Về Mai Phụ xem người dân nấu bánh chưng làm giỗ Vua Mai

GD&TĐ - Đã thành lệ, hàng năm cứ đến ngày 12, 13 tháng Giêng , chính quyền và người dân xã Mai Phụ lại long trọng tổ chức ngày lễ giỗ Vua Mai Hắc Đế.

Về Mai Phụ xem người dân nấu bánh chưng làm giỗ Vua Mai

Về xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) trong những ngày này, không khí khắp mọi thôn xóm đều rộn ràng chẳng khác nào ngày Tết.  Từ người già trẻ em đều háo hức, tề tựu về đền thờ vua Mai Hắc Đế tại làng Mai Lâm (xã Mai Phụ) sửa soạn cúng giỗ.

Đền vua Mai Hắc Đế nằm tại làng Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Đền vua Mai Hắc Đế nằm tại làng Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Vua Mai Hắc Đế, tên húy là Mai Thúc Loan, quê  gốc ở làng Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời Mai Thúc Loan là một hào kiệt, thông minh, tài trí và dũng cảm hơn người. Sinh ra trong thời loạn lạc, không cam chịu ách đô hộ của xâm lược phương Bắc, ông đã chiêu mộ anh tài và quân 32 châu, liên kết với các nước chống nhà Đường.

Sau khi đất nước được giải phóng, vua Mai liền ban lệnh xoá bỏ những thứ thuế do chính quyền đô hộ áp đặt từ bấy lâu. Thuận theo lòng quân dân, tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan xưng Đế và chọn thành Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) làm Quốc đô. Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713 - 722). Tưởng nhớ công ơn của Vua Mai Hắc Đế đối với quê hương đất nước, nhân dân làng Mai Lâm, xã Mai Phụ - quê hương của ông đã lập đền thờ ông ngay tại quê nhà.

Hàng năm, vào ngày 12, 13 tháng Giêng âm lịch, tại xã Mai Phụ huyện Lộc Hà tổ chức Lễ giỗ vua Mai. Năm nay, lễ giỗ được tổ chức đúng vào 1.299  năm ngày mất của Vua Mai.

Bánh chưng - nét văn hóa của người dân Mai Phụ trong mâm cúng lễ dâng lên vua Mai
Bánh chưng - nét văn hóa của người dân Mai Phụ trong mâm cúng lễ dâng lên vua Mai

Theo phong tục địa phương, lễ yết vua Mai bắt đầu từ tối 12, lễ giỗ chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng. Thế nhưng để chuẩn bị cho lễ, từ những ngày qua, người dân trong làng đã rộn ràng sửa soạn vật dụng, sính lễ cúng tiễn…. Đặc biệt, trong các lễ vật dâng lên vua Mai  không thể thiếu bánh chưng.

Phong trào làm bánh chưng dâng vua Mai trong ngày giỗ được bắt đầu từ năm 2014. Từ đó đến nay, phong trào này đã thành nét đẹp văn hoá tâm linh của mỗi người dân xã Mai Phụ. Những năm trước, tất cả các thôn trong xã Mai Phụ đều tổ chức gói bánh chưng tập trung với số lượng gần 2.000 chiếc. Năm nay, do ảnh hưởng của COVID- 19, chính quyền hạn chế tụ tập đông người, chỉ cử thôn Mai Lâm gói 120 chiếc bánh để cúng.

Mọi công đoạn làm bánh đều được lựa chọn vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận, ban tổ chức sẽ cắt cử người từng nhóm để phân công. Những người khéo tay sẽ được chọn để gói bánh làm sao vừa vuông vức vừa nén chặt tay. Sau đó, số bánh chưng này sẽ được nấu tại nhà tiếp khách của đền Lê Khôi vào tối 22/2, cách đền Mai Hắc Đế chừng 1km.

Bánh chưng sau khi được nấu chín sẽ được dán nhãn trước khi được bày lên mâm lễ
Bánh chưng sau khi được nấu chín sẽ được dán nhãn trước khi được bày lên mâm lễ

"Bánh chưng nấu xong sẽ được chính quyền xã Mai Phụ dán nhãn ở mặt chính, ghi năm tổ chức lễ giỗ để cung tiến", ông Lê Văn Quang, 52 tuổi, thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, cho biết.

Trong khi người làng Mai Lâm tất bận làm bánh chưng thì những xóm khác chuẩn dọn dẹp, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Quét dọn, sơn quét lại đền thờ và bày biện  lễ vật chuẩn bị cho lễ giỗ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc  – Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết: “Những năm trước, các làng đều gói hàng trăm chiếc bánh chưng. Bánh được gói phải vừa ngon vừa đẹp. Vừa là tấm lòng dâng lên ngài vừa để chấm thi bánh chưng đẹp. Năm nay dịch COVID-19, nên các phần hội đều cắt giảm nhưng không vì thế lễ giỗ kém phần long trọng”.

Lễ giỗ sẽ do UBND xã Mai Phụ và Ban lễ nghi đền vua Mai phối hợp tổ chức một cách bài bản, có đầy đủ các ban lễ nghi, chủ tế, bồi tế được xã duy trì từ nhiều năm nay.

Ngoài bánh chưng, mâm cỗ cúng còn có thịt lợn, cơm, gà luộc... được đưa đến đặt tại điện thờ chính từ đầu giờ chiều 23/2.

Về Mai Phụ xem người dân nấu bánh chưng làm giỗ Vua Mai ảnh 4
Để đảm bảo công tác phòng dịch, lễ giỗ Vua Mai năm 2021 chỉ cử hành phần lễ. Ngoài ra, mọi người đến dự lễ phải đeo khẩu trang và sát khuẩn trước khi vào đền
Để đảm bảo công tác phòng dịch, lễ giỗ Vua Mai năm 2021 chỉ cử hành phần lễ. Ngoài ra, mọi người đến dự lễ phải đeo khẩu trang và sát khuẩn trước khi vào đền

Sau khi lễ vật đã được sửa soạn, bày biện tươm tất, các bậc cao niên trong ban lễ nghi trong xã bắt đầu mặc trang phục để bắt đầu tế giỗ. Lễ giỗ có nhiều nghi thức như theo đúng lễ giỗ trong phong tục người Việt. Những người làm lễ được gọi là Tế chủ, Bồi tế, Phụ tế...

Lễ cúng có một lần dâng hương và ba tuần rượu. Ban tổ chức lễ cúng làm nghi thức tiến tửu. Mâm gỗ đựng cau trầu cùng chén rượu được Phụ tế đưa cho Tế chủ. Tế chủ sau khi nhận rượu sẽ vái lạy trước khi uống. Việc uống rượu này gọi là "ẩm phước", có nghĩa đây là hưởng lộc vua ban.

Những mâm cỗ cúng vua Mai được trang trí công phu, bắt mắt với các thế gà bay, gà leo cây tre, gà cưỡi mình rùa, gà chầu phục cỗ…
Những mâm cỗ cúng vua Mai được trang trí công phu, bắt mắt với các thế gà bay, gà leo cây tre, gà cưỡi mình rùa, gà chầu phục cỗ…

Sau khi kết thúc các nghi thức, Phụ tế, Bồi tế mang theo bàn gỗ đựng chúc văn, vàng mã... đi hóa ở phía bên phải ngôi đền. Theo dân gian, nghi thức đốt chúc văn là văn tế tưởng nhớ người đã khuất. Kết thúc lễ giỗ, người dân địa phương và đại biểu được vào bên trong điện thờ dâng hương. Lễ vật sau đó sẽ được phát cho người dân để hưởng lộc.

“Từ lâu lễ giỗ Vua Mai là nét đẹp truyền thống của người dân tại xã Mai Phụ vào dịp tháng Giêng. Ngoài việc tưởng nhớ công ơn đối với các bậc hiền nhân, dịp lễ còn là nơi giáo dục truyền thống thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ”, ông Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ