Phước Tích còn nổi tiếng về nghề gốm truyền thống đặc trưng từ xa xưa.
Sản phẩm nổi tiếng của làng di sản
Làng cổ Phước Tích là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia, với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hoá Chăm Pa...
Sau 10 năm được công nhận, đến nay làng cổ Phước Tích có những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bức tranh về du lịch ngày càng chuyên nghiệp, hệ thống di sản vật thể được tu bổ, trùng tu. Phước Tích trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch đến tham quan và khám phá.
Suốt mấy trăm năm tồn tại, nghề gốm đã nuôi sống cư dân trong làng. Khoảng năm 1989, nghề gốm ở Phước Tích bắt đầu xuống dốc và đến 1995, lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa. Con cháu trong làng phần lớn chọn con đường lập nghiệp phương xa, chỉ còn lại những cụ già và một ít thanh niên làm nghề thủ công, việc vực dậy làng nghề truyền thống ngày càng trở nên khó khăn.
Phước Tích của ngày xưa nức tiếng với nghề gốm. 12 cửa lò, 12 bến nước là chứng tích còn lại của một thời huy hoàng với nghề gốm. Gốm Phước Tích xưa kia đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất chốn Hoàng cung.
Được nung kỹ, lò đắp kiên cố nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt, giữ hương vị. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được chạm trổ tinh tế và rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào.
Nhờ đó mà 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu lúc nào cũng đầy ắp ghe xuôi ngược chở gốm đi khắp các vùng. Ghe xuôi về xứ Quảng, ghe ngược về miền Thanh Nghệ Tĩnh, ghe về dưới Huế chở gốm vào Hoàng cung...
Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè…
Nhiều vật dụng trong Hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.
“Sản phẩm làng gốm Phước Tích chủ yếu sản xuất ra các vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân. Hiện nay, gốm Phước tích đã tạo dựng được thương hiệu qua các hội chợ, các dịp lễ, các kỳ Festival, để quảng bá đến với du khách gần xa” - ông Lê Trọng Diễn một người còn lưu giữ những giá trị gốm Phước Tích cho biết.
Khôi phục làng nghề
Trong các kỳ Festival Huế, làng cổ Phước Tích được giới thiệu và lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước với hoạt động triển lãm, trình diễn nghề gốm truyền thống và tour “Hương xưa làng cổ”.
Các di tích, nhà rường, nếp sống văn hóa truyền thống được người dân trân trọng, gìn giữ đã góp công lớn trong việc bảo vệ di tích và tạo nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Hệ thống di sản được quan tâm bảo vệ, trùng tu, tu bổ, du lịch Phước Tích được quảng bá rộng rãi hơn.
Những loại hình, dịch vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích là điểm đến ưa thích, điểm khám phá văn hoá làng quê Việt hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Phước Tích nằm trong chuỗi du lịch khám phá làng di sản độc đáo của Việt Nam, là một bức tranh thu nhỏ của văn hoá Huế nói riêng. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn được bảo lưu nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Vũ – Giám đốc Ban quản lý (BQL) Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, cho biết: Năm 2020, BQL tiếp tục công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch làng cổ Phước Tích đến với du khách trong và ngoài nước.
Tổ chức thực hiện Dự án cải tạo cảnh quan khuôn viên các nhà rường tại làng cổ Phước Tích theo Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích.
Phối hợp, kết nối với các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện để mở rộng nâng cao sản phẩm du lịch và kết nối các tour tham quan khai thác tiềm năng thế mạnh của du lịch huyện nhà.
Xuôi theo dòng Ô Lâu hiền hòa và thơ mộng, chúng ta có thể bắt gặp những giá trị mà ngôi làng cổ Phước Tích còn giữ lại, với truyền thống nghề gốm từ xưa mang lại nét đặc trưng cho ngôi làng. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững và tạo sự kết nối, phát triển không gian kinh tế - văn hóa và xã hội.
Thực hiện khoanh vùng, xác định các đặc trưng và di tích cần bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng hoặc bảo tồn một phần theo các yêu cầu khác nhau; Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho các không gian bảo tồn di tích và phát triển mới (khu vực công cộng, khu vực điểm dân cư nông thôn, khu vực hạ tầng kỹ thuật); Phát triển du lịch dịch vụ gắn với lợi ích cộng đồng dân cư địa phương...