Về Phú Nhiêu nghe điệu hò múa “độc nhất”

GD&TĐ - Nếu như chèo, ca trù hay hát trống quân có ở nhiều làng quê Bắc Bộ thì hò cửa đình và múa hát bài bông chỉ có làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung (Phú Xuyên, Hà Nội).

Múa hát bài bông do con gái thể hiện.
Múa hát bài bông do con gái thể hiện.

Tuy Phú Nhiêu là làng thuần nông nhưng hò cửa đình và múa hát bài bông lại mang sắc thái cung đình, lễ nghi.

Tuyệt đối không truyền ra ngoài

Phú Nhiêu là ngôi làng cổ mang hình dáng của con trâu vàng. Làng có bốn xóm tượng trưng cho bốn chân trâu. Sống trâu là con đường trục chính của làng. Đình làng là đầu trâu còn hai giếng làng là mắt trâu. Tuy là làng thuần nông nhưng Phú Nhiêu lại sở hữu làn điệu hò cửa đình và múa hát bài bông mang sắc thái cung đình, lễ nghi.

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, hò cửa đình và múa hát bài bông xuất hiện từ thời Trần khi đất nước thái bình. Tuy nhiên, Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Khiên (79 tuổi) cho hay, hò cửa đình múa hát bài bông xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX, do một người gốc Huế truyền dạy.

“Ca nương này vốn múa hát trong cung đình Huế, sau đó ra Bắc, tới một số làng truyền dạy điệu hò, điệu múa hát nhưng người dân những nơi ấy đều không học được. Đến Phú Nhiêu thì được nhân dân rất yêu mến và học rất nhanh. Đến thế hệ cụ Nguyễn Thị Ga (đã mất) là dì ruột tôi lại truyền cho tôi”, bà Vũ Thị Khiên nhớ lại.

Bà Khiên bảo, đó là mảng múa hát bài bông, còn về hò cửa đình phải gặp ông Tố. Nghệ nhân Nhân dân Lương Tất Tố (77 tuổi), nguyên là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hò cửa đình và múa hát bài bông. Ông Tố kể, đến nay chưa có tài liệu ghi chép chính xác thời gian ra đời, chỉ biết rằng điệu hò này đã tồn tại ở Phú Nhiêu đã vài trăm năm.

Hò cửa đình có tổng cộng 517 câu, nội dung rất phong phú. Đầu tiên là các câu trình vua như “khấu đầu vọng bái”, sau nói tới phong cảnh của làng, lao động của người dân, tình cảm vợ chồng như “tiễn chồng đi chiến đấu”, tình cảm giữa người ở và người đi.

Hò cửa đình mang nhiều quy định riêng như trai đinh trong làng phải tham gia hội giai hò trong những ngày làng vào đám mở hội. Những người tham gia hò ăn mặc chỉnh tề, áo the khăn xếp, quần âu trắng, cầm sênh bằng tre để giữ nhịp cho bài hò.

Trong lúc hò phải nghiêm cẩn và phải nhớ lời, nhớ giai điệu nếu không sẽ bị loại ngay ra khỏi đội hò. Còn với đội múa, con gái mặc áo mã tiên, đầu đội mũ phượng, áo váy trắng, yếm diềm hạt vân, hai bên vai đeo đèn trông lung linh như các nàng tiên.

Bài hò gồm ba phần là bài giáo, bài hò và bài khóng. Bài giáo có nội dung chúc tụng vua chúa, đức thành hoàng làng, giới thiệu lý do mở hội. Bài hò ca ngợi quê hương đất nước còn bài khóng là ước nguyện những điều tốt đẹp nhất đến với dân làng. Còn trong khi biểu diễn lại hết sức nghiêm trang, mỗi tốp khoảng 40 đến 50 người, hát hết cả bài thờ thánh 517 câu kéo dài hơn hai giờ.

Nếu  hò cửa đình chỉ sử dụng âm nhạc thì múa hát bài bông sử dụng cả múa và hát. Thể thơ bài bông rất phong phú đa dạng, gồm hơn 200 câu đó là câu thơ thể lục bát, thất ngôn tứ tuyệt.

Nội dung ca ngợi đất nước hoặc để đánh thắng giặc phải có âm phù dương trợ, những câu hát thể hiện tấm lòng tôn kính của dân làng đối với vị thần bảo hộ của làng mình và ước muốn thần ban cho dân khang vật thịnh. Nhạc điệu nâng cánh cho ca từ bay bổng còn vũ điệu mang dáng dấp lễ nghi cung đình.

Ông Tố bảo rằng, ngày xưa điệu hò múa này tuyệt đối không được truyền ra ngoài, kể cả con gái làng đi lấy chồng nơi khác, bởi đó là quy định các cụ để lại. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, mà đã là văn hóa thì nên được quảng bá rộng rãi để mọi người cùng thưởng thức nên bây giờ bất kỳ ai cũng có thể theo học…

Hò cửa đình trong đình làng Phú Nhiêu.

Hò cửa đình trong đình làng Phú Nhiêu.

Từng đứng trước nguy cơ mai một

Thấy chúng tôi tìm hiểu về công tác bảo tồn văn hóa, ông Tố mừng lắm. Ông bảo, không có báo chí giúp đỡ, quảng bá thông tin thì làn điệu hò quê ông cũng chưa chắc sống lại được như ngày hôm nay. Hóa ra, hò cửa đình và múa hát bài bông từng đứng trước nguy cơ mai một, quên lãng.

Trước kia, chỉ ngày Rằm tháng Tám thì hò cửa đình và múa hát bài bông mới được mang ra đình diễn và người phải đủ 18 tuổi mới được học hò, học múa hát. Mỗi năm chỉ diễn một lần nên việc tìm kiếm thế hệ kế cận, thời gian tập khá khó khăn.

Đặc biệt, giai đoạn đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều năm liền hò cửa đình, múa hát bài bông không được biểu diễn. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước là lúc hò cửa đình và múa hát bài bông gần như bị quên lãng. Đến nỗi, việc bà Khiên đi học múa hát bài bông của cụ Ga còn phải giấu gia đình.

Ban ngày học thì buổi tối bà Khiên lại đi dạy cho 8 bé gái trong làng. Trang phục, đạo cụ thiếu thốn nhưng đến giờ bà Khiên cũng đã dạy khoảng chục lớp múa hát bài bông, một số học trò của bà nay đã trở thành nghệ nhân.

Trò chuyện với ông Tố mới biết hò cửa đình và múa hát bài bông được “tái sinh” vào năm 1984. Năm đó, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) tổ chức Liên hoan Văn nghệ các dân tộc, hò cửa đình, múa hát bài bông tham dự và đã giành giải Nhất.

Từ đó, hò cửa đình và múa hát bài bông được các cơ quan quản lý văn hóa biết đến nhiều hơn và nhận định đây là một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy. Hai người có công lớn nhất trong việc “chấn hưng” điệu hò múa là cụ Lương Đình Nghi và cụ Nguyễn Thị Ga, đến nay hai cụ đều đã mất.

“Cụ Nghi là thầy của tôi ở mảng hò cửa đình, còn cụ Ga là thầy của bà Khiên ở mảng múa hát bài bông, hai cụ là “kiến trúc sư” trưởng đặt nền móng hồi sinh điệu hò múa của quê hương”, ông Tố hồi tưởng.

Đến năm 1997, làng Phú Nhiêu tu sửa lại đình làng và các nghi lễ cổ truyền. Từ đó đến nay, hò cửa đình và múa hát bài bông đã được diễn đều đặn vào ngày Rằm tháng Tám. Năm 2003 là một bước tiến lớn trong công tác bảo tồn điệu hò Phú Nhiêu khi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao quyết định công nhận CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu là địa chỉ văn hóa và bắt đầu sưu tập tư liệu cổ, mở lớp tập huấn, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Vợ chồng nghệ nhân Lương Tất Tố và Vũ Thị Xuyên say sưa làn điệu từ thời còn trai trẻ cho đến nay.

Vợ chồng nghệ nhân Lương Tất Tố và Vũ Thị Xuyên say sưa làn điệu từ thời còn trai trẻ cho đến nay.

Trăn trở gìn giữ, phát triển

CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu được thành lập năm 2003 với hơn 20 thành viên, ban đầu do cụ Lương Đức Nghi (lúc đó 82 tuổi) làm chủ nhiệm. Ngay lập tức, các thành viên CLB bắt tay vào việc truyền dạy cho thế hệ kế cận, trong đó có cả các em 12 - 15 tuổi. Để có thể thuộc điệu hò cần tối thiểu 10 ngày, còn thuộc lời ít nhất phải một tháng. Nhưng các nghệ nhân không quản ngại vất vả, mệt mỏi tuổi già vẫn gắng sức truyền lại cho thế hệ sau.

Tiếp nối cụ Nghi, ông Tố đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm CLB. Ông đã nghiên cứu, sưu tầm bổ sung vào kho tư liệu của cụ Nghi để làm rõ hơn nhiều đoạn hò, rồi lại lặn lội đi từng nhà, doanh nghiệp trên địa bàn xã để vận động gây quỹ mua trang phục, băng đĩa ghi lại các buổi diễn.

Gần 80 tuổi đời và hơn 50 tuổi “nghề”, Nghệ nhân Nhân dân Lương Tất Tố đã giành được nhiều giải thưởng cùng với tiếng hò. Đó là các giải thưởng tại Liên hoan Nghệ thuật trình diễn dân gian và bằng khen của Hội Văn hóa nghệ thuật dân gian...

Nhưng đối với ông, phần thưởng cao quý nhất là gìn giữ và trao truyền lại được làn điệu đặc sắc của quê hương cho thế hệ kế cận, đến nay ông đã tìm được người có thể thay thể mình ở vị trí hò lĩnh xướng. Đó cũng là cách ông tỏ lòng tri ân với các bậc tiền bối đi trước...

Dẫn chúng tôi tham quan Nhà lưu niệm Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu, ông Tố không khỏi xúc động. Nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của làng với hơn 100 hình ảnh, hiện vật. Các hiện vật phản ánh hoạt động nghệ thuật hò cửa đình và múa hát bài bông trong hơn 50 năm qua… “Đối với tôi như vậy là thấy viên mãn rồi”, ông Tố nói.

Nghệ nhân Vũ Thị Khiên tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng trao truyền cho thế hệ kế cận.

Nghệ nhân Vũ Thị Khiên tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng trao truyền cho thế hệ kế cận.

Còn với nghệ nhân Vũ Thị Khiên, thì gần 100 học trò suốt mấy chục năm truyền dạy, bà ấn tượng nhất với Phan Thị Lý bởi sự cần cù, chăm chỉ và tình yêu lớn lao với múa hát bài bông.

Bà Lý, năm nay cũng hơn 50 tuổi, tâm sự: Đến nay tuy đã múa hát thành thạo nhưng những kỹ thuật khó, phong thái biểu diễn, tôi vẫn phải đến nhờ bà Khiên chỉ bảo. Tôi hiểu được tâm huyết của thầy tôi với múa hát bài bông nên không chỉ cố học để diễn cho tốt mà còn gắng sức dạy cho lớp trẻ để làn điệu quê hương không bị mai một.

Chủ nhiệm CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu Nguyễn Văn Lộc cho biết, hằng năm vẫn mở lớp truyền dạy cho các cháu thiếu nhi vào dịp nghỉ hè. Nhiều cháu say sưa học hỏi, tham gia hội diễn các cấp và giành giải cao, giúp duy trì được số lượng hội viên ở mọi lứa tuổi.

Do dịch bệnh Covid-19 mà hai năm nay CLB không mở lớp dạy trực tiếp mà gửi băng đĩa cho các cháu tự học, làm sao để không bị đứt đoạn quá trình trao truyền cho thế hệ trẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thông báo tuyển dụng

Thông báo tuyển dụng

GD&TĐ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển dụng viên chức (diện xét tuyển viên chức) năm 2024 như sau: