Sáng 4/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã ra lệnh cho quân đội bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc đang lơ lửng trên bầu trời Đại Tây Dương, phía Đông Myrtle Beach, bang Nam Carolina, Mỹ, do nghi ngờ đây là thiết bị do thám.
Trước đó, quân đội Mỹ lần đầu phát hiện chiếc khinh khí cầu khả nghi từ ngày 28/1 tại bang Alaska. Trong hơn một tuần đi từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ, chiếc khinh khí cầu đã đi qua một số địa điểm quân sự nhạy cảm.
Phát đi thông báo ngày 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chiếc khí cầu trên phục vụ nghiên cứu khí tượng và hoạt động khoa học dân sự khác. Do ảnh hưởng của gió Tây và khả năng điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng dự kiến.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quyết định hoãn chuyến thăm Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm cùng quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị, ông Blinken đề cập “sự hiện diện của khí cầu giám sát trong không phận Mỹ vi phạm chủ quyền của chúng tôi và luật pháp quốc tế, cũng là hành vi vô trách nhiệm”. Ông Blinken cũng nhấn mạnh “dự định tới Bắc Kinh khi điều kiện cho phép”.
Dù phía Mỹ nhấn mạnh chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken chỉ tạm hoãn, không huỷ song trước những ồn ào xoay quanh khinh khí cầu Trung Quốc, nhiều nhà phân tích bày tỏ lo ngại mối quan hệ giữa hai nước có thể bị xáo trộn.
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, chia sẻ: “Vụ việc làm xấu đi bầu không khí và củng cố các quan điểm. Không có gì đảm bảo hai bên có thể khôi phục thành công động lực được xây dựng ở Bali (nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình)”.
Sự việc cũng đặt ra những câu hỏi hóc búa cho chính quyền Tổng thống Joe Biden và gây tranh cãi về cách tổng thống xử lý khí cầu nói chung và quan hệ với Trung Quốc.
Phía Đảng Cộng hòa đã phản ứng mạnh mẽ về hành động của Tổng thống Joe Biden. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, nhận định chính quyền Biden “luôn phản ứng thiếu quyết đoán và sau đó là quá muộn”. Ông cho rằng nước Mỹ không nên “để Trung Quốc chế giễu ngay trên không phận của mình”.
Chia sẻ với CNN, Thượng nghị sĩ bang Florida, Marco Rubio, coi sự việc là một thách thức trắng trợn đối với quyền lực của nước Mỹ. Ông đồng thời đặt câu hỏi về hành động ôn hòa của ông Biden trong sự việc lần này, khi chỉ bắn hạ khinh khí cầu gần một tuần sau khi nó tiếp cận không phận của đất nước.
Trong khi đó, đảng Dân chủ gọi những chỉ trích từ đảng Cộng hòa là “thiếu chín chắn và mang động cơ chính trị”.
Quân đội Mỹ khẳng định Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu từ sớm nhưng lo sợ các mảnh vỡ gây hại cho dân thường nên trì hoãn đến khi nó bay ra biển. Theo Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, việc bắn hạ khinh khí cầu là lựa chọn tối đa hóa lợi ích thông tin tình báo của nước Mỹ.
Giờ đây, Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu, các mảnh vỡ thu thập được từ nó có thể giải quyết được những tranh cãi gần đây về quan hệ giữa hai nước.