Vẫn phải kiên trì kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý

Vẫn phải kiên trì kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý
(GD&TĐ) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Doanh nghiệp “chết” vì không tiếp cận được vốn
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu, kịp thời để khắc phục.
Là người phát biểu đầu tiên trong phiên làm việc, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) phản ánh, 4 tháng đầu năm có 16.600 doanh nghiệp giải thể. Lãi suất huy động cho vay đã giảm, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Nhiều đơn vị đang phải đối mặt với những khoản vay quá hạn lãi cao trong khi ngân hàng lại thừa vốn. Doanh nghiệp mong chờ lãi suất hạ từ lâu, giống như người ốm, mong mãi mới có thuốc, nhưng khi thuốc về thì bệnh đã nặng.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn đề nghị giảm lãi suất cho vay giảm xuống 8%, đồng thời hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 10%, áp dụng hồi tố cho các khoản vay từ 1/1/2013.
Đồng quan điểm đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, Ngân hàng nhà nước cần quan tâm, điều hành linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, đừng để doanh nghiệp có thị trường nhưng phải "chết" vì không tiếp cận được vốn.
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường

 Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chỉ ra, lạm phát thấp đã không còn được nhìn nhận là một thành tích, nhất là đứng trước tình trạng cả dòng tiền và hàng đều bị “ách lại” như hiện nay. Do đó, ưu tiên của giai đoạn tới là phải tập trung tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp có đà phát triển. Đề cập đến tình hình đáng lo ngại hơn đang diễn biến trong nền kinh tế, đó là tâm thế chờ thời của nhiều doanh nghiệp, là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Nhà nước đang tiến hành..., đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần minh bạch, công khai hơn để hóa giải tâm lý tiêu cực trên. “Niềm tin cần nhanh chóng được khôi phục” – đại biểu Đáng nói.

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, trong tình hình như vậy, chúng ta vẫn phải kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý. "Bóng ma" lạm phát vẫn đeo đuổi, ám ảnh nền kinh tế đất nước, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn cần sự tăng trưởng hợp lý. Những dự án, công trình đã đạt xấp xỉ 80% khối lượng nên được tiếp tục đầu tư đưa vào sử dụng. Các công trình quan trọng, chiến lược phục vụ "sát sườn" việc tái cơ cấu nền kinh tế nên được mạnh dạn đầu tư. Các khoản nợ của Nhà nước với các công trình đang thi công dang dở cần được giải ngân càng sớm càng tốt.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng nêu rõ: Cử tri cả nước, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi Quốc hội đưa ra quyết sách để ngăn chặn được xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, chấm dứt tình trạng trì trệ của nền kinh tế; đồng thời, vực dậy niềm tin cho thị trường trong mục tiêu dài hạn. Theo đại biểu này, trong điều kiện ngắn hạn, lạm phát đã không còn là "con ngựa bất kham". Đây chính là thời điểm thuận lợi và điều kiện để tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn để hướng tới mục tiêu trung và dài hạn. Nếu bỏ lỡ cơ hội, chẳng mấy chốc, lạm phát sẽ quay lại.
Đồng tình với 6 nhóm giải pháp của Chính phủ, nhưng ông Trần Du Lịch cho rằng, nhóm giải pháp này chưa đủ mạnh để vực nền kinh tế dậy. Theo đó, trong 2,5 năm còn lại của kế hoạch 5 năm phải xây dựng chương trình mục tiêu trung hạn để phục hồi tăng trưởng kinh tế với mức tăng CPI 6,5 đến 7%...; thực hiện miễn, giảm thuế trong 3 năm chứ không phải 6 tháng hay 1 năm như giải pháp Quốc hội đề ra hiện nay. Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay, có thể nâng tầm bội chi ngân sách vượt mức 4,8 % GDP, tăng một số hình thức để xử lý trả nợ các công trình đầu tư dang dở.
Trong điều kiện nguồn vốn hấp thụ tín dụng rất hạn chế, đầu tư công, chi tiêu công như một "cú hích" kích tổng cầu. Chúng ta cần "cú hích" này trong giai đoạn trước mắt. Đây là vấn đề rất khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Nhà nước còn rất nhiều nguồn lực. Nhà nước cần rà soát lại toàn bộ vốn ở hàng trăm doanh nghiệp, công nghiệp nhẹ không cần thiết, nhà hàng, khách sạn... Tại sao lại để hàng trăm nghìn tỷ đồng nằm ở đây, trong khi không có tiền để làm quốc lộ và nhiều nhu cầu thiết yếu khác?”, “cần phải có sự đột phá, nguồn lực Nhà nước đang lãng phí” – đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nói.
Cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
Không chỉ “bắt bệnh” nền kinh tế, các đại biểu cũng rất quan tâm đến các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và vấn đề an toàn thực phẩm. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho hay: Báo cáo của Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần đề cập đậm nét hơn, vì đây là chuyện của mọi nhà và gây bức xúc trong thời gian qua. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, chúng ta cần nhiều giải pháp hiệu quả, nếu không người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại. Cụ thể, cần phải ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu qua đường biên giới, không nên quanh quẩn truy xét trong các chợ đầu mối; cũng như cần thay đổi tập quán nuôi trồng của nông dân Việt Nam, nhất là việc lạm dụng hóa chất.
Liên quan đến việc 9 ca tử vong trẻ em do có sử dụng vắc xin Quinvaxem được Hàn Quốc viện trợ, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho biết, vắc xin này hiện không còn dùng tại Hàn Quốc vì đây là vắc xin thế hệ cũ, nhưng ngành Y tế nước ta vẫn tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Kết quả là liên tiếp trong 6 tháng gần đây, đã có 9 ca tử vong xảy ra, đến tận đến ca tử vong thứ 9, ngành Y tế mới tạm dừng sử dụng vắc xin này.
Đại biểu Đáng cho rằng, sự việc đã qua nhưng Bộ Y tế và các ngành liên quan cần rút ra được bài học để phục vụ tốt nhân dân. Theo ông, một lời xin lỗi của lãnh đạo ngành Y tế lúc này là cần thiết, bởi đây là biểu hiện của văn hóa, tinh thần trách nhiệm...
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng cho biết: Hiện nay, cử tri có nhiều ý kiến không đồng tình với chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập, nhất là khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT). Thực hiện theo Luật BHYT mới đây yêu cầu phải chuyển việc khám chữa bệnh bằng BHYT về các tuyến huyện, đã làm gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám, dẫn đến tình trạng quá tải thường xuyên ở rất nhiều các tuyến huyện; trong khi biên chế bác sĩ ở đó lại không tăng, dẫn dến chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo. Do vậy, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư xây dựng bệnh viện, cần quan tâm công tác đào tạo nhân lực y tế ở địa phương.    
Thu Hằng
TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ