Theo các cơ quan giám sát không gian phương Tây, vệ tinh Olympus-K2 của Nga, vệ tinh thứ hai trong loạt Luch/Olympus, được phóng lên quỹ đạo vào ngày 12 tháng 3, đã di chuyển trên quỹ đạo địa-không đồng bộ của Trái đất (GEO), định kỳ dừng lại gần một số vệ tinh nước ngoài.
Ấn phẩm quân sự Mỹ Breaking Defense cho biết, vệ tinh chuyển tiếp dữ liệu đầu tiên của Nga cho GEO, được phóng vào năm 2014, ban đầu được gọi là “Luch” và sau đó được đổi tên là “Olympus”.
Các nhà phân tích phương Tây đã đánh giá Olympus-K2 là “vệ tinh gián điệp” có khả năng thực hiện nhiệm vụ thu thập tín hiệu cho mục đích tình báo.
Vào năm 2015, nó đã dành 5 tháng để loanh quanh giữa hai vệ tinh liên lạc Intelsat thương mại và tiếp cận một trong số chúng ở khoảng cách khoảng 5 km.
Luch/Olympus đầu tiên đã khiến Lầu Năm Góc và các quan chức quốc phòng phương Tây phải than vãn và nghiến răng về mối đe dọa mà nó gây ra.
Do đó, trong thời gian gần đây, Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ nỗ lực phát triển các khả năng cho phép các vệ tinh của mình di chuyển nhanh hơn và thường xuyên hơn, chủ yếu xuất phát từ mong muốn tránh xa các sát thủ trên quỹ đạo của Nga, chẳng hạn như “Luch/Olympus”.
Theo chuyên gia Audrey Shaffer từ công ty tư nhân Slingshot Aerospace, người cho đến gần đây vẫn giữ chức giám đốc chính sách vũ trụ tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, vệ tinh Nga đã có một loạt hành động được cho là có tính toán, kiểu như một cuộc diễn tập trên không gian.
Theo dữ liệu của Slingshot, một loạt cuộc diễn tập bắt đầu vào ngày 26/9, cho thấy vệ tinh Olympus K-2 di chuyển về phía Tây với tốc độ khoảng 1 độ mỗi ngày trước khi giảm tốc độ vào ngày 02/10 để thăm thú một “khu vực cư trú” của các vệ tinh địa tĩnh khác.
Báo cáo mới của Slingshot không chỉ rõ Olympus K-2 đang theo dõi vệ tinh nào, nhưng nó nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của các cảm biến tiên tiến hơn trong phiên bản mới nhất của “vệ tinh gián điệp” Nga cho thấy khả năng thu thập thông tin từ khoảng cách xa hơn đã tăng lên.
Tuy nhiên, một công ty khởi nghiệp phương Tây khác là DigitalArsenal.io, sử dụng phần mềm theo dõi của mình, đã xác định được Olymp K2 của Nga ở gần vệ tinh liên lạc Eutelsat 3B, bao phủ Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Trung Á và Nam Mỹ, ở khoảng cách tầm 18 km.
Ngoài ra, phân tích của Slingshot Aerospace không chỉ ra được bất kỳ cách tiếp cận cực gần nào có thể gây ra cảnh báo nguy cơ va chạm từ Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ.
Trong thời gian lang thang trong vũ trụ, khoảng cách gần nhất từ Olympus K-2 đến các vệ tinh khác là khoảng 16km.
Hầu hết các nhà khai thác vệ tinh không bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra tai nạn cho đến khi khoảng cách tiếp cận dự báo là nhỏ hơn 10 km.
Tuy nhiên, ông Audrey Shaffer tuyên bố rằng, nhìn chung, hoạt động của vệ tinh Luch/Olympus của Nga nên được coi là “có khả năng không thân thiện”, mặc dù nó không gây ra nguy cơ va chạm ngay lập tức.