Xương rồng nở hoa

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tặng H

Tôi dạy em môn Văn năm lớp 11. Háo hức của người mới ra nghề với rất nhiều điều học ở đại học muốn thực sự được thể hiện trước học trò, tôi giảng tâm đắc, thấm thía bài “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam với nỗi niềm cảm thông. Say sưa, tôi nhấn mạnh: “Với sự nhân đạo của xã hội chúng ta ngày nay, chắc chắn không còn những tuổi thơ buồn như hai chị em trong tác phẩm”.

Tôi vừa kết thúc bài giảng, em - cô bé ngồi đầu bàn, tóc rối bù, lúc nào cũng muốn ngủ giơ tay phát biểu. Động tác giơ tay của em ngay ngắn nghiêm túc đến nỗi tôi ngạc nhiên. Đương nhiên là tôi gọi em và chờ đợi một câu hỏi. Ba mươi giây trôi qua. “Cô chẳng hiểu gì về cuộc sống cả!”- Em nói nhanh nhưng dõng dạc đủ để cả lớp nghe thấy. Học sinh ồ lên. Những cặp mắt nhìn vào em, rồi lại nhìn sang tôi. Tôi đỏ bừng mặt. Không tìm được câu nói nào cho phù hợp, lưỡng lự vài giây, tôi bỏ ra ngoài. Lớp trưởng chạy theo, tôi khoát tay. Ra khỏi phòng học, tôi điện thoại ngay cho cô giáo chủ nhiệm lớp em. Chị Hoa bảo: “Em để chị phạt hư quá, không thể để thế được”. Tôi cũng chẳng chú tâm lắm đến việc chị Hoa xử lí ra sao, chỉ thấy trong lòng mình có điều gì vừa vỡ vụn. Cuối năm học chị bảo tôi:

“Chị xếp hạnh kiểm Linh loại trung bình rồi, Linh vi phạm nhiều lỗi quá ! em đừng buồn nữa nhé!” . Tôi chẳng buồn, cũng chẳng thấy nhẹ nhõm trong lòng. Chỉ thấy hoài nghi. Không hiểu sao tôi chẳng giận em.Từ ngày nhận được câu nói ấy của Linh, tôi bỗng thấy mình chú ý hơn đến mọi thứ xung quanh. Chú ý cả đến đôi mắt sâu thẳm lúc nào cũng ươn ướt của em những giờ tôi vào lớp.

Tháng tám, chị Hoa nghỉ sinh con. Thật tình cờ, đầu năm học mới tôi vào chủ nhiệm thay chị lớp 12.

Vẫn chỗ ngồi cũ, đầu bàn sát ngoài cửa lớp, nhưng tóc em đã dài đến ngang vai. Đôi mắt tròn to qua mấy tháng hè không còn muốn ngủ nhưng lúc nào cũng thể hiện sự bất hợp tác.

Sau lần giơ tay duy nhất ấy, em chưa từng lặp lại lần nữa trong giờ tôi lên lớp.Tôi vờ như đã quên câu nói của em, mặc dù trong lòng nóng lên với câu hỏi “Tại sao?”.

***

Các chị cùng trường ai cũng suýt xoa khen chiếc Vespa mới. Chị Hiền thể chất bâng quơ giữa chỗ ghế đá đông cả học sinh lẫn giáo viên: “Hàng nhập nguyên chiếc hẳn hoi. Mày sướng thật được bố mẹ tài trợ, chứ lương mày chắc đã đủ tiền xăng, chị mày đây năm bảy năm đi dạy rồi tiêu còn chẳng đủ”. Tôi gật đầu - Cô Liên lí quay sang chị Hiền bảo: “Mày cứ ngốt lên, mày tiêu như phá thế. Nhưng nói thật, lương cô phải cả năm không ăn gì mới mua được”. Thầy Triển gật gù: “Bọn trẻ bây giờ đi làm cho vui- mà em mặc bộ này hợp lắm với cái xe đấy”

***

Chiều, tôi bực bội với mẹ: “Đã bảo mẹ để con đi xe cũ”. Mẹ cười: “Đi xe ấy mẹ không yên tâm”.

Bố mẹ tôi kinh doanh vàng bạc. Cửa hiệu to đùng giữa phố. Bố bảo tôi: “Đời bố học hết lớp ba, con bố phải dạy người, bố mới nở mặt”. Chị họ tôi thì thào: “Xin việc cho mày hết hai xuỵch, lương mày mười lăm năm mới hoàn vốn”. Tay chị cho vào miệng nhấm nước bọt rồi vê vê. Tôi phát vào tay chị: “Khiếp, bà này bẩn quá! Rồi em sẽ trả các cụ nghiêm chỉnh”. Chị bĩu môi: “Xã hội bây giừ chỉ chuộng toán lí hóa, dạy văn như mày đợi đến mục thất em ạ! Mày xem bọn anh chị em họ nhà mình có ai học văn như cô không. Lạc đường rồi em ạ, tỉnh lại quay về đê!”

Tôi bỏ lên phòng không nghe chị nói tiếp. Chỉ nghe mẹ tôi nhắc chị: “con này lắm mồm vừa chứ, kệ nó!”.

Mẹ hiểu tôi nhất. Dạy học là nghề ước mơ của mẹ. Con nhà gia giáo nhưng nghèo, những năm dạy học mẹ phải bỏ ngang cơ. Mỗi chiều mẹ tranh thủ xách xô xin nước vo gạo và thức ăn thừa ở những bếp ăn tập thể về nuôi lợn. Lương mẹ tôi 60 đồng, đong chưa nổi vài đấu gạo. Xã hội khó khăn chung . Thời ấy người ta có câu vè tếu để nói về cái nghèo khó của giới trí thức mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy mẹ đọc: “Nhà văn - nhà giáo - nhà báo - nhà đài; Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo”. Cuộc sống chật vật không kham nổi ước mơ, mẹ gạt nước mắt cất chiếc cặp da sờn của ông ngoại tặng từ hồi học “mười cộng hai” vào một góc. Rồi mẹ lấy bố tôi, một thợ cơ khí học kiểu thủ công. Sau này, cơ chế thị trường bung ra bố mẹ gom góp vay mượn chút vốn liếng mở tiệm vàng. Mẹ để hẳn một căn phòng nhỏ trên tầng 3 kê chiếc bàn gỗ dán con con đã từng soạn giáo án, vài cuốn vở giấy đen hôi rình dấu tích của một thời nghèo đói và cả cái cặp da sờn kỉ vật đời mẹ.

Tôi được bố mẹ bao bọc như kén bọc tằm. Phòng tôi rộng rãi. Giá sách phần lớn là những quyển bọc da, chữ vàng, gắn dây đánh dấu. Một dàn vi tính để soạn bài. Chiếc máy in đời mới. Mẹ dặn tôi: “Mẹ chỉ cho con được điều kiện đầy đủ, còn cái tâm với học trò, mẹ không cho con được”.

Tôi hiểu lời mẹ nói, cả những nỗi niềm dang dở đau đáu trong mắt mẹ. Tôi hỏi:

“Sao mẹ không xin đi làm lại cho vui, còn vài năm nữa mới đến tuổi hưu cơ mà?”. Mẹ cười: “Lâu lâu, mẹ quên hết chữ rồi! Dạy bằng gì?”.

Mang nhiệt huyết của mẹ, tôi đến trường.Vậy mà tôi trở nên hoang mang mơ hồ với câu nói của một học trò tuổi kém mình cả nửa con giáp.

“I phôn 6 hả?”- Chị Thúy hỏi tôi khi tiếng chuông điện thoại trong cặp tôi réo rắt. Chờ tôi nghe điện xong, chị bảo: “Cho chị xem tí! Chị đang dành dụm đợi con này lâu rồi mà chưa đủ tiền em ạ, cục gạch của chị nát quá rồi”. Tôi chán nản: “Chị cứ lấy dùng đi, em đổi cho vài tháng. Em cũng chẳng gọi nhiều!”. Chị cầm luôn: “Đổi thật nhá! Chiều nay chị đi ăn sinh nhật con đứa bạn, mai chị hoàn em ngay?”. Tôi gật đầu.

***

Mấy hôm liền Linh nghỉ học. Không giấy phép . Không điện thoại. Tôi hỏi cả lớp: “Ai có số điện thoại nhà bạn Linh không ?”, “ Cả lớp nhau ái ngại, rồi lắc. Tôi dò theo cuốn sổ học bạ xem địa chỉ nhà em. Chiều, tôi gọi lớp trưởng cùng đi.

Đứng trước cánh cổng xiêu vẹo , gọi tên bố, rồi tên mẹ em. Chẳng ai thưa. Một bà hàng xóm thò mặt ra cằn nhằn: “Gọi tay đôi ấy thì không có nhà đâu, chỉ có chị em con Linh thôi. Nó ngã xe nằm trạm xá xã cơ! Đi đi cho người ta ngủ. Rách cả việc!”. Tôi nhìn đồng hồ lẩm bẩm: 3 rưỡi “Giờ này còn ngủ!”. Cậu bé lớp trưởng bảo tôi: “Làng này ngủ ngày cày đêm cô ạ!” “Thế là sao?” “Ban đêm người ta đánh bạc”.

Tôi và Thanh- Lớp trưởng ra đến trạm xá. Linh nằm thiêm thiếp. Một cô bé con ngồi bên cạnh - tôi đoán chắc là em Linh. Cô bé thì thầm: “Chị Linh con vừa ngủ, cô muốn gặp để lát nữa. Chị ấy toàn khóc gọi mẹ thôi, con đã bảo không thèm gọi, chị ấy không nghe”. Linh nằm trên giường, tấm chăn mỏng kéo nửa ngực. Tôi nhìn chăm chăm vào đôi lông mày nhíu lại mệt mỏi, khóe mắt đọng nước của em. Chị y tá trực nói khe khẽ: “May quá chỉ sứt sát thôi cô giáo ạ!”. Tôi gọi Thanh ra ngoài- hai cô trò ngồi trên ghế đá. Thanh kể: “Con Linh khổ lắm cô ạ. Bố mẹ nó bỏ nhau mấy năm nay rồi...”. Tự nhiên tôi nghĩ đến gia đình mình . Bố mẹ tôi buôn bán thật, nhưng lúc nào cũng “anh” “em”, chưa từng bao giờ cái lộn hoặc ít nhất tôi và em trai chưa từng nhìn thấy. Bố tôi bảo: “Ngày xưa khổ thế còn chẳng vặc nhau, bây giờ bọn trẻ chúng mày hơi tí là vặc lại bố mẹ, vợ chồng hơi tí giận dỗi, ai cũng thừa cá tính”.

Bố Linh mê cờ bạc, mẹ cũng mê. Khi cả hai người phải có trách nhiệm nhất trong gia đình không ai quan tâm đến bổn phận, tan là tất yếu. Cãi vã, chửi rủa, tranh giành tiền nong. Linh và em gái chỉ biết ôm nhau khóc. “Có lần mẹ nó thắng bạc mua cho chị em nó cái ti vi, bố nó cấm không cho xem. Linh hay em gái bật lên, bố nó tắt phịch. Rồi lừa hôm chị em nó đi học, bố nó mang thẳng đến sòng bạc. Bọn em cũng chẳng biết khuyên nó thế nào!”- Thằng Thanh nói vẻ bực dọc.

Có một màn sương mỏng che mờ trước mắt tôi. Đầu tôi ong ong trước những lời Thanh kể. Không muốn đánh thức Linh, tôi để bịch quà đầu giường em rồi về. Thanh cũng chào tôi rồi rẽ về ngõ khác. Lòng tôi có cục đá lớn đang đè nặng.

Chiều hôm sau tôi lại xuống trạm xá. Cô y tá bảo Linh đã về nhà.Tôi dắt xe vào tận sân nhà em. Linh đang cắm cúi gấp dán phong bì, khuôn mặt nom già hẳn. Thấy tôi, Linh bối rối. Im lặng một lát, Linh thở dài: “Em phải nghỉ thôi cô ạ, em phải nuôi em gái”. “Gấp dán một cái được bao nhiêu tiền ?” Tôi hỏi: “Một trăm đồng cô ạ!”. “Em bán hết cho cô. Bao nhiêu cái, cô mua hết”. Em giằng chồng phong bì ra khỏi tay tôi, đôi mắt mở to như muốn van vỉ: “Xin đừng thương hại!”.

Tôi kể chuyện của Linh trong phòng chờ. Chị Liên sinh bảo: “Ôi dào cảnh như thế nhiều lắm! Lớp chị mấy đứa bố mẹ bỏ nhau chẳng đứa nào ra hồn! Mời bố mẹ đến gặp thì lại nghe họ tranh thủ nói xấu nhau - nghĩ mà chán”, cô Tú Hoa nói chêm vào: “Bố mẹ chúng nó không lo, mình lo sao nổi, mình còn lo cho gia đình mình đã bở hơi tai rồi”, “ Thôi, nghĩ ngợi làm gì, chuyện vặt em ạ”. Rời phòng chờ lên lớp, đầu óc tôi cứ để đâu đâu.

Tối hôm ấy, bố chở tôi xuống làng tìm gặp bố mẹ Linh.Trên đường đi bố nghiêm mặt: “Bố vì con lần này thôi! Còn lần sau bố cấm. Làng này toàn đầu trộm đuôi cướp, con gái con lứa, nguy hiểm!”. Tôi ngồi im không cãi.

Hai bố con hỏi thăm quán nước ven đường sòng “ác chiến” nhất - Theo cách gọi của dân cờ bạc. Thằng bé mười mấy tuổi- chừng là gác cửa hất hàm : “Đi đâu?”. Tôi cũng sẵng: “Tìm người!” “Ai?” “Lung bát vạn”. Nó khoát tay ra dấu đi theo. Ánh điện sáng choang soi rõ đám người lố nhố ngồi quanh một chiếu bạc giữa nhà. Thằng bé nói to: “Chú Lung, có người gặp!”. Một người đàn ông đầu cúp trọc, mắt đỏ ngầu nhìn lên: “Gặp tao làm gì?” “Cô giáo con Linh”. “Bảo sang gặp mẹ nó, tao đang đen!”. Mấy gã ngồi cùng hỏi: “Con nào đấy?” “Con hâm !”. Cả đám cười sằng sặc.

Tôi hỏi thằng bé: “Mẹ Linh ở đâu?”. Nó chỉ tay sang ngôi nhà cấp 4 bên cạnh. Thấy tôi, đám người cả đàn ông, đàn bà nhìn lên: “Có việc gì?” “ Tìm Loan sành điệu - Tôi là cô giáo...”. Không chờ tôi nói hết câu, một người đàn bà xăm môi mắt, đang ngả ngốn trên đùi một người đàn ông - chừng là mẹ Linh bảo: “À! Cô giáo con Linh hả - Gặp bố nó nhé, giả tất của nợ cho bố nó rồi . “Rồi chị ta cúi xuống tiếp tục bốc bài. Tôi quay ra lòng đầy phẫn nộ. Bố mở cửa xe cho tôi hỏi: “Được việc gì không con?” - Tôi lắc. Lúc xe đi qua cổng nhà em, dưới ánh đèn đỏ đòng đọc, thoáng bóng Linh đang cắm cúi dán phong bì. Suốt dọc đường về người không bao giờ say xe như tôi bỗng thấy nôn nao.

***

Hôm sau, trước giờ vào lớp, tôi lên trình bày hoàn cảnh của em với thày hiệu trưởng. Thầy lắng nghe câu chuyện về gia đình em chăm chú. Đôi mày chau lại thày bảo: “Em cố gắng động viên Linh đi học lại, sắp thi tốt nghiệp rồi, thày sẽ trao đổi với hội phụ huynh giúp đỡ Linh”. Chiều, tôi xuống nhà Linh thông báo khoản hỗ trợ của hội phụ huynh để em vui. Bất ngờ khi em bảo tôi: “Em không xin ai cả”- Giọng em nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Biết không thể thay đổi được em, tôi lặng lẽ về.

Hôm sau, phòng chờ lại rộn lên lời bàn tán khi tôi đưa vấn đề của Linh ra để tìm giải pháp. Cô Nhân bảo: “Nó có lòng tự trọng” , chị Thảo lắc đầu: “Thế là dại quá!”, chị Loan Anh gật gù: “Khó nhỉ! Chị chưa gặp trường hợp nào như thế!”.

“ Hay em thử tìm cho nó một việc gì đó chẳng hạn- vừa làm vừa học” Chị Hồng Anh ngồi cuối phòng giờ mới lên tiếng. Trong đầu tôi lóe lên như một tia sáng cuối đường hầm.Tôi chạy hộc tốc lên phòng hiệu trưởng. Thầy lắng nghe phương án của tôi rồi gật đầu: “Em làm đi, vườn hoa trường mình cũng đang um tùm”.Tôi cảm ơn thầy, sung sướng như mình ngày đầu tiên nhận việc.

Linh đi học lại. Cả lớp góp tiền mua tặng em một chiếc kéo tỉa cây, một chiếc bình ô roa, đôi găng tay cao su nhỏ và chiếc xẻng con. Sau mỗi buổi học, Linh ở lại cần mẫn tỉa cành, xới đất, tưới tắm cho cây. Tôi mua tặng em một chậu cây xương rồng bát tiên. Em đặt nó lên lan can trước cửa lớp rồi nói với tôi: “Em thích loài cây này, nó sinh ra đã quen chịu gian khổ”. Tôi thấy cây hoa ấy chính là em, qua bao sóng gió cuộc đời vẫn cứng cỏi. Chỉ qua vài tuần, thày cô nào nhìn ra vườn hoa trước cửa phòng hội đồng cũng phải ngạc nhiên, cây cối được xén tỉa gọn gàng, hoa bắt đầu khoe sắc. Học sinh trong trường thi nhau ra chụp ảnh kỉ niệm. Linh vẫn không cười, nhưng mắt em lấp lánh niềm vui.

***

Tốt nghiệp xong khá lâu, tôi cũng không nhận được tin tức gì của Linh. Vườn hoa bây giờ đã giao cho hẳn một lớp chăm sóc. Tôi cũng chủ nhiệm một lớp Mười mới vào. Thỉnh thoảng đi qua phòng học lớp cũ, cây xương rồng bát tiên trên lan can bắt đầu hé nụ hồng hồng bên cạnh những chiếc gai, dường như vẫn có một bàn tay ai đó chăm sóc cây mỗi ngày.

Sáu tháng sau, Linh đến trường tìm tôi. Em ngồi ở ghế đá ngắm vườn hoa từ xa xa Nhìn em mặc bộ quần áo đồng phục công nhân mà tôi ngỡ ngàng. Em khoe: “ Em được tuyển vào làm công nhân Sam Sung rồi cô ạ- Bây giờ em đã nuôi được em gái em ăn học”. Linh kể với tôi về quãng thời gian không gặp: “Công an đến dẹp hết ổ bạc rồi, bố mẹ em phải cải tạo. Nhưng em vui. Ở trại, họ lại tìm đến nhau. Cuối năm nay bố mẹ em sẽ được về ”. Linh cười thật tươi, lần đầu tiên tôi thấy bên khóe miệng em chiếc răng khểnh rất đẹp. “Em xin lỗi cô! - Câu này em nợ cô từ lớp 11 “Linh kể với tôi em gái em mới thi đỗ vào trường, học ở lớp học trước cửa có chậu cây bát tiên bắt đầu trổ hoa.

Linh tặng tôi một chậu hoa xương rồng bát tiên xinh xắn. Trên những cành khẳng khiu, gai góc nụ đã bắt đầu trổ li ti . Với tôi, em- cô bé đầy tự trọng - đã là loài hoa quý nhất mang cho tôi bài học đầu đời khi bước chân vào nghề giáo.

Chậu hoa xương rồng Linh tặng, tôi sẽ mang về tặng mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh NTCC

Hiểu đúng về giai đoạn tiền Tiểu học

GD&TĐ - Nhiều gia đình tìm các lớp học tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức mà quên việc quan trọng là trang bị tâm thế, kỹ năng để bắt nhịp với cấp học mới.
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.
Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.
Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.