(GD&TĐ) - Trong dư luận đang dấy lên luồng ý kiến cho rằng SGK Tiếng Việt 1 (NXB Giáo dục) có những sai sót trong cách viết hoa, trong sử dụng ngữ liệu… Chúng tôi xin đăng bài viết của TS Lê Hữu Tỉnh, nguyên Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục nhằm giúp bạn đọc hiểu kỹ hơn những cơ sở khoa học và giáo dục trong việc biên soạn, sử dụng SGK Tiếng Việt.
SGK Tiếng Việt 1 sử dụng một khối lượng ngữ liệu lớn để phục vụ việc luyện đọc, luyện viết cho HS. Ngữ liệu được sử dụng trong SGK bao gồm các từ ngữ, các đoạn văn đoạn thơ, bài văn, bài thơ… phù hợp với HS lớp 1. Một trong những vấn đề mà các tác giả SGK phải xử lí trong quá trình biên soạn là vấn đề viết hoa trong các ngữ liệu này. Cách xử lí không thể ngẫu nhiên, tùy tiện mà phải dựa trên những căn cứ, những cơ sở nhất định. Dưới đây là những nét chính trong cách xử lí vấn đề viết hoa của các tác giả SGK Tiếng Việt 1.
1. Trong các bài "Chữ cái và âm" (phần "Học vần")
Phần này dạy cho HS các âm (nguyên âm, phụ âm) và các chữ cái ghi âm trong tiếng Việt, gồm 27 bài (từ bài 1 đến bài 27). Do HS chưa được học về chữ hoa (chữ viết hoa, chữ in hoa) cho nên các ngữ liệu trong các bài học ở phần này chưa viết hoa. Cụ thể, các chữ đứng đầu câu, các tên riêng chưa được viết hoa. Từ bài 28 (kết thúc phần dạy "Chữ cái và âm"), SGK Tiếng Việt 1 bắt đầu dạy chữ hoa cho HS và từ đây, các chữ đầu câu, các tên riêng đều được viết hoa. Đó là một sự bố trí hợp lí. Bởi vì chữ hoa được coi là khó viết đối với HS, do đó không thể bố trí dạy sớm hơn.
Về chủ trương ở 27 bài đầu chưa viết hoa các ngữ liệu - cũng cần được làm rõ hơn, để tránh những thắc mắc có thể có ở người đọc. Cụ thể, theo chúng tôi, mục tiêu của phần này là giúp HS nhận biết, nhận dạng được các chữ cái ghi âm (nguyên âm, phụ âm) trong tiếng Việt. Nói cách khác, ở phần này, học sinh chỉ nhận biết được dạng chữ thường (chữ in thường và chữ viết thường) của các chữ cái, để từ đó đánh vần được và đọc được các tiếng khóa, từ khóa, từ và câu ứng dụng.
Mục tiêu này phù hợp với giai đoạn đầu học chữ của trẻ, phù hợp với những đặc điểm về tư duy, nhận thức của trẻ và tránh được tình trạng quá tải trong dạy - học. Vì vậy, ở giai đoạn này, theo chúng tôi, chủ trương chưa dạy chữ hoa (chữ cái ở dạng viết hoa), theo đó là chưa viết hoa các ngữ liệu được sử dụng ở 27 bài đầu là một chủ trương đúng đắn.
Học sinh lớp 1 trong giờ luyện tập |
2. Trong các bài còn lại (phần "Học vần" và phần "Luyện tập tổng hợp")
Phần này gồm từ bài 28 đến bài 103 (phần "Học vần") và các bài trong phần "Luyện tập tổng hợp". Về vấn đề viết hoa trong các ngữ liệu được sử dụng ở phần này, theo chúng tôi, có mấy khía cạnh sau đây cần lưu ý:
a) Tên các chủ đề "Luyện nói" ở cuối mỗi bài học vần mới chỉ viết hoa chữ đầu (ví dụ: Bé tự giới thiệu; Nặn đồ chơi; Mai sau khôn lớn…) và ở cuối tập hợp từ này không có dấu chấm kết thúc (giống như cách trình bày các đề mục, tiểu mục trong sách).
b) Tên câu chuyện trong phần Kể chuyện ở cuối các bài ôn tập cũng viết hoa chữ đầu, viết hoa từ chỉ các con vật đã được nhân cách hóa, cá thể hóa - với tư cách là các nhân vật trong truyện. (ví dụ: Cây khế; Đi tìm bạn; Khỉ và Rùa…).
c) Tên người, tên đất, chữ đầu câu… đều được viết hoa bình thường.
d) Vấn đề viết hoa từ chỉ các con vật
Trong các ngữ liệu được sử dụng ở SGK Tiếng Việt 1, từ chỉ các con vật (ví dụ: Voi, kiến, mèo, chuột, rùa, thỏ…) xuất hiện khá nhiều. Những người biên soạn và biên tập sách Tiếng Việt 1 đã dựa vào một số tiêu chí sau đây để xử lí vấn đề viết hoa từ chỉ các con vật:
- Trước hết, phải đặt từ đó vào văn cảnh (câu văn, đoạn văn…) để xem xét. Cụ thể, một từ chỉ loài vật như: Voi, kiến, rùa, thỏ… nếu xuất hiện trong từ điển, đứng cô lập, tách khỏi văn cảnh thì hiển nhiên không thể viết hoa, vì nó là danh từ chung chỉ một loại sự vật, chỉ giống loài. Nhưng, cũng từ đó, nếu đặt trong một văn cảnh cụ thể, được dùng làm tên gọi của một cá thể sự vật, được nhân cách hóa thì nó đã trở thành tên riêng của một "nhân vật" và cũng hiển nhiên, phải viết hoa từ ấy. (Có thể gọi nguyên tắc này là nguyên tắc: Dựa vào văn cảnh).
- Sau đó, như đã nói ở trên, ta xem xét từ ấy (nghĩa của từ ấy) có mang tính nhân cách hóa, cá thể hóa hay không. Cụ thể, nhân cách hóa nghĩa là gán cho con vật những đặc tính của con người, cũng cười nói, vui buồn như con người; cá thể hóa nghĩa là từ đó là tên gọi của một cá thể sự vật, một con vật cụ thể, duy nhất (nhân cách hóa và cá thể hóa có thể nói tắt là nhân hóa và riêng hóa). Nếu một từ chỉ con vật mà mang cả hai đặc điểm trên, thỏa mãn hai tiêu chí trên thì từ đó được viết hoa (ví dụ: Các từ Cừu (Tiếng Việt 1, tập một, tr.87); Dế Mèn, Sên (tr.97); Sẻ (tr.133); Mèo, Chuột (tr.151)… Ngược lại, nếu từ chỉ con vật không mang hai đặc điểm nói trên thì không viết hoa.
Ở đây, có vấn đề thú vị nhưng không kém phần phức tạp, nan giải được đặt ra là: Có một số "hiện tượng trung gian", nghĩa là hai đặc điểm nói trên không được thể hiện rõ nét, rõ ràng hoặc không thể hiện đầy đủ. Trường hợp không thể hiện rõ nét có thể tìm thấy qua ví dụ: Nhà Sáo Sậu ở sau dãy núi (tr.89)… [Trong văn cảnh này, tính chất nhân cách hóa, cá thể hóa của từ Sáo Sậu không thật rõ nét. Nhưng trong hai phương án viết hoa/ không viết hoa, phương án viết hoa được lựa chọn, vì từ Sáo Sậu vẫn hội đủ cả hai đặc điểm nói trên.
Còn trường hợp thể hiện không đầy đủ, nghĩa là một từ nào đó mà nghĩa của nó chỉ thể hiện một trong hai đặc điểm, thỏa mãn một trong hai tiêu chí đã được nói tới ở trên. Ví dụ: Lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ bay lượn (tr.103)… Ở văn cảnh này, từ chuồn chuồn chỉ ít nhiều mang tính nhân cách hóa, mà không mang tính cá thể hóa. Đối với những từ thuộc loại này, phương án không viết hoa được lựa chọn, vì các từ đó không hội đủ cả hai đặc điểm nêu trên. Như vậy, về những từ mang tính chất "trung gian" như đã nói ở trên, việc lựa chọn phương án viết hoa hay không viết hoa chỉ mang tính quy ước, tính tương đối.
- Còn một vấn đề khác được đặt ra cũng cần có cách giải quyết thỏa đáng, để tránh những thắc mắc ở người đọc, đó là vấn đề xác định ranh giới từ (từ chỉ con vật) khi viết hoa. Cụ thể, tại sao Sư Tử, Chào Mào, Dế Mèn, Sáo Sậu, Bói Cá… thì viết hoa cả hai chữ (tiếng); còn Gấu mẹ, Thỏ con, Chuột nhà, Chuột đồng… thì chỉ viết hoa một chữ?
Để trả lời câu hỏi này, ta phải xem xét cấu trúc của các tổ hợp trên, xem xét mối quan hệ lỏng - chặt giữa các yếu tố trong từng tổ hợp. Cụ thể, ở loại thứ nhất, quan hệ giữa các yếu tố (Sư và Tử; Chào và Mào; Dế và Mèn; Sáo và Sậu… khá chặt chẽ, không thể tách rời, mang tính nhất thể hóa, tạo thành một khối và được hiểu cả khối này là một từ, gọi tên một con vật.
Còn ở loại thứ hai, quan hệ giữa các yếu tố (Gấu và mẹ; Thỏ và con; Chuột và nhà…) khá lỏng lẻo, không hoặc ít có tính cố định, ổn định, bền vững, dễ tách rời thành hai từ. Có thể hiểu đây là những cụm từ, những tập hợp từ. Do đó, không nên viết hoa hai yếu tố trong tổ hợp này. Như vậy, mối quan hệ lỏng - chặt giữa các yếu tố trong tổ hợp chỉ các con vật, cũng là một trong những tiêu chí dùng vào việc xử lí vấn đề viết hoa.
- Cuối cùng, chúng tôi thấy cũng cần nói về một số trường hợp mà cách xử lí viết hoa tên các con vật ở đó cũng dễ gây thắc mắc cho người đọc. Trước hết, trong tên một số chủ đề "Luyện nói" ở SGK Tiếng Việt 1, tập một, có những cách viết sau: "Sẻ, ri, bói cá, le le" (tr.67); "Hổ, báo, gấu, hươu, nai, voi" (tr.87); "Chuồn chuồn, châu chấu, cào cào" (tr.103) thì nên hiểu Sẻ, Hổ, Chuồn được viết hoa vì các từ này đứng đầu trong tên chủ đề "Luyện nói", còn các từ đứng sau không được viết hoa vì chúng là danh từ chung, chỉ giống loài.
Cạnh đó, có người hỏi: Vì sao trong cùng trang 67, từ Bói Cá ở câu ứng dụng được viết hoa, còn từ bói cá trong tên chủ đề "Luyện nói" lại không được viết hoa? Câu trả lời khá đơn giản: Từ Bói Cá ở trên thể hiện đầy đủ 2 đặc điểm: Nhân cách hóa, cá thể hóa; còn từ bói cá ở dưới chỉ là danh từ chung, chỉ giống loài.
- Để kết thúc mục d (Vấn đề viết hoa từ chỉ các con vật), chúng tôi muốn nói tới một cách xử lí khá đơn giản mà giáo viên tiểu học có thể làm được, trước một từ chỉ con vật trong một văn cảnh. Cụ thể, ta đặt hai câu hỏi:
(1) Từ này (hoặc: Nghĩa của từ này) có mang tính nhân hóa, riêng hóa, là tên riêng của một “nhân vật” hay không? (nếu có: Viết hoa; không có: Không viết hoa).
(2) Quan hệ giữa các tiếng trong từ (trong tổ hợp) chặt hay lỏng? (nếu chặt chẽ: Viết hoa tất cả các tiếng - chữ; nếu lỏng lẻo: Chỉ viết hoa tiếng - chữ đứng đầu).
TS Lê Hữu Tỉnh