Và có lẽ những âm thanh vi vu suốt đêm ngày được phát ra từ diều sáo đã làm vơi bớt biết bao nhọc nhằn của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.
Cả làng chơi diều
Người dân xã Kha Sơn chủ yếu làm nông nghiệp, những buổi tối trăng thanh gió mát hay trưa hè oi ả, trai gái, trẻ già chẳng ai bảo ai mang diều ra ngoài bờ ruộng để đâm.
Không gian yên ả, thanh bình rất đậm chất quê. Trên đỉnh mấy tầng mây kia, những con diều no gió bay lơ lửng với đủ sắc màu, kích cỡ và âm thanh. Khi thì diều vo ve như đàn ong vỡ tổ, lúc thì ồ ồ như tiếng động cơ ô tô lên dốc, rồi lại rít lên như thác lũ ào ào.
với những người chơi diều ở Kha Sơn chẳng ai không biết đến câu ca "Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân". Hỏi ra được biết, bởi khi diều lên cao người ta phải ngửa mặt lên trời mà nhìn chúng bay lượn đến mỏi cả cổ, xạm cả da và mỗi khi diều bị đổ (tức bị rơi xuống đất) thì phải mất công đi cả vài cây số để tìm diều về.
Vất vả, kỳ công và mất thời gian là thế nhưng chẳng ai ở Kha Sơn thấy gét bỏ hay chán với cái thú chơi tao nhã này. Với họ, sáo diều như một sợi dây gắn kết giữa đất trời và con người từ bao đời nay, cũng chính niềm đam mê ấy đã tạo lên vẻ đẹp bình dị mà thanh cao ở nơi đây.
Đang buổi trưa mùa hè, Tạ Đức Mạnh, 18 tuổi ở xóm Kha Nhi cho biết: "Hôm nay là thứ Sáu, nếu cô chú về vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật thì đông người chơi lắm, có khi cả xóm Kha Nhi và mấy xóm bên cạnh cũng đều tìm đến những khu đất trống đều đâm diều. Buổi trưa thường non gió nên diều bị võng dây, cháu phải thu bớt dây về, nếu không diều sẽ cắm đầu xuống đất hoặc đứt dây, lúc ấy phải đi gần 2km mới tìm thấy diều tận bên cánh đồng ở xã bên".
Thực ra, đối với những người chơi diều chuyên nghiệp Kha Sơn, họ ngóng gió từ trước ngày thả diều, chỉ cần nghe tiếng gió gợn về thì không thể bỏ lỡ cơ hội quý báu ấy để thỏa mãn thú chơi này.
Theo kinh nghiệm dân gian "mưa không qua Ngọ, gió không quá Mùi", từ đó mà nhiều người ở Kha Sơn đã vận dụng để đón các đợt "gió đẹp" và tránh chơi diều khi thời tiết xấu. Vào những khi gió đẹp, người ta để những cánh diều rúc mây, đứng gió tới vài ngày đêm.
Thú chơi tao nhã
"Không biết chơi diều thì đâu phải con trai Kha Sơn", câu khẳng định chắc nịch và đầy vẻ tự hào của Tạ Đức Mạnh như để nhấn thêm với chúng tôi về truyền thống ấy của quê mình. Mạnh khoe: Thanh, thiếu niên trong xã thường chơi diều có kích cỡ nhỏ (từ 2 - 3 m), còn người lớn sẽ chơi diều to hơn (từ 7 - 10 m).
Với những con diều lớn, tiếng sáo sẽ vang xa và kêu to. Đương nhiên để kéo được diều cỡ lớn lên cũng khá vất vả, có khi diều còn lôi cả người rơi xuống ruộng. Người dân ở đây chơi diều chủ yếu theo kinh nghiệm, người trước truyền dạy cho người sau mà chẳng hề học qua trường lớp, sách vở nào.
Với dân chơi diều có "số má" ở Kha Sơn, không phải cứ có gió là thả được diều mà phải nghe ngóng xem là gió gì. Nếu đó là gió Bắc có độ xoáy lớn, người chơi phải tuyệt đối tránh, vì như vậy không những đâm diều không thể lên mà làm cho nó bị rơi…tan xác. Còn gió Đông Nam hoặc Tây Nam, cộng thêm trời không mưa sẽ rất thích hợp để đâm diều.
Nhìn những khuôn mặt rám nắng đen sạm của những người đam mê diều Kha Sơn đang phơi mình giữa trưa hè oi ả để kéo dây diều mới cảm nhận được tình yêu, niềm đam mê của họ với sáo diều lớn đến mức nào. Dẫu có vất vả và tốn thời gian, công sức nhưng hễ nghe tiếng sáo diều ngân lên thì bỗng xua tan bao cực nhọc, lo toan.
Dân Kha Sơn vẫn phân tài cao thấp và so sánh về kích thước to hay nhỏ của diều và tiếng sáo có vui tai hay không. Sáo hay phải là loại sáo có âm vang dồn dập như thôi thúc người nghe, lúc trầm lúc bổng. Còn những sáo dở thì tậm tịt, "nửa đêm một tiếng, gà gáy một hơi".
Bên cạnh đó, những người chơi diều đẳng cấp hơn sẽ đâm những con diều to lớn với ống sáo "khủng". Để phân biệt diều to nhỏ, người chơi diều chỉ cần nghe tiếng sáo là biết. Diều nhỏ nhất còn gọi là re re vì sáo kêu re re, lớn hơn một chút là diều ro ro, vô vô, vu vu, đu đu… Loại to là diều sáo đi đi, khủng hơn là diều đì đì.
Ông Nguyễn Văn Mai, 70 tuổi, một người có rất nhiều kinh nghiệm chơi diều ở Kha Sơn cho biết: Người Kha Sơn không phải mua diều để chơi như ở một số nơi khác mà 100% là tự làm.
Những người chơi lâu năm khi diều đứng rúc mây thì cột dây vào cọc rồi về nhà để diều tự chao nghiêng trong gió. Và họ chỉ cần ở nhà cũng có thể biết được diều của mình còn đứng gió hay đã bị rơi. Thậm chí, nếu vào những hôm gió đẹp, họ cứ để con diều đứng như vậy tới 4 - 5 ngày mà diều không đổ.
Chơi diều hiện nay không quá tốn kém và kỳ công như trước, bởi người chơi có thể tự vót khung diều từ cây tre đực, dán tấm nilon, mua dây cước ngoài chợ về, sáo làm từ ống cây mai, mặt sáo thường làm bằng gỗ mít, với đặc tính nhẹ và bền được khoét khe ở giữa. Gió sẽ luồn vào khe và phát ra tiếng khi diều chao lượn trên không trung.... là chỉ mất 2 tiếng là có diều để chơi.
Đó là nói về công đoạn cuối của việc làm diều sáo, còn từ đầu đến cuối cho ra đời một con diều cũng tốn khá thời gian. Theo đó, để có những cánh diều tốt, người chơi diều phải chọn những cây tre 10 năm tuổi, phơi liền ba tháng cho kiệt nước, nếu cong thì phải đốt lửa uốn cho thẳng, cung trên phải to hơn cung dưới.
Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng xóm Kha Nhi cho biết: "Nhiều nơi người ta chơi diều và thường mang đi thi, song với dân Kha Sơn họ chỉ chơi nội bộ trong xóm làng, cốt là để thỏa sự đam mê và duy trì truyền thống tốt đẹp của cha ông".
Chia tay Kha Sơn trong âm vang ù ù của tiếng sáo diều, chúng tôi hiểu rằng: Con diều bay mang theo những ước mơ, khát vọng của con người lên lưng trời, mọi gánh nặng đời sống thường nhật cũng bay hết. Người chơi diều chỉ còn cảm giác thư thái, thanh bình.
Mỗi con diều khi no gió bay cao ngút giữa trời như muốn nói rằng, ở đó không gian riêng để người chơi thể hiện khát vọng tự do và những niềm vui bất tận...
Không chỉ vậy, qua những cánh diều ấy đã gợi nhớ trong chúng tôi về một tuổi thơ cũng đã từng chăn trâu, cắt cỏ và thả diều hóng gió, thật đúng như câu thơ: "Chỉ là giấy thôi mà trở thành ngọn nguồn hạnh phúc/ Khi diều bay tóc trắng cũng thành xanh…".