Là nam tử râu ria đẹp đẽ,
Tính thẳng ngay, lòng dạ sáng trong.
Gặp hiểm nguy, thoát ra gọn ghẽ.
Sử sách từng miêu tả những nhân vật có râu ria nổi bật và một trong số họ là viên quan xứ Đông Trương Phu Thuyết.
Ông còn có tên là Phu Duyệt (sinh khoảng 1476 - mất năm 1551), quê ở làng Kim Đâu, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng (nay thuộc tỉnh Hải Dương) đỗ tiến sĩ năm Đoan Khánh (1505) dưới triều vua Lê Uy Mục. Tháng 2 âm lịch năm 1513, Trương Phu Thuyết từng được cử cùng với Nguyễn Trang, Nguyễn Si đi sứ đến nhà Minh và hoàn thành sứ mạng ngoại giao của mình.
Ông làm quan trải 4 triều vua Hậu Lê (Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng) trong một giai đoạn phức tạp, triều đình lộn xộn, mà vẫn giữ được bản tính cương trực, không a dua, xu phụ.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung áp chế ông, muốn ông soạn cho một bức chiếu thư giả của vua với nội dung là nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung, nhưng Trương Phu Thuyết lúc đó giữ chức Thượng Thư bộ Lại cứ vểnh bộ râu đặc biệt của mình, quắc mắt cự tuyệt, các trung thần nhà Lê đều lo thay cho ông.
Là người xảo quyệt, nhiều mưu kế, tướng mạo rất quắc thước, da ngăm, tóc quăn, mắt nhỏ lòng đen và lòng trắng không phân định rõ, thể hiện sự âm hiểm, bạo liệt, tuy rất giận nhưng Mạc gia vẫn giữ được điềm tĩnh.
Mạc Đăng Dung từng đỗ tạo sĩ võ, trải nghiệm quan trường khá lâu, nên họ Mạc rất bình tĩnh quan sát thế cục, thấy nhiều ánh mắt thiện cảm hướng về vị Thượng Thư bộ Lại, hơn nữa vị này có uy vọng lại cùng quê Hải Dương với mình nên họ Mạc nén giận. Bản thân Mạc Đăng Dung cũng rất tự hào về bộ râu quai nón đen nhánh của ông, bộ râu góp phần làm nên uy phong khiến nhiều người run sợ khi gặp.
Được mấy hôm, Mạc Đăng Dung hạ chức ông xuống làm Tả tham tri Bộ Hình, rồi ngay sau đó, Mạc Đăng Dung sai Thám hoa Nguyễn Văn Thái thay vua viết chiếu nhường ngôi, cướp ngôi vua Lê Cung Hoàng lập ra nhà Mạc. Viên quan râu đẹp họ Trương vội rời bỏ chốn quan trường chọn cách quy hương điền viên.
Bạn bè đồng liêu hỏi sao Trương Phu Thuyết không sợ nguy mà dám nói lẽ phải, ông nói: Sách “Luận ngữ” viết: “Đối với quân tử cần để ý ba lỗi: Chưa tới lúc nói đã nói, ấy gọi là hấp tấp; lúc cần nói lại không nói, ấy gọi là che giấu; nói bất chấp vẻ mặt người khác, ấy gọi là đui mù” rồi liền cáo quan về quê, đọc sách, khi buồn thì ra quán rượu đầu làng uống giải khuây.
Một ngày đẹp trời, quan huyện Thanh Miện áo mũ nghênh ngang đi qua làng Kim Đâu, mọi người trong quán rượu đều đứng dậy vái chào quan huyện, riêng Trương Phu Thuyết cứ ngồi yên uống rượu.
Bọn thuộc hạ huyện quan giận lắm, định đánh ông, quan huyện xuống kiệu nhìn kỹ thấy ông hình dung quắc thước, đặc biệt là bộ râu sáng ánh như bạc, vểnh ra không khóa yết hầu, rậm vừa phải, thanh nhã, mắt tinh nhanh, lông mày cao, thanh, rất hợp với râu... biết ngay không phải hạng phàm phu, tục tử, mà là đấng tu mi nam tử, liền quát thuộc hạ: “Nom ông già này râu ria bảnh, chắc có học, để ta ra câu đối, nếu không đối nổi hẵng trị tội”.
Trương Phu Thuyết ra hiệu hãy xướng vế đối, quan huyện đọc: “Thanh Miện huyện quan, kiến vô lễ nhi dục công” (Huyện quan Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh), ông liền đối: “Kim Đâu tiến sĩ, vị hữu tu nhi đắc miễn” (Tiến sĩ Kim Đâu, chắc nhờ bộ râu mà được miễn tội). Huyện quan lúc đó mới biết ông là quan lớn xuất thân tiến sĩ, đang trí sĩ ở quê, vội vái tạ xin lỗi.
Thực ra, theo kinh nghiệm cha ông và các nhà nghiên cứu nhân dạng thì râu đóng vai trò khá lớn.
Người có râu xoăn như trôn ốc thường thông minh, khoáng đạt, nếu râu dài mượt óng như tơ kéo sẽ phong lưu, vinh hiển, người mà râu cứng như ngọn giáo hay có quyền cao chức trọng (đặc biệt là theo nghiệp binh); người có râu tía, mày lưỡi kiếm, tiếng nói âm vang, thần cốt thanh kỳ rất thành đạt, địa vị cao sang (Tôn Quyền mắt biếc, râu tía hùng cứ Giang Đông thời Tam Quốc); nếu bộ râu sáng có ánh bạc sẽ sớm thành đạt...
Dĩ nhiên là các bộ râu đó phải thanh (trông trang nhã, gọn gàng); xoăn (không thẳng đuột, dựng đứng; nhiều tầng lớp (nếu đều tăm tắp như bàn chải là xấu); xơ (không lồm xồm hỗn tạp như rễ tre); đồng thời phải tương ứng với lông mày; mạnh (mọc không ẻo lả); nhuận (không khô ráp); viên (óng mượt).
Người ta còn cho rằng nếu hình dạng của râu phạm các điều sau là không tốt: Kỵ râu nhiều, ria ít (cuộc đời hay bôn ba gian khổ); kỵ râu mọc dài sai chỗ (ví dụ mọc ở má, cổ); kỵ lông mũi thò ra tiếp với ria chứng tỏ vận khó hanh thông, dễ trắc trở; kỵ không có râu ở nhân trung (tiền tài khó tụ); kỵ râu rậm khóa kín yết hầu (dễ trở thành lỗ mãng, thô tục như mãng phu); kỵ mọc ngược (hung dữ).
Kỵ ria phủ xuống miệng như mành mành (khó thành đạt, bất đắc chí, kiếm tiền khó); kỵ rẽ ra như đuôi chim én (hay gặp họa); kỵ đỏ như bị cháy (râu tôm kho cháy - chứng tỏ cuộc đời cô độc); kỵ vàng khè khô khốc (người cô đơn khó hòa nhập).
Phải chăng vì có bộ râu thuộc bộ vị tốt nói trên mà Trương Phu Thuyết thành đạt sớm, làm quan trải 4 đời, cương trực, trọng nghĩa không sợ cường quyền, có thể bảo vệ chính kiến, chủ động về trí sĩ nghỉ ngơi mà thân vẫn toàn, danh vẫn vẹn dài lâu với thời gian.
Ông có người vợ thứ là Nguyễn Thị Từ Huệ, con gái quan Hộ bộ Tả thị lang, người Vân Nội, phủ Ứng Thiên (nay là huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội) sinh được một trai. Sau khi ông trí sĩ, bà Huệ là người sớm tối bên cạnh chăm sóc, an ủi, tâm sự... khiến cho ông được bình an, vui vẻ cho đến hết cuộc đời.