Tạp chí National Interest cho biết Triều Tiên xây dựng và duy trì bộ máy thông tin tình báo và an ninh nội địa rộng lớn nhằm bảo vệ trước các hoạt động gián điệp từ trong và ngoài nước. Bình Nhưỡng duy trì 2 cơ quan tình báo phản gián, trong đó, một cơ quan tập trung vào các hoạt động tình báo ở nước ngoài và hoạt động bí mật, cơ quan còn lại tập trung vào chống gián điệp.
Ngoài ra có 2 tổ chức nhỏ chuyên xâm nhập vào Hàn Quốc. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc về đánh giá sức mạnh dự kiến của Bình Nhưỡng năm 2015, Triều Tiên có thể thu thập thông tin chính trị, kinh tế, quân sự và kỹ thuật thông qua các nguồn mở như con người, không gian mạng và tình báo tín hiệu vô tuyến.
Mục tiêu chính trong các hoạt động gián điệp của Triều Tiên là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Cơ quan tình báo nước ngoài chính của Triều Tiên là Tổng Cục Trinh sát chung (GRB) được tổ chức theo mô hình cơ quan tình báo RGU của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Một buổi huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên. Ảnh: KCNA.
Lầu Năm Góc cho biết, RGB là cơ quan tình báo chính, chịu trách nhiệm về hoạt động bí mật và thu thập thông tin. Cơ quan này gồm 6 phòng ban với các chức năng riêng biệt như, trinh sát, công nghệ và không gian mạng, thông tin tình báo nước ngoài, nghe lén cuộc thảo luận giữa các nước về bán đảo Triều Tiên.
Cơ quan tình báo nội địa của Triều Tiên là Bộ An ninh Quốc gia chuyên phụ trách các hoạt động tình báo phản gián trong nước, mặc dù vẫn có thể có một số chức năng tình báo nước ngoài. Cơ quan này được tổ chức theo mô hình Bộ An ninh nhà nước Liên bang Xô Viết.
Theo Lầu Năm Góc, Bộ An ninh nhà nước (MSS) chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo và chống tình báo trong nước, báo cáo trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. MSS điều hành hệ thống trại giam ở Triều Tiên, điều tra gián điệp trong nước, hồi hương những người đào thoát, tiến hành hoạt động bảo vệ thân nhân các cơ quan ngoại giao của Triều Tiên.
Cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Đồ họa: Forbes.
Ngoài ra, Triều Tiên duy trì 2 đơn vị khác được tổ chức đặc biệt để thâm nhập vào Hàn Quốc. Một tổ chức hoạt động công khai, còn lại bí mật. Trong đó, Bộ Mặt trận Thống nhất (UFD) công khai tuyên bố thành lập các nhóm ủng hộ Triều Tiên tại Hàn Quốc như, Ủy ban Triều Tiên – châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng Hòa giải Dân tộc.
UFD cũng là cơ quan chính chịu trách nhiệm quản lý đối ngoại liên Triều và chính sách của Bình Nhưỡng đối với Seoul. Ngoài ra, UFD cũng có một đơn vị bí mật chuyên đào tạo các điệp viên xâm nhập để gieo rắc sự bất đồng và hỗn loạn ở Hàn Quốc.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, Cục 225 có trách nhiệm đào tạo các đặc vụ để xâm nhập vào Hàn Quốc thành lập các đảng phái chính trị nhằm gây bất ổn. Bộ máy tình báo của Triều Tiên là một trong những lực lượng hùng mạnh của Bình Nhưỡng.