Những hiện vật cực hiếm tại Bảo tàng Hà Nội

GD&TĐ - Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ một số hiện vật cực hiếm như cầu ngà, điếu ngà, mỏ neo... được giới văn hóa đánh giá là cực quý hiếm. Tuy nhiên, đằng sau hiện vật mới là những câu chuyện kỳ thú.

Các chuyên gia nghiên cứu chiếc mỏ neo khổng lồ, sau khi ông Địch hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội.
Các chuyên gia nghiên cứu chiếc mỏ neo khổng lồ, sau khi ông Địch hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội.

Đôi mỏ neo khổng lồ

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Trước đây, bảo tàng bị khuyết thiếu rất nhiều hiện vật trưng bày so với kịch bản đề ra. Trong đó, hiện vật minh chứng cho Thăng Long từng là một thương cảng hầu như không có. Rất may, có một nhà sưu tập đã tặng cho bảo tàng hiện vật đặc biệt, đó là hai chiếc mỏ neo khổng lồ”.

Nhà sưu tập đặc biệt ấy là ông Quách Văn Địch, một người dân ở Long Biên (Hà Nội). Năm 1998, ông Địch mua lại 1 chiếc mỏ neo của lão ngư Nguyễn Văn Mười tại ngôi nhà nổi giữa sông Hồng. Hai năm sau, trong một lần đi chơi trên sông, ông Địch tình cờ thấy ở góc sà lan có một chiếc mỏ neo rất lạ. Mỏ neo làm bằng gỗ, đầu bịt sắt, buộc bằng thừng chắc chắn.

Chiếc mỏ neo có kích cỡ rất lớn, chiều dài đến hơn 6m, có hai ngạnh, được vớt ở sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Không phải người chơi cổ vật, cũng không am tường lắm về chiếc mỏ neo kỳ lạ này, nhưng không hiểu sao ông Địch “mê” luôn.

Ông bỏ ra 8 cây vàng để đưa mỏ neo về. Đôi mỏ neo khiến nhà hàng của ông Địch trở nên nổi tiếng, nhiều người đến ăn uống để ngắm đôi mỏ neo kỳ lạ này. Ông Địch cho biết, chi phí cho 2 lần mua và trục vớt 2 mỏ neo khi đó bằng 11 cây vàng.

Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến giao lưu với ông để được nghiên cứu đôi mỏ neo. Có người bảo cặp mỏ neo này có lẽ có từ thời Trần. Có chuyên gia lại bảo tuổi của nó vào khoảng thế kỷ 17. Những tay chơi cổ vật cũng mách nhau tìm cách mua mỏ neo của ông Địch.

Có những nhóm tìm đến nhà ông Địch dăm bảy lượt để gạ ông bán. Nhưng họ chỉ nhận được cái lắc đầu. Ông Nguyễn Tiến Đà nói rằng, có người muốn mua chiếc mỏ neo của ông Địch với giá 150 nghìn USD, nhưng ông Địch quyết không bán.

Để làm rõ lai lịch của những chiếc mỏ neo, ông Địch đến gặp một số nhà sử học. Tiến sĩ Khảo cổ học Vũ Thế Long đã làm đầu mối giúp ông liên lạc với nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài khác.

Tuy nhiên, việc làm rõ lai lịch những chiếc mỏ neo này vẫn còn bỏ ngỏ. Cách đây vài năm, các chuyên gia đến nghiên cứu tại Bảo tàng Hà Nội cho rằng, hai chiếc mỏ neo ra đời vào thế kỷ 17 và được làm theo phong cách Nhật Bản.

Khi ông Địch vẫn đang trên hành trình tìm hiểu về đôi mỏ neo của mình thì một ngày nhận được cuộc gọi của đại diện Bảo tàng Hà Nội. Bảo tàng đang vận động người dân hiến tặng hiện vật để trưng bày. Gần 20 năm sở hữu đôi mỏ neo, quá trình đi tìm lai lịch khiến ông càng thêm gắn bó.

Trong thâm tâm, ông vẫn muốn làm gì đó cho Hà Nội, nhưng lại không nỡ chia tay một hiện vật mà mình gắn bó, đồng thời cũng là cả một món tài sản lớn thì không phải điều dễ dàng.

Suy nghĩ khá nhiều, ông Địch quyết định liên lạc với Bảo tàng Hà Nội, biến đôi mỏ neo của mình thành của mọi người. Đó là thời điểm cuối năm 2017. Một năm sau, ông Địch được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Cặp ngà voi hiếm có

Cầu ngà voi được chạm tròn tạo hình một đàn voi nối đuôi nhau đi.

Cầu ngà voi được chạm tròn tạo hình một đàn voi nối đuôi nhau đi.

Ngoài đôi mỏ neo khổng lồ mà khảo cổ học và sử học còn phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm rõ. Bảo tàng Hà Nội còn lưu giữ các hiện vật từ ngà voi với những hình khắc rất lạ như: Tiêu tượng, phong cảnh, ngư tiều canh mục, tứ linh... rất hiếm có, mặc dù những đề tài này đã được nhìn thấy nhiều trên các hiện vật khác như gốm, sứ, gỗ.

Trong các hiện vật ngà voi trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, “cầu ngà voi” có kích cỡ lớn nhất, gồm 2 chiếc ngà đặt theo phương nằm ngang trên bệ bằng gỗ.

Một chiếc ngà dài khoảng 70cm đặt ở vị trí cao nhất được khắc họa một đàn voi 14 con nối đuôi nhau đi.

Chiếc ngà thứ hai đặt ở vị trí thấp hơn có độ dài khoảng 40cm và cũng được chạm trổ một đàn voi nối đuôi. Khi nhìn hai mặt của “cầu ngà voi” người ta vẫn nhìn được cả đàn voi.

Bộ thứ hai gọi là “ngà voi” có kích cỡ tương đối lớn bao gồm hai chiếc ngà đặt song song theo phương thẳng đứng tạo thành hình vòng cung, gắn trên bệ gỗ màu đen. Trên hai chiếc ngà hình vòng cung này không chạm khắc gì mà để trơn.

Ngoài hai hiện vật cỡ lớn này, còn có một số hiện vật khác kích thước nhỏ hơn, như: Điếu ngà, đỉnh ngà, tượng ngà. Trên thân “điếu ngà” được khắc những linh vật như cá chép hóa rồng, phượng hàm thư, long mã, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa có người hầu vác lọng, dưới đáy có khắc dấu hiệu và chữ Hán.

Đỉnh ngà có đế gỗ, nắp trang trí nổi hình rồng, phượng và mây. Diềm đỉnh trang trí cánh sen. Thân chia ô tạo thành 2 khoang, chạm nổi rồng, phượng, Mặt trời, mây. Đỉnh có 3 chân quỳ, chạm nổi mặt hổ phù. Đỉnh gồm hai tai chạm nổi hình ảnh cá hóa rồng.

PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: Viện Khảo cổ học chưa tìm thấy hiện vật nào có chất liệu ngà voi có khắc các họa tiết tương tự như ở Bảo tàng Hà Nội.

“Đây có thể là cống vật hoặc là tặng phẩm của vua chúa, quan chức thời phong kiến. Đó là những hiện vật, dù nguyên liệu không quý nhưng độ lớn và cách thức bài trí, chạm trổ rất hiếm gặp”, PGS Trình Năng Chung   cho hay.

Đồng tình với nhận định trên, một số chuyên gia văn hóa cho rằng: Chất liệu ngà voi thuộc vào loại “đẳng cấp” chỉ có vua chúa mới dùng. Hiện vật tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng và quyền lực. Vì vậy, có thể hiện vật này là cống phẩm của vua, quan thời xưa.

Cần giải mã kỹ hiện vật

Đỉnh ngà được chạm khắc hình cá chép hóa rồng, phượng...

Đỉnh ngà được chạm khắc hình cá chép hóa rồng, phượng...

Một điểm rất đặc biệt trên bộ các hiện vật ngà voi chính là những họa tiết nhỏ li ti nhưng được chạm trổ vô cùng tinh xảo. Nói đặc biệt ở chỗ, ngà voi là chất liệu rất giòn, dễ vỡ, muốn khắc những họa tiết nhỏ phải cần đến kỹ thuật điêu khắc đỉnh cao của nghệ nhân.

Theo tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội cung cấp, để khắc được những họa tiết nhỏ li ti các nghệ nhân thường ngâm ngà vào giấm qua một đêm. Sau đó, dùng kỹ thuật như phù điêu, chạm thủng, chạm lộng, chạm nổi, khắc chìm… để chế tác ra tác phẩm.

Với chất liệu ngà thì chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm hỏng cả cặp ngà. Thời gian để tạo ra một tác phẩm điêu khắc trên ngà hoàn chỉnh phải tính bằng tháng, bằng năm.

Là hiện vật quý hiếm, tuy nhiên trong các dòng tài liệu không thấy ghi chủ nhân từng sở hữu các bộ ngà này. Chỉ biết niên đại của những hiện vật được xác định thuộc giai đoạn cuối thế kỷ 19.

Tài liệu chỉ ghi bộ ngà voi là vật dùng để trang trí trong các cung điện của vua, chúa, các bậc quý tộc, thể hiện uy quyền và sự cao sang.

Ngoài ra, chất liệu ngà voi còn được dùng để làm vật dụng hàng ngày của vua quan như, bát ngà, đũa ngà... vì những vật dụng này có tác dụng phát hiện các loại độc tố. Nếu trong thức ăn, nước uống có độc thì lập tức ngà voi sẽ đổi màu, báo hiệu nguy hiểm.

PGS.TS Trình Năng Chung cho rằng, có 2 đối tượng cần xác định. Thứ nhất là các nghệ nhân chế tác, và thứ hai là người sử dụng. Người sử dụng có thể xác định, khoanh vùng là các bậc vua, quan cao cấp ngày xưa, nhưng nghệ nhân làm ra các hiện vật ngà voi này thì cần phải có hồ sơ của hiện vật.

Nếu không có hồ sơ ghi chép cụ thể thì phải phân tích dựa trên chất liệu, đề tài, hoa văn sau đó so sánh với những vùng văn hóa khác mới có có thể tìm ra câu trả lời chính xác.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: Những vật dụng liên quan đến ngà voi thường là vật quan dụng. Nó thể hiện sức mạnh, quyền uy. Những món đồ này không phổ thông, vì vậy rất ít khi những nghệ nhân dân gian làm món đồ này.

Thông thường, cung đình có đội thợ thủ công riêng, chuyên làm ra những đồ độc đáo dành cho vua, quan... Vì vậy, nhiều khả năng thợ thủ công kinh thành chính là chủ nhân làm ra vật dụng liên quan đến ngà voi đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.

Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội sở hữu trên 70.000 tài liệu, hiện vật. Có những hiện vật quý hiếm như đầu tàu hơi nước ở Gia Lâm, các thanh gác chắn của ga Hàng Cỏ, đôi mỏ neo khổng lồ, các hiện vật theo chủ đề rất phong phú và đa dạng. Các hiện vật này phản ánh rất rõ những giai đoạn phát triển cả về kinh tế, văn hóa của đất nước cũng như của Hà Nội. Ông NGUYỄN TIẾN ĐÀ (Giám đốc Bảo tàng Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.