Tranh Tết: Hồi sinh một thú chơi

GD&TĐ - Muôn hình vạn trạng, những chú ỉn đang hiện diện trong các cuộc triển lãm tranh. Tranh Tết Kỷ Hợi góp thêm sắc xuân cho không gian nghệ thuật Việt và góp phần hồi sinh một phong tục lâu đời, một nét đẹp mang đậm hồn dân tộc.  

“Sung túc” của họa sĩ Lê Trí Dũng
“Sung túc” của họa sĩ Lê Trí Dũng

Heo lại “lên ngôi”

57 tác phẩm của 30 họa sĩ đương thời cùng quy tụ trong triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi” mang chủ đề con giáp của năm vừa ra mắt khán giả Thủ đô. Họa sĩ Thành Chương có hai tác phẩm “Lợn Mán” và “Tự họa năm Hợi” thể hiện chất liệu sơn mài trên mâm gỗ tròn. Ngôn ngữ hội họa đặc trưng vẫn là những mảng màu nguyên, tươi rói, tương phản mạnh, đậm chất dân gian nhưng rất hiện đại. Họa sĩ Lê Trí Dũng lấy nguồn cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ nên trong “Sung mãn” và “Sung túc” rõ nét một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở.

Lần đầu góp mặt tại triển lãm tranh Tết, họa sĩ Ngụy Đình Hà giới thiệu với công chúng hai tác phẩm “Du xuân” và “Vũ điệu mùa xuân”. Người xem cảm nhận được ngay bầu không khí của mùa xuân trên những nẻo đường. Đăng Thu An với “Tình xuân” duyên dáng, rực rỡ sắc màu.

Tết xưa, chỉ một bức tranh dân gian thôi cũng có thể khiến căn nhà trở nên bừng sáng. Những nét vẽ, sắc màu đơn sơ cũng đủ nói lên những ước nguyện bình dị về năm mới no ấm, đủ đầy hơn. Nay bên thềm năm mới, những ước vọng đã khác xưa nhiều rồi. Tư duy thẩm mỹ và khát khao mong ước bây giờ là hạnh phúc, giàu sang, phú quý. Những bức tường phẳng phiu, phòng khách sang trọng cũng không phù hợp để đóng đinh hay dán lên những tờ tranh giấy nữa. Không phải công chúng không còn nhu cầu chơi tranh Tết mà vấn đề là tranh Tết thế nào? Họa sĩ Thành Chương đặt câu hỏi.

“Đến hẹn tụ tranh”, 20 họa sĩ thuộc nhóm G39 năm nay lại mang tới triển lãm “Hợi Dome 2019” 70 bức tranh trên các chất liệu; sơn dầu, sơn mài, acrylic… gốm, lọ với gam màu ấm nóng, rực rỡ. Đã 5 năm tổ chức, nối mạch dòng tranh vẽ con giáp đón chào năm mới, triển lãm năm nay tiếp tục mang tới cho người yêu hội họa cái nhìn mới, những chiêm nghiệm thú vị về con heo (lợn).

Trong vai trò giám tuyển của triển lãm “Hợi Dome 2019”, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: Duy trì triển lãm thường niên vẽ con giáp, nhóm họa sĩ G39 không chỉ khởi xướng và tôn vinh ngày Tết Nguyên đán - một nét đẹp cổ truyền mà còn đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

“Lợn Mán” của họa sĩ Thành Chương
“Lợn Mán” của họa sĩ Thành Chương 

Hồi sinh dòng tranh Tết

Theo họa sĩ Thành Chương, phong tục vẽ con giáp chơi xuân đã được các họa sĩ tiền bối thực hiện từ lâu nhưng mới chỉ dừng ở thú vui cá nhân, đó là “đặc sản” ngẫu hứng, ai thích thì tặng. Họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… vẽ trên tờ lịch, vỏ bao thuốc lá, trên giấy vàng mã… Sau đó họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ nghiêm túc các con giáp thành những tấm thiếp năm mới tặng bạn bè. Trên các tờ báo Tết cũng đã dành đất in cả chùm tranh Tết hoặc đăng tranh vẽ trên trang bìa. Theo thời gian, hoạt động đó đã bị mai một, lãng quên. Nếu trước đây, cái lệ vẽ tranh con giáp chỉ đơn thuần như món quà nhỏ tặng bạn bè thay lời chúc xuân thì nay các họa sĩ vẽ tranh con giáp để tiếp nối, phát triển thành nét đẹp văn hóa, tạo nên một mảng đề tài, mảng tranh nghệ thuật phong phú.

- Triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi” diễn ra từ ngày 15 - 23/1 tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

- Triển lãm “Hợi Dome 2019” diễn ra từ 20/1 - 1/2 tại sảnh tầng 1, Hàng Da Galleria, (số 1 Hàng Da, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cùng một chủ đề nhưng mỗi tác phẩm lại tạo được một ấn tượng và cảm xúc riêng. Với những phong cách riêng biệt, đa phong cách, mỗi họa sĩ một lăng kính, một góc nhìn riêng nên con giáp của năm 2019 được thổi hồn bằng những hơi thở nghệ thuật độc đáo, mở ra cho công chúng những chiêm nghiệm thú vị. 

“Khơi dậy tinh thần và tôn vinh thú chơi văn hóa này đã trở thành ý thức và đam mê của khá nhiều họa sĩ. Giữ phong cách sở trường của mình, đẩy chất dân gian trong tạo hình sáng tạo đề tài con giáp sẽ là một hoạt động nghệ thuật rất hay của giới họa sĩ Việt mỗi độ xuân về. Cuộc chơi cảm xúc và sáng tạo vừa lưu truyền giá trị truyền thống vừa làm nên tính thời thượng cho hội họa đương đại”, nhà lý luận, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo có ấn tượng đặc biệt với hình ảnh con lợn nằm trên salon “rất ra dáng thủ trưởng” trong bức tranh “Đời heo” của họa sĩ Vũ Dũng. Ông nhận xét: Đã có sự thay đổi rất nhiều trong cách thể hiện, bên cạnh phong cách tả thực còn có trừu tượng, lập thể... khiến cho tranh con giáp vô cùng phong phú và thu hút được đông đảo người xem. Mỗi họa sĩ gửi gắm trong tranh nội dung, ý niệm khác nhau. Người xem tranh vừa cộng hưởng cùng cảm xúc sáng tạo nhưng lại có thêm những suy đoán riêng. Tính thời đại đã bao trùm ngôn ngữ mỹ thuật khi các họa sĩ khéo mượn cớ truyền thống để nói về vấn đề đương đại, con lợn là cái cớ để họa sĩ suy ngẫm, thể hiện sự chiêm nghiệm của mình trước nhân tình thế thái.

“Các tác phẩm có giá cả phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người. Năm trước, các họa sĩ đã bán được 70% tranh triển lãm. Đây là tín hiệu vui vì không chỉ mang tới cái nhìn phong phú về tranh con giáp, triển lãm năm nay và các năm sau sẽ tạo cơ hội để người sưu tầm, người yêu nghệ thuật, chơi tranh có nhiều cơ hội lựa chọn tác phẩm hội họa giàu ý nghĩa của năm, của mùa xuân treo trong nhà”, họa sĩ Phạm An Hải cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.