được báo chí phản ánh.
Từ thực tiễn cho thấy, công tác quản ký khai thác tài nguyên của chính quyền tỉnh Hà Nam vẫn còn tồn tại nhiều sai phạm.
Tài liệu của Báo GD&TĐ cho thấy, trong thời gian từ năm 2012 – 2018, UBND tỉnh Hà Nam đã cho phép 8 công ty (gồm: Công ty TNHH vận tải Thủy Hải Long, Công ty TNHH Xuân Trường, Công ty TNHH xây dựng và thương mại HTP, Công ty TNHH vận tải thương mại Thủy Nguyên, Công ty TNHH khai thác khoảng sản Nam Sơn, Công ty cổ phần đầu tư phát triển VTH, Công ty TNHH Sơn Hải, Công ty TNHH Havico Hà Nam) khai thác tận thu khoáng sản (đá) trên địa bàn huyện Thanh Liêm nhưng không yêu cầu lập hồ sơ khai thác.
Trong đó, có 6/8 công ty khai thác vào vị trí đất thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo QĐ số 1609/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh Hà Nam. Sau khi được kiểm tra, kết luận, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản chấm dứt chủ trương thực hiện đối với tất cả 8 công ty này.
Trách nhiệm được chỉ ra thuộc về UBND tỉnh Hà Nam và các sở, ngành gồm: Văn phòng UBND tỉnh, TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT, UBND TP Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và chủ đầu tư các dự án.