Vì thế, sau nhịp sống chộn rộn đời thường, mỗi dịp Xuân về, “hồn dân tộc” lại dạt dào tuôn chảy nơi “Hội chữ”.
Không gian đậm chất hoài cổ
Qua nhiều thế hệ, phong tục xin chữ của các ông đồ hoặc người hay chữ về treo trong nhà đã hình thành và phát triển thành loại hình nghệ thuật gọi là thư pháp.
Thư pháp đương đại đã đạt đến tầm cao mới với nhiều thể loại, trường phái khác nhau thể hiện sự sáng tạo không ngừng của con người. Không chỉ là nghệ thuật viết chữ đẹp, thư pháp đã vươn lên đỉnh cao với lý thuyết phong phú mang tính triết học, bao hàm sức sáng tạo và tâm lý của người viết và người chơi chữ.
Người xin chữ coi trọng chữ mình xin như bức tranh mang ý nghĩa tinh thần, họ gửi gắm cả tâm thức vào trong đó. Không chỉ đòi hỏi năng khiếu viết chữ tài hoa, công khổ luyện, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy kiến thức, tư tưởng, tâm hồn và sự nhiệt tâm của người viết.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tạo ra nhiều cơ hội cho các thư pháp gia giao lưu với đông đảo quần chúng, làm sống lại những nét đẹp vốn có của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Theo thư pháp gia Lê Đức Đôn: Lối chơi chữ thư pháp rất bác học và bình dân. Bác học ở chỗ phải là người có trí thức mới viết được. Còn bình dân ở chỗ tất cả mọi người khi được giới thiệu, được giảng giải thì đều thích thú, hiểu được, xem được.
“Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019” đã nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các CLB Thư pháp Hán- Nôm, Quốc ngữ và nhiều người viết thư pháp tự do. Không chỉ các ông đồ ở Hà Nội mà các “ông đồ” từ nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Huế…cũng đăng ký khảo tuyển.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết: Năm nay, ban khảo tuyển đã chọn ra được 39 người viết thư pháp có trình độ để tham gia ngày hội.
Cùng với 13 “ông đồ” được tuyển chọn từ mùa trước và các vị khách mời, tổng số các “ông đồ” tham dự hội chữ 2019 là 60 người. Thay vì bố trí các gian viết chữ của “ông đồ” tập trung trước sân Hồ Văn, BTC bố trí 48 lều viết đều xung quanh Hồ Văn nhằm tạo không gian thoáng đãng cho du khách ngồi xin chữ, tránh tình trạng chật chội, chen chúc.
Tại Hội chữ Xuân không chỉ có các gian viết chữ, cho chữ của các ông đồ, không gian quanh khu vực Hồ Văn sẽ tái hiện quang cảnh trường thi: Nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng…
Giống như các năm trước, sau lễ khai mạc BTC sẽ triển lãm Thư pháp Văn hiến, trưng bày 30 bức thư pháp chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ.
Những ai đam mê nghệ thuật thư pháp hẳn đều thuộc tên bốn nhà thư pháp Việt nổi tiếng: “Hòa, Bách, Nguyện, Lược”. “Tứ trụ” được mệnh danh đó là: Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện và Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược.
Ba cây đại thụ của làng thư pháp đã gác bút, chỉ còn thầy đồ Cung Khắc Lược dù cũng đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm” vẫn còn gắn bó với Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nghe thông tin năm nay cụ đồ Cung Khắc Lược trở lại Hội chữ Xuân, người yêu chữ vô cùng phấn chấn.
Cho chữ phải đủ “trình”
“Nghệ thuật thư pháp đòi hỏi sự nghiêm túc đến khắt khe. Người viết chữ thánh hiền sẽ tái hiện được nghĩa chữ sâu sắc thông qua cái tâm cái tài, vừa thể hiện cái tầm của mình trong sự lĩnh nhập và chia sẻ tri thức. Chính vì vậy, Ban khảo tuyển kiểm tra trình độ người viết thư pháp theo 3 tiêu chí: Có trình độ về Hán Nôm hoặc Quốc ngữ, có trình độ kỹ thuật thư pháp, viết chữ thư pháp và không vi phạm quy định của Hội chữ Xuân.
Qua hai vòng thi văn phạm và viết thư pháp, BTC đã chọn ra những người xứng đáng và đủ điều kiện để vào trong Hồ Văn, hội chữ Xuân năm nay”, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết.
Tình trạng ông đồ cho chữ tại Hội chữ Xuân nhưng lại không biết mặt chữ trước đây đã được loại bỏ hoàn toàn. Năm trước, gần một nửa số ông đồ tham dự kỳ thi sát hạch tuyển chọn của BTC Hội chữ Xuân đã bị đánh trượt vì không đủ các tiêu chuẩn.
Không chỉ đầu tư công sức, trí tuệ để tổ chức thi cử, tuyển chọn thầy đồ, năm nay giữa BTC và các ông đồ còn tiến hành ký bản cam kết. Năm 2018, một ông đồ ở chùa Hương (Mỹ Đức) tự ý dẫn khách, gây mất đoàn kết khiến các ông đồ đánh nhau buộc công an phải vào cuộc xử lý. Ông đồ vi phạm đã bị BTC truất quyền tham gia tất cả các hội chữ xuân.
Thông qua cuộc khảo tuyển BTC sẽ sàng lọc kỹ lưỡng để tìm ra những người xứng đáng nhất, góp phần làm nên chất lượng và sự lành mạnh của sân chơi văn hóa. Sau các mùa cho chữ, các ông đồ đều ý thức sâu sắc hơn việc đọc sách để nâng cao trình độ Nho học và vốn hiểu biết của mình.
Hội chữ Xuân góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo điều kiện cho người viết thư pháp sáng tác và đem lại niềm vui cho người đi xin chữ thỏa ước nguyện tốt lành.
Để hỗ trợ các ông đồ, BTC đã soạn thảo bộ tài liệu gồm 200 chuyên đề với các thành ngữ, tổ từ cố định, biên soạn bằng cả Hán Nôm và tiếng Việt để các ông tra cứu, tham khảo thêm, tránh việc viết nhầm hoặc trả lời võ đoán, ảnh hưởng đến uy tín sân chơi văn hóa và trí tuệ này”, thầy đồ Trần Quốc Trí - Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO chia sẻ.