Xao xuyến Thu, xao xuyến tình người!

GD&TĐ - Xao xuyến thu (tác giả Hồng Vinh) là một tiếng nói đối thoại bằng thơ khá tiêu biểu. Có bốn “nấc” đối thoại: đối thoại với bài hát của nữ nhạc sỹ nổi tiếng Giáng Son; đối thoại với mùa thu; đối thoại với quê hương; đối thoại với “em”!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sao em gọi Thu này là “Thu cạn”  [1]
Khi nước Tràng An dào dạt vỗ bờ
Cánh buồm sông Hoàng Long no gió
Trời cao xanh, chim quấn quít chao nghiêng

Dứa Tam Điệp vẫn thắm sắc vàng
Những vườn đào đua nhau xòe tán rộng
Đồng Yên Mô lúa trải xanh mà mượt
Rừng Cúc Phương vui đón khách bốn phương…

Chẳng hiểu thơ em bỗng tắt nửa chừng
Có phải sự đợi chờ làm hồn thơ hóa đá
Có phải đàn chim vào mùa di trú
Xáo xác tìm nhau giữa chạng vạng hoàng hôn?!

Đêm quá dài, còn ngày chẳng tày gang
Nỗi trăn trở cứ dày vò không dứt
Hay em đã lãng quên vùng đất cũ
Tường đã rêu phong in nhớ phút xao lòng?!

Nắng hửng rồi và Thu đã sang
Lá xào xạc như cuối chiều ta gặp
Trăng vẫn sáng tựa đêm nào cùng dạo
Hương tóc em còn mãi tỏa bay!...

Thơ là tiếng lòng. Thơ là tiếng gọi đàn. Thơ là tiếng nói tri âm...Cổ nhân đã nói thế. Và những định nghĩa ấy đã trở thành kinh điển.

Trong xu thế đối thoại văn hóa toàn cầu, ngày nay thế giới còn nhìn thơ là một tiếng nói đối thoại đặc biệt, tinh tế, hiệu quả. Đặc biệt vì đó là hình thức nghệ thuật cao nhất của ngôn từ, được tổ chức, chọn lọc, chọn lựa tinh vi. Đồng thời, vì là tiếng nói của con tim nên thơ là sứ giả trung thành tin cậy nhất để gắn nối và gắn kết tình người, hồn người.

Không ngẫu nhiên, người ta làm thơ nhiều cũng vì lẽ này. Người bi quan thì coi đó là sự “lạm phát” mà làm giảm giá của thơ. Người lạc quan thì coi đó là tín hiệu vui vì thơ đang lan tỏa đến với tất cả nhân quần. Trên thực tế thì thơ đang giữ ngôi vị như vẫn có ở mọi quốc gia, nhất là các nước phát triển, nơi có xu thế đối thoại cởi mở hơn.

Xao xuyến thu là một tiếng nói đối thoại bằng thơ khá tiêu biểu. Có bốn “nấc” đối thoại: đối thoại với bài hát của nữ nhạc sỹ nổi tiếng Giáng Son; đối thoại với mùa thu; đối thoại với quê hương; đối thoại với “em”!

Nghệ thuật bao giờ cũng đối thoại bằng mô hình và thông qua mô hình. Với người này, mô hình đó là một lâu đài, nhưng với người khác chỉ là ngôi nhà gianh. Chưa hẳn lâu đài đã quý hơn nhà gianh. Bởi lẽ, thưởng thức nghệ thuật phụ thuộc vào sự trải nghiệm, vốn sống, tính cách mỗi người.

Thế nên bài hát kia gọi “Thu này là thu cạn” cũng là điều bình thường. Nó thành nguyên cớ để “xao xuyến thu” “đối thoại”. Tác giả sau câu hỏi tu từ đã khẳng định: Không! Thu đang đầy sức sống: “Khi nước Tràng An dào dạt vỗ bờ/ Cánh buồm sông Hoàng Long no gió/ Trời cao xanh, chim quấn quít chao nghiêng/ Dứa Tam Điệp vẫn thắm sắc vàng/ Những vườn đào đua nhau xòe tán rộng/ Đồng Yên Mô lúa trải xanh mà mượt/ Rừng Cúc Phương vui đón khách bốn phương…”.

Các động từ, tính từ căng tràn; các âm thanh xôn xao, các hình ảnh tràn trề sức sống, các màu sắc tươi vui, ấm áp... Vậy, Thu đâu có “cạn”! Tên các vùng quê cố đô Hoa Lư xưa đang vang vang, tha thiết, tự hào: Tràng An, Hoàng Long, Tam Điệp, Yên Mô, Cúc Phương... 

Mạch thơ chuyển. Tình thơ hướng vào trong đầy chất triết luận, lắng sâu: “Chẳng hiểu thơ em bỗng tắt nửa chừng/ Có phải sự đợi chờ làm hồn thơ hóa đá/ Có phải đàn chim vào mùa di trú/ Xáo xác tìm nhau giữa chạng vạng hoàng hôn?!”. Cái ngạc nhiên sững sờ tiếc nuối: “thơ em bỗng tắt nửa chừng”. Cái dự cảm băn khoăn đầy mơ hồ trong câu trúc hai câu hỏi tu từ: “có phải...có phải...”. Hỏi như không hỏi: có phải chia ly mà vậy...Nàng Tô Thị ngày xưa chờ chồng mà hóa đá. Nàng “thơ” ngày nay đợi chờ ai...? Chỉ cần biết người được chờ đợi ấy là người hạnh phúc nhất thế gian này!

“Hay em đã lãng quên vùng đất cũ/ Tường đã rêu phong in nhớ phút xao lòng?!” Không chỉ “đối thoại” với em, mà với tất cả: Có phải ngày xưa thật đã qua?

Không! Nói như nữ nhà thơ Béc-gôn: “Không ai bị lãng quên! Không có gì bị quên lãng!”. Vì, như đã thành đức tin: người ta không sống bằng kỷ niệm, nhưng rất khó quên kỷ niệm! Vì kỷ niệm buồn - vui sẽ là điểm tựa cho ngày mai. Bài thơ kết lại bằng những hình ảnh đẹp, thi vị, chan chứa tin yêu: Thu rất đẹp. Tình đời thật thiết tha, nồng hậu.

Đối thoại để khẳng định hồn thu tinh khiết, tình thu ngập tràn, nâng bước ta vững đi trong bộn bề gian khó, nhưng phía trước đã rọi sáng tương lai! Tình người xao xuyến và ngày một kết bền, đang nâng thúc nhịp đi của thời gian. Bên trong cái xao xuyến của Thu đang tới, phải là một trái tim nhạy cảm, chứa đựng một khát vọng sống với những muốn mong “nối vòng tay lớn” cùng đẩy lui đại dịch và mọi gian nguy đang hiện hữu trên khắp hành tinh này!

Còn một đối thoại thứ 5 vang lên rất khẽ, rất tinh mới nhận ra: đối thoại với lòng mình. Có phải “xao xuyến” vì “em”, mà Thu về là một chứng nhân làm cả hai xao động, khơi dậy và đắp bồi những tình cảm sâu lắng, thiết tha?!...

[1] Tên bài hát do nhạc sĩ Giáng Son phổ nhạc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ