Điều đáng lưu ý là có bệnh chỉ là sinh lý, sẽ tự khỏi nhưng cũng có bệnh cần sự can thiệp y khoa đòi hỏi cha mẹ, người chăm sóc phải tinh ý nhận biết, đưa trẻ đi khám kịp thời.
Vàng da: Phổ biến ở trẻ sơ sinh
Làm mẹ luôn là thiên chức khó khăn với tất cả chị em. Sinh con ra đã khó, chăm sóc, nuôi dạy con khó hơn. Bằng chứng là ngay sau khi chào đời, em bé phải tự sống cuộc sống của mình bằng việc vượt qua nhiều trở ngại. Đồng hành với sự phát triển của trẻ đòi hỏi cha mẹ phải có kiến thức nhất định để nhận biết đâu là dấu hiệu bình thường, đâu là nguy hiểm với trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), hầu hết trẻ sơ sinh đều bị vàng da mức độ nhẹ (vàng da sinh lý). Triệu chứng này sẽ dần mất đi khi trẻ được 2 - 3 tuần tuổi và không để lại biến chứng gì. Trong trường hợp đặc biệt, vàng da kéo dài và trầm trọng thêm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
Vàng da sơ sinh do nồng độ bilirubin trong cơ thể trẻ sau sinh quá nhiều. Bilirubin là chất màu vàng, được sinh ra khi cơ thể phân hủy các tế bào hồng cầu cũ. Chất này được đào thải khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu.
Khi còn nằm trong bụng mẹ, cơ thể mẹ sẽ giúp bé loại trừ chất này qua nhau thai nhưng khi bé chào đời, cơ thể bé phải tự thực hiện công việc này. Tuy nhiên, do cơ thể còn non nớt nên đôi khi chưa thể đào thải hết, gây tình trạng vàng da. Cũng theo bác sĩ Dũng, có bé được vài ngày tuổi mới xuất hiện vàng da nhưng cũng có bé sau sinh 24 giờ đã có biểu hiện rõ rệt.
Không nguy hiểm nhưng chớ chủ quan
Hầu hết trẻ bị vàng da đều sẽ tự khỏi sau một vài tuần. Tuy nhiên, cũng có trẻ vì lý do nào đó khiến các dấu hiệu không những không mất đi và thậm chí còn nặng hơn. Nguyên nhân có thể do trẻ mắc bệnh khác như nhiễm trùng, tiêu hóa hoặc bất đồng nhóm máu của mẹ và bé.
Nói vậy để thấy rằng, vàng da sơ sinh phần lớn không nguy hiểm nhưng cha mẹ cần lưu ý để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường. Bác sĩ Dũng cho biết: Vàng da kéo dài quá lâu sẽ trở thành bệnh lý.
Lúc này, chất bilirubin sẽ xâm nhập vào não, da và tùy theo mức độ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhẹ thì có bị kích thích, vật vã, li bì, phản xạ kém còn nặng hơn có thể khiến trẻ hôn mê, co giật.
“Đây là hội chứng nguy hiểm nhất cho trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu. Nếu trẻ bị bệnh, kể cả có được cứu sống em bé bằng mọi biện pháp thì sau này cũng để lại di chứng rất nặng nề về trí tuệ cho trẻ, giống như viêm não Nhật Bản” - bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Do ranh giới giữa vàng da sinh lý và bệnh lý rất mong manh nên ngay sau khi trẻ chào đời, cha mẹ cần theo dõi da, lòng trắng mắt trẻ. Nếu da trẻ hơi vàng thì ngoài theo dõi hàng ngày, mẹ cho bé bú nhiều, hạn chế ăn đồ màu vàng như cà rốt, bí ngô, khoai tây. Trường hợp hai bộ phận trên chuyển sang màu vàng sậm, trẻ kém ăn, quấy cần báo cho bác sĩ nhi khoa để được kiểm tra, làm xét nghiệm máu.
Hiện phương pháp điều trị vàng da bệnh lý cũng khá đơn giản. Bé được chăm sóc tại phòng sơ sinh, được nằm lồng chiếu đèn điều trị.
Ánh sáng màu xanh dương của đèn chiếu có bước sóng từ 400 - 500nm sẽ xuyên qua da và tác động lên phân tử bilirubin nằm trong lớp mỡ dưới da, làm biến đổi phân tử bilirubin gián tiếp (có hại cho não bé) thành các sản phẩm không độc và được cơ thể đào thải ra ngoài qua gan và nước tiểu.
Như vậy, chỉ cần được phát hiện sớm, điều trị đúng, sau vài ngày, da bé sẽ hồng hào trở lại, loại bỏ được các biến chứng nguy hiểm.