Về vai trò của Tề Chí Dũng trong vụ án xảy ra tại IPC và SADECO

GD&TĐ- Tề Trí Dũng - nguyên Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV Công ty TNHH 1 thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), có vai trò chính đối với các sai phạm trong vụ án.

Bị can Hồ Thị Thanh Phúc (trái) và bị can Tề Trí Dũng.
Bị can Hồ Thị Thanh Phúc (trái) và bị can Tề Trí Dũng.

Gây thất thoát lớn

Theo cáo trạng, trong việc SADECO phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, bị can Tề Trí Dũng có vai trò xuyên suốt từ việc thực hiện các thủ tục hợp tác, thực hiện chủ trương hợp tác với Công ty Nguyễn Kim, đến khi hoàn thành việc phát hành cổ phần cho công ty này với giá 40 nghìn đồng/cổ phần.

Đồng thời, sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá, với tài sản bị định giá thấp, sai quy định tại Khoản 5, Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ để thực hiện các thủ tục phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, thấp hơn giá trị của SADECO, gây thất thoát tài sản của Nhà nước tại SADECO hơn 669 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Tề Trí Dũng là người chủ trương thực hiện chuyến đi trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty Du lịch Bến Thành về chương trình, lịch trình, giá tour và các nội dung của 2 hợp đồng tổ chức tour du lịch nước ngoài và giao cho Hồ Thị Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO) tổ chức thực hiện.

Đồng thời, với vai trò Chủ tịch HĐQT SADECO, bị can là người ký các nghị/quyết định về việc thông qua quỹ tiền lương năm 2017 và việc hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên vào chi phí hoạt động, đảm bảo không quá 1 tháng lương thực tế theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, gây thất thoát tài sản Nhà nước trên 2 tỷ đồng.

Mặt khác, bị can Tề Trí Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn Chủ tịch HĐQT SADECO để thông qua chủ trương, chỉ đạo bị can Hồ Thị Thanh Phúc thực hiện và trực tiếp duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng HĐQT, BKS mà SADECO đang quản lý cho mình và các thành viên HĐQT trái quy định, để các bị can là thành viên HĐQT và BKS không chuyên trách thực tế chiếm đoạt của SADECO tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng, trong đó, bị can Dũng chiếm đoạt số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Hành vi của bị can đã phạm tội “tham ô tài sản” được quy định tại Khoản 4, Điều 353 BLHS.

Theo đó, cáo trạng của cơ quan công tố cáo buộc bị can Tề Trí Dũng  phạm 2 tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “tham ô tài sản”.

Đi du lịch thành tham quan, học tập tại châu Âu

Theo diễn tiến vụ án, ngày 28/4/2017, bị can Tề Trí Dũng ký nghị quyết về việc thông qua quỹ tiền lương năm 2017 của công ty là 24 tỷ đồng. Sau đó, bi can Dũng tiếp tục ký nghị quyết thông qua việc hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên vào chi phí hoạt động, đảm bảo không quá một tháng lương thực tế theo quy định.

Năm 2017, số tiền chi thực tế của SADECO là 21,76 tỷ đồng (thấp hơn dự toán) nên lương bình quân một tháng là 1,81 tỷ  đồng, do đó chi phí đi nghỉ mát sẽ không được vượt quá số tiền này. Tính đến ngày 25/10/2017, tổng chi phí tham quan, nghỉ mát của SADECO đã chi cho cán bộ nhân viên hết 949 triệu đồng, nguồn kinh phí nghỉ mát chỉ còn lại 861 triệu đồng, các khoản chi nghỉ mát tiếp theo không được cao hơn khoản tiền này.

Tuy nhiên, bị can Hồ Thị Thanh Phúc đã chỉ đạo lập và duyệt hồ sơ, thủ tục cho 2 đoàn công tác nước ngoài với lý do tham quan, khảo sát mô hình phát triển các khu công nghiệp, cảng và bất động sản dân dụng tại một số quốc gia phát triển ở châu Âu, trong khi SADECO không có dự án khu công nghiệp hay dự án cảng nào, với chi phí 4,6 tỷ đồng.

Kết luận điều tra bổ sung xác định, chi phí đi du lịch của mỗi thành viên từ 180 triệu đồng đến 246 triệu đồng trong 2 chuyến đi 33 ngày, có một cá nhân tự túc, còn lại thành viên chuyến đi gồm lãnh đạo, thành viên HĐQT và ban kiểm soát SADECO.

Bị can Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng SADECO) đã ký trình Ban Tổng Giám đốc duyệt tại các tờ trình thông qua chủ trương tham quan, học tập tại châu Âu, ký duyệt hạch toán chi phí hai chuyến đi nghỉ mát với nội dung chi phí nghỉ mát đợt 2 năm 2017 và duyệt thanh toán với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Sau đó, bi can Tề Trí Dũng đã trực tiếp trao đổi, yêu cầu với một công ty du lịch để điều chỉnh nội dung các chuyến đi thành khảo sát, học tập để phù hợp với nội dung tờ trình của SADECO.

Sau khi hoàn tất việc thanh toán chi phí chuyến đi cho công ty du lịch thì SADECO đã hạch toán chi phí 2 chuyến đi du lịch thành chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên khi báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017, báo cáo thuế năm 2017 và quyết toán thuế.

Tháng 4/2018, Thanh tra TPHCM tiến hành thanh tra IPC, SADECO đã yêu cầu 4 cá nhân không phải cán bộ, lãnh đạo SADECO mỗi người nộp lại số tiền 246 triệu đồng.

Qua làm việc với cơ quan điều tra, các cá nhân tham gia chuyến đi đều khai nhận chương trình của đoàn đơn thuần là tham quan, du lịch nghỉ mát, không gặp gỡ, tiếp xúc bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài, không khảo sát dự án, cảng biển, công trình và không liên quan đến công việc của công ty.

Đồng thời, bị can Hồ Thị Thanh Phúc còn khai nhận, bị can Tề Trí Dũng là người chủ trương chuyến đi, danh sách những người tham gia chuyến đi là do Dũng chỉ định.

Cơ quan điều tra xác định, việc chi tiền cho 2 chuyến đi nêu trên là trái với quy định pháp luật, không đáp ứng điều kiện về chi phí được hạch toán, khấu trừ theo quy định, vi phạm quy định về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Số tiền chi không đúng quy định, gây thất thoát, thiệt hại cho SADECO là gần 3,6 tỷ đồng, trong đó thất thoát, thiệt hại cho vốn Nhà nước là gần 2,2 tỷ đồng.

Tham gia chương trình đào tạo 300 thạc sĩ - tiến sĩ

Bị can Tề Trí Dũng, sinh năm 1981, có trình độ Thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Trung cấp Lý luận chính trị. Ông từng tham gia chương trình đào tạo 300 thạc sĩ - tiến sĩ của TPHCM. Ông bị tạm giam tại Trại tạm giam Chí Hòa từ ngày 14/5/2019.

Ông Dũng từng kinh qua các vị trí công tác: Từ tháng 8/2003 - 9/2007, ông Dũng công tác tại Công ty Dầu khí TPHCM, giữ chức Trưởng bộ phận Thị trường - Phòng kinh doanh... Sau đó, ông có 8 năm công tác tại Tổng Công ty Bến Thành (từ tháng 10/2007), với các chức vụ Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Trưởng phòng Tài chính, Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc, và vị trí cao nhất là Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng Công ty từ tháng 10/2014 - 4/2015.

Tháng 5/2015, ông Dũng trở thành Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) ở tuổi 34. Ông Dũng cũng kiêm luôn Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV và là người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp Nhà nước này. Ông Dũng cũng là đại biểu HĐND TPHCM. Do “dính” đến các sai phạm nghiêm trọng tại IPC, nên các kỳ họp HĐND TPHCM từ cuối năm 2018 ông đều vắng họp.

Theo kết luận thanh tra, trong hai năm 2016 - 2017, ông Tề Trí Dũng - với vai trò Tổng Giám đốc Công ty IPC đã đi nước ngoài đến 106 ngày. Chỉ tính riêng việc đi công tác, ông Dũng có vi phạm đi vượt nhiều ngày so với số ngày được UBND TPHCM cho phép. Đồng thời, mục đích chuyến công tác là học tập nhưng báo cáo sau chuyến đi không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm nào được đúc kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.