Vàng da và các bệnh lý: Đối tượng nào dễ mắc bệnh?

GD&TĐ - Tình trạng vàng da ở người lớn có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm về gan mật, máu,...

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thay máu toàn phần cho bệnh nhi sơ sinh 3 ngày tuổi bị vàng da năm 2022. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thay máu toàn phần cho bệnh nhi sơ sinh 3 ngày tuổi bị vàng da năm 2022. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Chính vì thế, nếu thấy da bị vàng hoặc có những thay đổi bất thường khác, người bệnh không nên chủ quan.

Nguyên nhân gây bệnh

Vàng da là một biểu hiện lâm sàng của bilirubin huyết thanh tăng cao. Cụ thể, đây là tình trạng xảy ra khi cơ thể không chuyển hoá và đào thải được bilirubin, dẫn đến việc tăng bilirubin trong máu, thường sẽ đi kèm với vàng củng mạc mắt và mức độ vàng da phụ thuộc vào nồng độ bilirubin trong máu. Bilirubin có hai thành phần: Tự do (gián tiếp) và liên hợp (trực tiếp), tăng cao bất kỳ thành phần nào cũng đều có thể dẫn đến vàng da.

Hiện tượng vàng da không chỉ đơn thuần là da có màu vàng mà còn có thể là vàng cả niêm mạc, kết mạc mắt, có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.

Có nhiều nguyên nhân gây nên vàng da, chủ yếu là do chức năng của các bộ phận gan, mật, tụy bất thường. Khi tế bào gan bị tổn thương, vỡ hay đường mật bị viêm, chèn ép hoặc do xơ gan, ung thư gan, ung thư tụy… làm cho lượng sắc tố mật trong máu tăng lên gây tình trạng da, niêm mạc mắt, lưỡi, gan bàn chân, bàn tay bị nhuộm vàng của sắc tố mật. Đó là các bệnh viêm gan cấp tính hoặc mạn tính do virus A, B, C, D, E, G hoặc do ngộ độc, mắc bệnh sốt rét, bệnh sốt vàng da, chảy máu đều có dấu hiệu bị vàng da.

Ngoài các bệnh về gan, mật, u đầu tụy, ung thư tụy do làm cản trở sự lưu thông của bilirubin, khiến da vàng nhiều. Bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn đường ruột, vi khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh đều có khả năng gây tổn thương gan gây vàng da. Ngoài ra, vàng da có thể do bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh Cooley, bệnh tự miễn, bệnh tan máu do lạnh hoặc vàng da do ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc làm tổn thương gan trầm trọng.

ThS.BS Nguyễn Minh Hằng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, một số bệnh về hồng cầu khiến cho sắc tố da thay đổi, hồng cầu bị phá hủy nhanh chóng và lượng bilirubin trong máu cũng tăng lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, những tế bào gan không thể kịp thời chuyển hóa lượng bilirubin lớn bất thường này. Chính vì thế, dẫn đến tồn đọng bilirubin trong máu khiến da có màu vàng hơn bình thường.

Bệnh liên quan đến tế bào gan được đánh giá là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng vàng da. Tình trạng sỏi mật, tắc ống mật chủ,… có thể khiến cho dịch tràn ra và thẩm thấu vào máu dẫn tới vàng da.

Bên cạnh đó, những trường hợp viêm tụy cấp, viêm túi mật, ung thư đầu tụy, ung thư túi mật,… cũng là nguyên nhân khiến da người bệnh vàng bất thường. Bên cạnh đó, một số loại thuốc có thể gây viêm đường dẫn mật hoặc gây tổn thương đến tế bào gan sẽ khiến ứ đọng bilirubin trong máu và gây vàng da.

Theo BS Hằng, ở giai đoạn đầu, tình trạng vàng da sẽ chưa rõ ràng và rất khó để nhận biết bệnh. Càng về sau thì những biểu hiện của bệnh sẽ trở nên rõ ràng hơn. Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị vàng da như một hiện tượng sinh lý mà không cần can thiệp y tế, chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể sẽ đào thải bilirubin ra ngoài và tình trạng da bị vàng sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Song, nếu vàng da kéo dài có thể do bệnh lý.

Ở người lớn, triệu chứng vàng da có thể xảy ra ở bất cứ ai, lứa tuổi nào. Những đối tượng từng bị bệnh lý gan mật, đặc biệt là có hiện tượng vàng da, sẽ có khả năng cao xuất hiện da vàng hơn những người chưa có tiền sử. Vàng da do bệnh gan do rượu, cũng như bệnh gan không do rượu, phổ biến hơn ở nam giới, trong khi viêm đường mật nguyên phát là nguyên nhân cơ bản gây da vàng chủ yếu ở phụ nữ.

vang da va cac benh ly doi tuong nao de mac benh (1).jpg
Cần phân biệt vàng da bệnh lý và sinh lý để có cách điều trị phù hợp. Ảnh minh họa: INT

Phân biệt vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý

Ở trẻ sơ sinh, vàng da sinh lý thường sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, nếu bị vàng da bệnh lý sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy các bậc cha mẹ cần biết cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh.

BS Lê Thanh Hải - Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho hay, ở trẻ sơ sinh đủ tháng, bình thường được coi là vàng da sinh lý khi nó xuất hiện sau 24 giờ tuổi, trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Khi làm xét nghiệm máu, nếu vàng da sinh lý sẽ không có các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...).

Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn) không kèm theo các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ,...).

Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng,... Tốc độ tăng Bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.

Hiện tượng vàng da sinh lý xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh là do sự tích tụ của Bilirubin. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có lượng tế bào hồng cầu cao, các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên vàng da. Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.

vang da va cac benh ly doi tuong nao de mac benh (3).jpg
Những người bị vàng da như xuất hiện ở lòng bàn tay nên đi thăm khám. Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có thể bị vàng da bệnh lý, biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó. Ở những trường hợp này vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh. Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: Trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật,... Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.

Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấp vào não làm cho trẻ hôn mê, co giật, gây biến chứng vàng da nhân não, thậm chí tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển ở trẻ.

Do vậy, cha mẹ nên nhận biết được một số dấu hiệu để phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và vàng da bệnh lý, để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và tìm nguyên nhân điều trị vàng da.

Theo BS Hải, một số nguyên nhân gây vàng da bệnh lý như: Bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu, xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật). Hiện tượng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng.

Vì vậy, hàng ngày các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt.

BS Lê Thanh Hải cũng chỉ ra những triệu chứng thường gặp khi vàng da như: Sốt, ớn lạnh, đau bụng hạ sườn phải hoặc thượng vị, ngứa da, nhất là về ban đêm, có thể thấy các vết gãi xước trên da, sụt giảm cân nặng và suy nhược cơ thể, chán ăn, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (chảy máu cam, chảy máu chân răng), nôn máu, phân bạc màu trắng xám, nước tiểu sẫm màu, lòng bàn tay hoặc bàn chân có màu vàng, bên cạnh đó niêm mạc mắt và lưỡi bệnh nhân cũng có thể chuyển màu vàng.

Tuy nhiên, cần phân biệt với trường hợp giả vàng da do ăn một lượng lớn thực phẩm giàu beta-carotene như cà rốt, bí và một số quả dưa. Trong trường hợp này da có thể hơi vàng nhưng mắt không chuyển sang màu vàng. Tình trạng này không phải là vàng da và không liên quan đến bệnh lý gan mật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ