Những người bắt gốm phải lên tiếng

GD&TĐ - Triểm lãm với chủ đề “Lời thì thầm” của cặp đôi họa sĩ Dũng – Văn đã và đang thu hút giới yêu gốm trong và ngoài nước, bởi sự độc đáo mới lạ của gốm Việt.

Nghệ sĩ Ngô Trọng Văn với tác phẩm “Mộng dưới hoa”.
Nghệ sĩ Ngô Trọng Văn với tác phẩm “Mộng dưới hoa”.

Sau 2 lần phải trì hoãn vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển lãm “Lời thì thầm” của vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng cũng được ra mắt công chúng.

Dù thời gian triển lãm sắp kết thúc (21/9), nhưng đông đảo người hâm mộ vẫn tranh thủ đến thưởng lãm.

Bổ khuyết hoàn mỹ từ đối lập

Là vợ chồng, cùng là những nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành gốm nhưng đây là lần đầu tiên họ cùng nhau mở triển lãm. “Lời thì thầm” giới thiệu đến công chúng hơn 65 tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của 2 nghệ sĩ.

Với Nguyễn Thị Dũng thì gốm lúc nào cũng thì thầm vì làm gốm là phải tĩnh lặng, tập trung. Còn với Ngô Trọng Văn thì gốm phải mạnh mẽ, gồ ghề và đầy rẫy những trăn trở.

Hai phong cách khác nhau, quan điểm sáng tạo cũng khác nhau nhưng chính những đối lập ấy của vợ chồng nghệ sĩ Dũng – Văn lại tạo nên sự tương phản đáng yêu. Phong cách của mỗi người bổ khuyết đem lại cho công chúng thông điệp về tình yêu nghề và tình yêu đôi lứa.

Nguyễn Thị Dũng bày chín bình, tám bức tranh, mười bộ trà; Ngô Trọng Văn bày 13 tượng, ba bức tranh. Họ chung nhau hai tác phẩm là bình lớn. Giới chuyên gia đánh giá, về mô hình cặp đôi nghệ sĩ giống như các gia đình làm gốm thủ công trước đây. Nhưng lại cũng khác, bởi họ biết kết hợp học thuật, các khái niệm gốm sứ hiện đại và cả tinh thần phá cách, khiến cho gốm không chỉ có diện mạo mới mà còn biết “thì thầm” với một tâm hồn lắng đọng.

Suốt 20 năm gắn bó với gốm nghệ thuật, Nguyễn Thị Dũng không chỉ sáng tạo. Hàng ngày, chị lặn lội tìm kiếm những kiến thức, kỹ năng mới để gốm không chỉ là gốm mà gốm phải trở thành một tuyệt tác qua bàn tay nhào nặn, qua chất men tươi tắn và những hình khối độc – lạ.

“Tôi hay sử dụng kỹ thuật chạm và đắp nổi, kết hợp với men màu để làm nổi bật những chi tiết đem lại sự tươi mới, trong trẻo”, nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng chia sẻ.

Trái ngược với phong cách của vợ, nghệ sĩ Ngô Trọng Văn luôn gửi trong tác phẩm gốm những trăn trở, suy tư về đời sống, về con người và sự sinh tồn. Chính vì thế gốm của Văn luôn cảm nhận được sự chắt lọc hình tượng, kết hợp những biến đổi nhiệt của men màu với lửa sau nung. Kỹ thuật ấy đã tạo nên những ẩn tàng về ý niệm, để mỗi người hình thành những suy tưởng riêng khi chạm vào gốm.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng với Bình mẫu đôn tím.
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng với Bình mẫu đôn tím.

Tiếng nói của gốm

Giới chuyên gốm cho rằng, về mặt kỹ thuật, chất men, gốm của cặp đôi Dũng - Văn chở được hồn cốt, thẩm mỹ của tinh thần gốm Biên Hòa, Lái Thiêu ngày xưa. Họ kết hợp với các vật liệu mới cùng trào lưu gốm lạ, trang trí nội thất nên gốm trở nên sang trọng. 

Nhưng cũng phải nói rằng, nếu gốm sứ trước đây phục vụ cho đời sống qua các hoạt động cần thiết như đựng nước, chứa rượu; thì nay sự chuyển dịch gốm của Dũng – Văn lại vô dụng trong việc này. Gốm không dùng để tích nước chứa rượu mà chỉ để ngắm. Chính sự vô dụng ấy lại tăng tính khả dụng cho gốm, bởi gốm nghệ thuật khác với gốm dân dụng.

Bộ tác phẩm “Nguyệt dạ” gồm 8 tác phẩm của Ngô Trọng Văn với tự sự đại diện cho tính nữ, cho cái đẹp tròn trịa, dịu dàng, mềm mại. Có những khoảnh khắc thanh xuân, có thời khắc người phụ nữ mang bầu. Ngô Trọng Văn đã tìm được một ngôn ngữ tạo hình đặc trưng cho gốm để thể hiện về phái nữ và đức hi sinh của họ.

“Hạt trời” mà anh đem đến triển lãm có màu sắc của hạt cà phê với hình dáng tượng Tây Nguyên truyền thống. Anh Văn cho hay, tượng nặng khoảng 100kg, kích cỡ gần bằng người thật.

“Hạt trời” mang thông điệp khá rõ ràng. Đó là khi một hạt giống được gieo xuống, nó sẽ nảy mầm và vươn lên. Nó sẽ đơm hoa kết trái và hình thành những “hạt trời” khác. Đó là sự sinh tồn và ý nghĩa tiếp nối mà cuộc sống mang lại.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng đã đưa các sản phẩm gốm thông dụng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thông qua những cánh hoa. Tác phẩm của chị cũng mang tính hữu dụng hơn khi hàng chục bộ bình trà độc đáo được trưng bày.

Trong ngày khai mạc triển lãm, vợ chồng nghệ sĩ Dũng – Văn đã bán được gần 20 tác phẩm. Điều đó chứng tỏ chất lượng nghệ thuật, khẳng định gốm Việt ngày càng được yêu mến.

Bình trà của chị không đơn thuần chỉ để pha trà. Những ngón tay của bệ đế ấm hoa sen giơ lên không vẻ kiều diễm, nhưng là sự chở che ấm áp. Chiếc lá sen khô, cong lại tạo thành một chiếc đĩa phá cách hoặc một chiếc thuyền chở đạo.

Chị Dũng tâm sự rằng, trước đây những người chơi đồ cổ cho xem ảnh của chiếc bình châm trà ngày xưa và hỏi chị có làm được không? Chị bắt tay vào chế tác thử nhưng vô cùng khó khăn. Đã vài lần muốn bỏ cuộc, nhưng tâm ý luôn hướng đến cái đẹp hoàn mỹ nên sau vài năm cực nhọc cũng đã thành công.

Triển lãm chung, mỗi người mỗi tác phẩm mang phong cách riêng. Nhưng cặp đôi nghệ sĩ Dũng – Văn cũng đem đến cặp bình gốm men cỡ lớn được đặt tên “Mộng dưới hoa” và “Mơ hoa” - là công sức sáng tạo chung của 2 vợ chồng.

Nói về cặp bình gốm men đặc biệt này, vợ chồng nghệ sĩ chia sẻ: Chiếc bình đầu tiên nung xong vỡ vụn. Nhìn đống mảnh vỡ, 2 vợ chồng vừa tiếc vừa nản lòng. Nhưng nghĩ rằng, sản phẩm bị hỏng mà thối chí thì chẳng có gì thành công. Cuối cùng, cả hai quyết chí làm lại mặc cho mồ hôi rơi giữa cái nắng và cái nóng của lò nung.

“Có những tác phẩm phải đủ hàng nghìn cánh hoa nên tôi phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. Có những tác phẩm kéo dài 6 tháng mới xong. Khi hoàn thành một bộ tác phẩm, có khi bị trật khớp hoặc lăn ra ốm vì quá mệt” - Nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.