Vệ tinh phát hiện khí metan: Công cụ mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Các nhà khoa học cho biết, đây là lần đầu tiên một vệ tinh trong một cuộc khảo sát toàn cầu thông thường đã xác định và đo được lượng khí metan thoát ra từ vụ nổ giếng khí, một công cụ có thể sẽ quan trọng trong nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu.

Vệ tinh đo khí metan đang hoạt động
Vệ tinh đo khí metan đang hoạt động

Các vụ nổ giếng dầu khí đã thải ra một lượng lớn khí metan, một loại khí thải chỉ đứng sau carbon dioxide góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc đo đạc những rò rỉ này cũng trở thành một thách thức cho giới khoa học.

Nhưng vào đầu tuần này, một nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ cho biết, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã phóng vệ tinh Sentinel-5P mang theo công cụ giám sát tầng đối lưu (TROPOMI) lên quỹ đạo để đo lượng khí thải metan từ vụ nổ năm ngoái ở Ohio.

TROPOMI đã có một phát hiện đáng kinh ngạc: Một tai nạn nổ giếng dầu ít được biết đến tại Ohio vào tháng 2/2018 thực tế là một trong những vụ rò rỉ khí metan lớn nhất từng được ghi nhận tại Mỹ.

Vụ nổ xảy ra tại một giếng khai thác khí tự nhiên, do công ty con của ExxonMobil điều hành, tại hạt Belmont (Ohio) đã giải phóng nhiều khí metan hơn toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí của các quốc gia như Na Uy và Pháp trong một năm. Ước tính khí metan thoát ra từ giếng phải đến 120 tấn/giờ, gấp đôi lượng khí metan rò rỉ ở giếng khí đốt Aliso Canyon tại California hồi năm 2015.

TROPOMI đã có thể quan sát giếng khai thác khí ở Ohio vào ngày thứ 13 sau vụ nổ và tính toán những thay đổi về áp suất cũng như tốc độ thoát khí metan của giếng. Kết quả là ExxonMobil đã phải lấp giếng tại Ohio gần 3 tuần sau vụ nổ gây rò rỉ khí metan.

Trước đây, các vệ tinh phải khoanh vùng mục tiêu cẩn thận để có thể phát hiện các vụ rò rỉ như trường hợp giếng Aliso Canyon. Tuy nhiên, TROPOMI đã phát hiện vụ rò rỉ khí metan ở Ohio như một phần của hoạt động tuần tra thường lệ.

Các nhà khoa học, các nhóm môi trường và một số chính trị gia hy vọng sử dụng các vệ tinh không chỉ để phát hiện ra khí thải metan từ các vụ tai nạn dầu khí lớn, mà còn cả từ các vụ rò rỉ nhỏ hơn từ các hoạt động hàng ngày thường xuyên, như trong các mỏ khoan ở Bắc Dakota.

Tỷ phú Mike Bloomberg, ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, cho biết trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu của mình được công bố vào tuần trước, ông sẽ tạo ra động lực cho các công ty vệ tinh phát hiện khí metan và “công khai các vụ rò rỉ khí metan trên toàn thế giới”.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 8 đã đề xuất loại bỏ các quy định về khí metan thời Obama.

Ông Steven Hamburg, Trưởng nhóm khoa học của Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF) và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết kết quả nghiên cứu “đã mở ra cơ hội để phát hiện, đo đạc, đánh giá những vụ rò rỉ khí metan và giúp con người đưa ra những biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời”.
Hiện tại, ông Steven Hamburg cũng đang phụ trách chính dự án vệ tinh MethaneSAT của một công ty con thuộc EDF. EDF dự tính tự phóng vệ tinh lên không gian vào năm 2022 để đo lượng phát thải metan vòng quanh thế giới, tập trung vào các vụ rò rỉ nhỏ.
Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.