Nước róc rách chảy từng giọt, từng giọt khiến cái bể duy nhất ở trung tâm xã chưa kịp ngập nửa gang tay đã vơi đi. Mỗi năm chừng vài ba tháng liên tục như thế…
Mơ có nước để… tắm
Một chiều giữa tháng 3, tôi có dịp quay trở lại huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Trong cái nắng cháy da cháy thịt kèm hơi nóng của những cơn gió Tây (gió Lào) liên tục thốc về khiến cho bất cứ ai ở đây như chỉ muốn thở bằng miệng. Gió Lào vốn đã khiến cho người ta dường như không thể chịu nổi, song đám học trò nhỏ ở cái huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước này lại chịu thêm cả sức nóng của những đám nương đang ngùn ngụt bốc cháy.
Tháng 3 là tháng đồng bào vùng cao bắt đầu đốt nương để chờ cho vụ sản xuất mới. Vừa hết địa phận của thị trấn Tủa Chùa, chớm đến đất của xã Sính Phình cho đến tận khu vực các xã: Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải dường như chẳng đâu thấy màu “nhựa sống”. Những cánh rừng thưa thớt còn sót lại cũng chẳng thể tô điểm nổi màu xanh bởi đâu đâu cũng là đất đá khô cằn.
Lúc học sinh nội trú tan tầm, ra bể hứng nước về dùng, thầy giáo Ngô Sơn Ngân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học Cơ sở (THCS) Trung Thu tranh thủ chạy sang bên trường tiểu học để bàn với thầy Thành, hiệu trưởng bên đó giải pháp tìm nguồn nước.
Có hôm các thầy cứ đi mãi vào phía rừng xa tìm nguồn, hí hửng chạy về khoe nhau là cách trường gần chục cây số có mó nước to, hơn 1 nghìn học sinh toàn xã có thể thoải mái dùng ngay cả những tháng mùa khô. Họ lại bàn nhau, cấp tốc báo cáo lên lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhờ phòng kết nối với các nhà từ thiện để xin kinh phí. Cũng có nhà tài trợ từ Hà Nội lên cho mấy chục triệu để mua máy bơm, dây điện... để hút nước về trường. Thế rồi họ lại tẽn tò, thất vọng vì bà con gần đó kiên quyết không cho.
“Chúng tôi cũng vận động mãi, tuyên truyền mãi mà chẳng được. Bà con ở 2 bản gần đó họ không đồng ý vì sợ các thầy cô giáo lấy hết nước của họ. Chúng tôi cam kết với bà con là vào giờ cao điểm bà con cứ sử dụng thoải mái. Buổi đêm khi mọi người đi ngủ, không sử dụng đến thì cho nhà trường xin nước, bơm về bể chứa để ngày mai cho học sinh dùng và cả nấu cơm cho học sinh nội trú nhưng họ nhất định không nghe, cứ chấp nhận cho nước chảy tự nhiên một cách rất lãng phí như thế”, thầy Ngân giọng buồn buồn kể lại.
Thầy Phạm Hữu Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thu đệm lời: “Vất vả nhất là những tháng sau Tết Nguyên đán cho đến tận tháng 4, tháng 5 vì đó là giai đoạn mùa khô, không có nước. Thầy trò chúng tôi chỉ biết trông vào trời mưa, mà lúc đó lại chẳng có mưa đâu. Nên nhiều lúc phải động viên các thầy rằng nếu có ra ngoài huyện hoặc đi đâu xa ai cũng phải nhớ mang theo 2 can 20 lít. Gặp suối là múc đầy, khi về thì chở về theo để còn nấu cơm cho các cháu. Trường tôi có đến hơn 340 em nội trú cơ mà”.
Cùng hưởng mùi “đặc trưng”
Cuối mỗi buổi chiều, từng tốp, từng tốp học sinh lại ríu rít rủ nhau ra cái bể duy nhất ở trung tâm xã Trung Thu để hứng nước. Cái bể nhỏ có thể tích chừng hơn chục mét khối lúc nào nước cũng róc rách chảy về từng “sợi”, từng “sợi” nhỏ, song hầu như chẳng khi nào mực nước ngập quá nửa gang tay. Nước chảy về chưa kịp trong thì đã bị múc đi.
Thầy Thành tính vội thì cũng có khoảng hơn 2 nghìn người (hơn 1.000 học sinh, giáo viên và khoảng 1.000 người dân 2 bản Trung Thu và Nhè Sua Háng) ngày nào cũng phải cùng nhau lấy nước ở cái bể này. Ai đến trước, đợi lâu thì được chừng 2 can 20 lít. Học sinh thì chỉ “thủ” mỗi người 1 chai “coca” 1,5 lít là đủ dùng để đánh răng và rửa mặt cho cả ngày.
Vì thế ở khu nội trú, đầu giường của mỗi học sinh lại có một chai riêng. Đưa các em ở khắp các bản vùng cao như: Pu Ca Dao, Phình Hồ Ke, Háng Cua Tâu, Trung Vàng Khổ… về điểm trường trung tâm học đã là cả một quá trình nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương và cả bản thân các em. Giờ các em lại vất vả hơn chỉ vì … thiếu nước.
Em Thào Thị Tâm, học sinh lớp 7A, Trường THCS Trung Thu cứ đều đặn mỗi tuần mang theo 3 bộ quần áo. Chiều Chủ nhật hai anh em (cùng học một trường) băng rừng đèo nhau vượt hơn chục cây số lên trường, chiều thứ 6 tuần sau lại như thế về nhà. Mỗi tuần học quần áo mặc xong đều gói lại, mang về nhà giặt. Cứ thế hết năm này qua năm khác của những tháng mùa khô.
Thấy mọi người đang trao đi đổi lại câu chuyện thiếu nước, thầy Tuấn, một giáo viên ở Trường Tiểu học Trung Thu tiếp lời tôi với giọng xót xa: “Có giai đoạn chúng em phải phân công nhau như một hình thức giao khoán cho giáo viên: “Mỗi ngày ông phải mang về đây cho tôi 20 lít nước. Ông muốn làm thế nào thì làm”. Đó là giao cho những ai đến ca trực. Trường hợp ra bể trực cả đêm chẳng lấy nổi 1 can vì ai cũng cần nước. Có khi buổi đêm phải lên tranh với bà con vì nếu không tranh thì ngày mai lấy đâu ra nước để nấu cơm cho các cháu”.
“Ăn còn chẳng đủ nước, có giai đoạn có khi vài ngày chẳng được tắm, nên chúng em cứ hay trêu nhau là mùi “đặc trưng”. Nói thế vì ai cũng như ai, quần áo chẳng giặt được vì tiết kiệm nước, chỉ dùng cho các việc quan trọng hàng ngày như: Nấu ăn, đun nước uống, đánh răng, rửa mặt. Thế còn tắm, giặt thì cứ… đợi đấy, khi nào có nước tính tiếp”, thầy Tuấn nhoẻn miệng cười.
Có lẽ những nữ giáo viên như cô Lò Thị Chinh là những người vất vả nhất vì họ còn con nhỏ, nhu cầu giặt giũ lớn. Khi cháu Cà Thị Quỳnh Hương ra đời cũng là lúc gia đình cô vất vả nhất. Nhà ở thị trấn, trường học nơi cô công tác lại cách nhà hơn 20km. Hết phép là lúc Quỳnh Hương tròn 6 tháng tuổi, cả nhà lại rồng rắn đưa nhau lên trường.
“Công việc của em thì không thể nghỉ được. Vì thế, chồng em phải xin nghỉ tự túc, không hưởng lương để lên trường trông con để em còn đi dạy học. Ở đây muốn thuê người cũng chẳng có. Mà năm ngoái lại còn dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp nên càng khó khăn hơn. Mỗi lúc rảnh rỗi, em trông con thì chồng em lại đi khắp nơi để hứng nước mang về. Mỗi lần như thế lại tranh thủ mang cả đống quần áo của cả gia đình đi để giặt rồi mang về”, cô giáo Lò Thị Chinh nói.
Lấy nước như trẩy hội
Trời mới tang tảng sáng, trong lớp sương mù đặc quánh chưa nhìn rõ mặt người, đâu đâu cũng có tiếng chó sủa đinh tai nhức óc. Đó cũng là lúc mà nườm nượp người cả dân địa phương, giáo viên và học sinh ở các trường trên địa bàn xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) kéo nhau về trụ sở Ủy ban xã để lấy nước.
Thầy giáo Điêu Chính Diên – giáo viên Trường PTDTBT THCS Lao Xả Phình cũng dậy từ rất sớm, ra xếp hàng để lấy nước về dùng trước khi lên lớp. Các giáo viên ở khu tập thể này phải thay phiên nhau để đi lấy nước mỗi ngày như thế. Một tay lựa nghiêng can để nước từ vòi chảy vào nhè nhẹ, tay kia giữ miệng vòi để nước khỏi chảy ra, thầy Diên tâm sự: “Mỗi ngày chúng tôi phải vài lần đi lấy. Có lần xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ mới được 1 can 20 lít. Cũng có hôm về không vì nhiều người lấy quá, nước thì chẳng có nhiều để mà dùng”.
Xã Lao Xả Phình có khoảng 500 hộ gia đình với hơn 3.000 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Mông. 6 bản trong xã có thời điểm khan hiếm chỉ có 4 nguồn nước từ đầu nguồn chảy về, dòng nước chưa bằng đầu ngón tay.
Tủa Chùa là huyện vùng cao thuộc diện nghèo nhất cả nước với địa hình núi đá, chia cắt mạnh nên lượng nước sinh thủy thấp. Toàn huyện có 5 xã có địa hình dạng cao nguyên là: Tả Phình, Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng và Sín Chải thuộc diện khan hiếm nước sinh hoạt. Người dân địa phương cho biết, thời gian thiếu nước thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Theo chân một cán bộ xã Lao Xả Phình, tôi đặt chân được đến đầu nguồn nước mà hàng nghìn nhân khẩu vẫn đang dùng sau một buổi sáng luồn rừng. Đúng là đầu nguồn thật vì nó ở phía lưng chừng núi, tại điểm giao nhau giữa hai ngọn núi cao. Một làn nước mỏng cứ róc rách chảy qua các khe đá từ phía trên cao xuống, chưa ngập nổi mu bàn chân. Thế mà cả xã vẫn cứ phải ngóng đợi mỗi ngày.
Câu chuyện khan hiếm nước ở 5 xã trên địa bàn huyện Tủa Chùa kéo dài đã lâu. Cũng chẳng biết bao nhiêu thế hệ học sinh, giáo viên ở đây đã phải trải qua và đến khi nào mới có hồi kết. Họ luôn khát khao quanh năm “no đủ” nước dùng…