Và kết quả luôn hơn cả mong đợi vì chỉ trong vài chục giây là chủ nhân thu được bài viết không chỉ dài cả ngàn từ, mà còn có bố cục rành mạch đầy đủ kết - mở, chia ý, phân đoạn… Đồng thời với đó là câu từ trau chuốt, hành văn mạch lạc, trôi chảy.
Đáng ngạc nhiên hơn khi việc này còn được AI thực hiện rất chuyên nghiệp khi đi vào phân tích từng khổ, câu thơ, thậm chí đi vào ngóc ngách đưa ra cụm, từ đặc sắc chứ không hề bị khuôn vào mấy lời chung chung.
Thậm chí, có những hình ảnh, ý thơ khó không dễ đoán định vì đi vào chiều sâu tâm tưởng, vậy mà AI vẫn đưa ra được những lời bình và lý giải khá cặn kẽ.
Khi đọc những lời bình ấy, không ít người ngạc nhiên, ngỡ ngàng cứ tưởng đó là của ai đó vì yêu mến và cảm thấu bài thơ mà viết ra, nếu như người chia sẻ không tiết lộ đó là sản phẩm của AI.
Thậm chí, có tác giả còn “xanh mắt”, “tái mặt” vì không thể tin được trí tuệ nhân tạo lại đọc thấu tâm can của mình như thế. Và nhiều lời khen ngợi, ngưỡng mộ được đưa ra, kiểu như: “Bình chất thật”, “hay thật đó”, “nể”, “choáng”… để rồi không khỏi lo lắng: “Thế này các nhà lý luân phê bình hết việc làm mất rồi”, “giáo viên dạy Văn thất nghiệp, cho các em các cháu học trên AI được rồi”…
Dẫu biết rằng sản phẩm mà trí tuệ nhân tạo đưa ra trong vòng 30 giây chỉ là kết quả của việc tổng hợp dữ liệu trên không gian số và dù rất trôi chảy nhưng nếu đọc chậm sẽ dễ nhận thấy nó rất khuôn mẫu, luôn là những lời có cánh, sử dụng không ít từ sáo rỗng, lặp lại ý tưởng…
Vậy nhưng, vẫn rất đáng lo ngại khi có không ít người ban đầu chỉ là nhờ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ một phần nào đó để giảm áp lực trong công việc bận rộn, song khi thấy kết quả mang lại hơn cả yêu cầu đặt ra nên “nhờ” làm luôn và lấy đó là sản phẩm của mình.
Thế là các bài bình thơ thực chất của AI tổng hợp, song lại được “gian dối” ghi tên người đặt đầu bài. Đúng là khi đó người viết lý luận phê bình thất nghiệp nhưng vẫn… có ăn. Thay vì phải dành vài ba tiếng đọc thơ, thấu cảm rồi mới đặt bút viết thì thật tiện lợi khi sử dụng AI thực hiện việc đó trong vài chục giây.
Bằng cách này, cùng lúc có thể “sản xuất” hàng loạt bài bình thơ và gửi đến các tòa soạn để cộng tác, kiếm nhuận bút dễ dàng. Bỗng dưng nghề viết, nhất là với việc thẩm bình văn chương vốn rất nhọc nhằn, đau đầu, bạc tóc trở thành nhẹ tênh…
Và đáng lo ngại hơn nếu giáo viên nhờ AI soạn giáo án, học sinh lạm dụng công cụ này để… “hỏi bài”, dần dà bị lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo với những “chém gió” nghe rất cao siêu nhưng… không hiểu gì. Thế hệ đó không thể độc lập đưa ra góc nhìn, sự rung động của cá nhân trước một tác phẩm văn học nói riêng và các vấn đề của đời sống nói chung.
Đúng là, không thể đứng ngoài công nghệ, song thích nghi với điều đó như thế nào còn rất nhiều điều phải bàn. Nhất là với lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, sự lệ thuộc đầy “gian dối” này thật đáng cảnh báo với bất kỳ ai!