Nhưng hiện tại thủ môn đội tuyển Việt Nam đã mất suất thi đấu chính và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thất thế
Trong trận Muathong United gặp Chonburi ở vòng 4 Thai-League diễn ra vào đầu tháng 3/2020, trước khi giải đấu nhà nghề Thái Lan tạm hoãn vì Covid-19, Đặng Văn Lâm chỉ được đăng ký vào vị trí dự bị. Bắt chính thay anh là thủ môn Somporn Yos. Đây là trận thứ 2 liên tiếp Văn Lâm mất suất thi đấu chính thức. Trước đó, thủ môn đội tuyển Việt Nam ngồi ngoài trong trận Muangthong thắng Rayong 3-0 tại vòng 3 Thai-League hôm 26/2. Đáng chú ý, sau 2 vòng đấu đầu tiên của Thai-League, Văn Lâm để thủng lưới tới 4 bàn và Muangthong đều trắng tay. 2 trận sau, người thay thế Somporn Yos thi đấu ấn tượng, chỉ để thua 1 bàn và góp công lớp giúp Muangthong giành trọn 6 điểm.
Mọi việc càng trở nên bí ẩn khi Muangthong United có những động thái úp mở về việc Văn Lâm phải ngồi ngoài 2 trận. Trên trang fanpage chính thức của đội bóng, Muangthong cho biết Văn Lâm dự bị là do anh dính chấn thương trong trận đấu gặp BG Pathum United ở vòng 1. Thủ môn số 1 của mùa trước cần thời gian dưỡng thương và thủ môn số 2 Somporn Yos được đôn lên bắt chính. Thế nhưng, nguyên nhân của Muangthong đưa ra về Văn Lâm lại trái với thực tế, đội bóng này vẫn đưa thủ thành số 1 đội tuyển Việt Nam vào danh sách đăng ký thi đấu, dự bị cho Somporn Yos. Điều đó cho thấy, Văn Lâm đủ điều kiện sức khỏe thi đấu và Muangthong vẫn có thể tung anh vào sân khi cần thiết.
Sau cuộc họp ngày gần đây, FIFA quyết định các trận đấu trong tháng 3 và tháng 6 của vòng loại World Cup 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 10 và tháng 11/2020. Tuy nhiên, cuối năm 2020 cũng là thời điểm AFF Cup 2020 diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 tháng (từ 23/11 đến 31/12). Việc 2 giải đấu quan trọng diễn ra sát nhau khiến đội tuyển trong khu vực Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị lực lượng. Đặc biệt là các đội bóng ở bảng G - bảng đấu quy tụ đến 4 đội bóng hàng đầu Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Vậy nên, lý do “Văn Lâm chấn thương” mà Muangthong đưa ra để giải thích cho việc thủ môn số 1 của họ mùa trước phải ngồi dự bị 2 trận liên tiếp chưa thật sự thuyết phục và rõ ràng. Hồi đầu tháng 4, trên trang Facebook chính thức của Muangthong đăng tải hình ảnh các cầu thủ lên tiếng kêu gọi người hâm mộ cùng chung tay chống dịch Covid-19 với khẩu hiệu “We fight as one”. Trong số đó có hình ảnh thủ môn Văn Lâm đeo khẩu trang và cầm tấm biển với nội dung: “Stay Home, Stay Safe” nhằm kêu gọi người hâm mộ ở nhà để giữ an toàn, phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19. Đặc biệt, đội bóng Thái Lan tiếp tục quảng bá hình ảnh Văn Lâm là thủ môn số 1 của đội bóng này.
Mặc dù vậy, chỉ một tuần sau khi tuyên bố “Văn Lâm vẫn nằm trong kế hoạch và là số 1 của đội bóng” thì ông Ronan Ritsuwaja, Giám đốc điều hành Muangthong phát biểu rằng đội bóng sẵn sàng để Văn Lâm ra đi nếu nhận được lời đề nghị hợp lý. Theo truyền thông Thái Lan, “hợp lý” ở đây nằm ở số tiền chuyển nhượng là bao nhiêu. Muangthong sẵn sàng bán Văn Lâm nếu có đối tác đáp ứng mức chuyển nhượng không thấp hơn 1 triệu USD. Trước đó, đội bóng Thái Lan đã bỏ ra 500 nghìn USD để có được Văn Lâm từ CLB Hải Phòng. Cũng trong thời điểm này, thì người đại diện của anh đã bóng gió đề cập đến thông tin có đại diện từ Nga và Nhật Bản sẵn sàng bỏ ra 1,5 triệu USD để mua lại hợp đồng của Văn Lâm!?
Ngay sau động thái khẳng định thương hiệu Văn Lâm của người đại diện, mối quan hệ của 2 bên có chiều hướng căng thẳng hơn khi lãnh đạo đội bóng Thái Lan khẳng định, việc có bán Văn Lâm hay không phụ thuộc vào tương lai. CLB cũng cần chuẩn bị tìm người thay thế xứng đáng. Văn Lâm đã ký hợp đồng 3 năm với Muangthong kèm điều khoản phụ, thời gian còn rất dài. Sau những động thái đó, người ta hiểu rằng, Muangthong đang cho thấy sự chủ động và quyền của người chủ trong sử dụng lao động. Đội bóng Thái Lan có thể bán Văn Lâm nếu được giá và có sự thay thế xứng đáng trong khung thành; hoặc “đày ải” thủ thành đội tuyển Việt Nam trên băng ghế dự bị, hay đẩy lên khán đài làm khán giả.
Văn Lâm và người đại diện với Muangthong đều không muốn đẩy nhau vào tình thế căng thẳng đến mức “một mất, một còn”. Nhưng nếu đội bóng Thái Lan muốn bán Văn Lâm, thì cũng rất khó tìm ra đội bóng nào sẵn sàng bỏ ra cả triệu USD chuyển nhượng, con số mong muốn của Muangthong. Nếu có ý định nào đó muốn “giải cứu” Văn Lâm từ các đội bóng của V-League, thì số tiền cần để phá vỡ hợp đồng cũng không ít hơn 1 triệu USD. Đây là số tiền rất lớn với các đội bóng của Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á và kể cả với nhiều nền bóng đá hàng đầu châu lục. Nhất là vào thời điểm thế giới bóng đá đang khủng hoảng bởi những dư chấn khủng khiếp từ đại dịch Covid-19.
Như vậy, bên cạnh nguy cơ có thể bị bán bất cứ lúc nào, Văn Lâm còn đối mặt với thực tế là anh đã mất vị trí thi đấu chính thức ở Muangthong. Vậy nên, thủ thành đội tuyển Việt Nam sẽ phải nỗ lực tập luyện để có thể giành lại vị trí chính thức từ Somporn Yos đã chơi cực hay.
Nguy cơ mất người
Vào trung tuần tháng 4/2020, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) đã đưa ra bốn phương án tái khởi động Thai-League. Điều đặc biệt, có đến ba phương án Thai-League sẽ diễn ra song song với AFF Cup 2020. Phương án còn lại, Thai League kết thúc vào đúng thời điểm AFF Cup chuẩn bị hạ màn. Nếu 1 trong 3 phương án đưa Thai-League trở lại và diễn ra song song với AFF Cup 2020 được thông qua, Văn Lâm nhiều khả năng sẽ không được Muangthong đồng ý cho trở về khoác áo đội tuyển Việt Nam. Lý do là bởi AFF Cup 2020 không nằm trong hệ thống giải đấu của FIFA (FIFA’s Day), nên các đội bóng tại Thai-League không cần thiết phải nhả cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia.
Trong trường hợp FAT nghiêng về khả năng Thai-League sẽ kết thúc trong năm 2020, dự kiến trở lại vào tháng 8/2020 và kết thúc vào ngày 21/12, đội tuyển Việt Nam gần như chắc chắn không có Văn Lâm trong các trận đấu quyết định tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, được lùi đến tháng 10 và 11/2020. Với khả năng này, HLV Park Hang Seo cũng khó có được thủ thành số 1 khi đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Văn Lâm có được tham dự trận nào tại giải bóng đá vô địch Đông Nam Á không còn tùy thuộc vào khả năng đội tuyển Việt Nam tiến sâu đến đâu.
Phát biểu với truyền thông Thái Lan, ông Somyos Pumpanmuang - Chủ tịch FAT đã đề cập đến khả năng Thai-League diễn ra trùng thời điểm AFF Cup 2020 và “bật đèn xanh” cho các CLB Thai-League về vấn đề nhân sự. “Nếu Thai-League trở lại theo lịch trình từ tháng 8, giải đấu sẽ kết thúc vào khoảng 21/12. Các CLB có thể từ chối nhả cầu thủ về cho đội tuyển quốc gia nếu không thực sự cần thiết. Điều đó có thể tạo ra khủng hoảng, nhưng cũng là cơ hội. Bóng đá Thái Lan sẵn sàng cử đội trẻ tới AFF Cup. Giải đấu ấy không phải là FIFA Day, nên mọi thứ đều phụ thuộc vào các CLB”, Chủ tịch FAT nhấn mạnh.
Cũng theo ông Somyos Poompanmuang, tham dự AFF Cup là một niềm tự hào với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á không quy định rằng tất cả các quốc gia phải tham gia giải này. Nếu vẫn tham dự AFF Cup 2020, nhiều khả năng Thái Lan không thể có lực lượng mạnh nhất. HLV Akira Nishino không thể gọi về nhiều ngôi sao quan trọng đang chơi bóng ở nước ngoài như Chanathip Songkrasin, Kawin (Consadole Sapporo), Bunmathan (Yokohama Marinos), Dangda (Shimizu S-Pulse), Tawan Khotrsupho (Cerezo Osaka)… Vì vậy, đội tuyển Thái Lan có thể từ chối thi đấu ở giải năm nay.
Nếu không có Văn Lâm, đội tuyển Việt Nam mất đi một chốt chặn vững vàng nơi hàng phòng ngự. Sự chắc chắn của cựu thủ môn Hải Phòng đã giúp cho đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, đứng đầu bảng G tại vòng loại World Cup 2022, chỉ thủng lưới 1 bàn duy nhất sau 5 trận đấu. HLV Park Hang Seo sẽ phải tính tới phương án sử dụng thủ môn Nguyên Mạnh (Viettel) hay Tuấn Mạnh (Khánh Hòa). Đây đều là những thủ thành có kinh nghiệm và đã nhiều lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, cả 2 thủ môn này đều chưa thể mang lại sự yên tâm cho người hâm mộ như Văn Lâm đã từng làm. Đặc biệt, cả 2 còn rất nhiều hạn chế trong xử lý các pha bóng bổng, hay đối đầu với mẫu tiền đạo cao to.
Chiến lược gia người Hàn có thể tính tới phương án sử dụng thủ môn Việt kiều - Filip Nguyễn. Tuy nhiên, việc thủ môn đang thi đấu tại giải VĐQG CH Séc có nhập tịch thành công hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn. Ngoài ra rất khó để CLB Liberec đồng ý để Filip Nguyễn trở về Việt Nam vào thời điểm AFF Cup diễn ra. Những phương án khác như Văn Toản mới chỉ chơi tròn vai ở SEA Games 30, trong khi Bùi Tiến Dũng tiếp tục sa sút trầm trọng ngay cả khi anh chuyển đến CLB TPHCM. Nếu phải sử dụng những thủ môn này tại vòng loại World Cup 2022 hay AFF Cup 2020 sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho đội tuyển Việt Nam.
Do vậy, tương lai và vị trí nào của Văn Lâm ở Muangthong đang trở thành bài toán nhiều ẩn số, kèm theo những nguy cơ khó lường với đội tuyển Việt Nam và HLV Park Hang Seo.
Tháng 1/2019, sau khi chuyển đến Muangthong, Văn Lâm được transfermarkt - trang chuyển nhượng uy tín hàng đầu thế giới định giá 300.000 euro (khoảng 7,8 tỷ đồng), qua đó trở thành cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam, hơn 1,5 lần so với giá trị chuyển nhượng của Công Phượng và Xuân Trường. Tuy nhiên, với việc không còn được thi đấu thường xuyên tại Muangthong nên ở đợt định giá vào tháng 3/2020 của transfermarkt, giá trị chuyển nhượng của Văn Lâm chỉ còn vào khoảng 200.000 euro, đúng bằng giá chuyển nhượng của Công Phượng và Xuân Trường.