Truy lại các hợp đồng mua bán từ tháng 3/2018
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã nâng giáhệ thống Realtime PCR tự động từ 2,3 tỷ đồng lên thành 7 tỷ đồng. Sau khi sai phạm này bị cơ quan chức phanh phui, nhiều tỉnh, thành khác đang cố gắng “biến báo” trong giải trình.
Nói về hợp đồng mua thiết bị Realtime PCR của hãng Quiagen (Đức), ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Sở Y tế Hải Phòng đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông hỗ trợ cho mượn trong thời gian chưa hoàn tất thủ tục mua sắm.
Tại tỉnh Ninh Bình, ngày 27/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Tống Quang Thìn ký quyết định về việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Theo đó, tổng dự toán là 7,94 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách dự phòng năm 2020 của tỉnh Ninh Bình.
Chỉ một ngày sau, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử Realtime PCR với mức giá 7,94 tỷ đồng.
Đến ngày 18/3, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh là ông Phạm Văn Hiệp đã ký văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu. Công ty TNHH Thiết bị Y tế và Khoa học Tâm Việt (địa chỉ: Số 19, tổ 45A, ngõ 299/2 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) là đơn vị trúng thầu. Doanh nghiệp này trúng thầu với mức giá 7.892.676.000 đồng.
Sau sai phạm tại CDC Hà Nội và lùm xùm về mua sắm tại các tỉnh, Bộ Y tế đã có liên tiếp 2 công văn gửi các đơn vị đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Realtime PCR.
Cụ thể hơn là đề nghị báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến 29/2/2020.
Bộ Y tế yêu cầu photocopy các tài liệu, đóng dấu sao y bản chính và gửi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên. Báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 28/4.
Vi phạm không thể chấp nhận
PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện những kẻ hút máu đồng bào trong đại dịch: “Đây là việc làm cần thiết. Công an phát hiện sai phạm ở CDC Hà Nội là rất kịp thời. Đất nước ta còn khó khăn. Chúng ta đang phải gồng mình “chống dịch như chống giặc”. Có sự chênh lệch giá mua sắm thiết bị y tế, thậm chí gấp 3 lần, điều đó không thể chấp nhận được…”, bà An nói.
Nói về giải pháp kiểm soát sai phạm, xử lý trách nhiệm vi phạm thời gian qua, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị, các ngành chức năng phải làm rõ vì sao có sự chệnh lệch giá mua sắm thiết bị y tế như vậy? “Cần công khai chất lượng máy móc, giá cả thiết bị y tế. Làm rõ vì sao có một công ty (Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông - PV) trúng hầu hết các gói thầu tại nhiều địa phương.
Nói về trách nhiệm cơ quan quản lý, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Ai liên quan, mức độ vi phạm tới đâu thì sau điều tra sẽ rõ. Nhưng chắc chắn, những người liên quan trực tiếp và góc độ quản lý phải có trách nhiệm. Trong lúc cấp bách có quyền chỉ định thầu nhưng phải bảo đảm đầy đủ nguyên tắc chỉ định thầu. Và vì sao một công ty được chỉ định thầu tại nhiều địa phương phải làm rõ…”, PGSS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa XI, nhấn mạnh: “Để xác định sai phạm thì cơ quan điều tra cần vào cuộc từng vụ việc, địa phương cụ thể. Có vậy mới tìm hiểu giá gốc của hãng, vận chuyển... Từ đó mới xác định được sai phạm của từng thiết bị và địa phương...”.