Những con ngựa nổi tiếng trong lịch sử - văn học Trung Quốc

GD&TĐ - Lịch sử - văn học Trung Quốc có nhắc nhiều tới ngựa. Theo quan niệm tuấn mã đi với anh hùng, hình ảnh những nhân vật lịch sử, nhân vật văn học nổi tiếng của Trung Quốc khi xưa đều gắn liền với những con ngựa đã đi vào sử sách.

Những con ngựa nổi tiếng trong lịch sử - văn học Trung Quốc

Ngựa Xích Thố

Người Trung Quốc có câu “Anh hùng có Lã Bố, tuấn mã có Xích Thố”. Xích Thố được xem như một trong những “thần mã” (ngựa thần) của lịch sử Trung Quốc.

Những miêu tả về Xích Thố qua nhiều đời đã mang đậm màu sắc thần thoại với nhiều ước lệ mà người Trung Quốc gắn cho con ngựa thần nổi danh sử sách thời Tam Quốc: Mình ngựa Xích Thố dài một trượng, cao tám thước, lông đỏ rực, ngày đi ngàn dặm, trèo đèo lội suối như đi trên đồng bằng.

Ngựa Xích Thố từng qua tay nhiều chủ. Chủ nhân đầu tiên của Xích Thố là Đổng Trác, tướng nhà Đông Hán. Sau vì muốn thu phục Lã Bố, Đổng Trác đã đem tặng ngựa Xích Thố cho Lã Bố. Khi Lã Bố bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố lại về tay Tào Tháo.

Người chủ cuối cùng của Xích Thố là Quan Vân Trường. Tào Tháo muốn thu phục Quan Vân Trường đã bắt chước Đổng Trác tặng tuấn mã cho anh hùng nhưng Quan Vân Trường nhận Xích Thố chỉ vì nóng lòng muốn tìm được người anh em Lưu Bị và tuyệt nhiên không vì được tặng ngựa quý mà nảy sinh lòng phản trắc.

Sau này, khi Quan Vân Trường chết, Xích Thố lại rơi vào tay một tướng khác là Mã Trung nhưng lần này nó không ngoan ngoãn để mình bị trao tay thêm lần nữa.

Ngựa Xích Thố đã tuyệt thực để đi theo Quan Vân Trường. Có lẽ đây chính là vị chủ nhân mà Xích Thố đã chờ đợi, tìm kiếm bấy lâu, giờ Quan Vũ chết, nó không còn muốn phục tùng ai khác nữa.

Chính vì hành động tuyệt thực này mà ngựa Xích Thố được người đời sau nhắc đến như một thần mã, bởi nó không chỉ là tuấn mã mà còn biết sống có nghĩa có tình, trung thành với chủ.

Ngựa Đích Lô

Đích Lô vốn là ngựa của Trương Vũ - Viên tướng dưới trướng danh sĩ dòng dõi hoàng tộc thời nhà Hán là Lưu Biểu. Sau này, Trương Vũ phản bội lại Lưu Biểu.

Lưu Bị khi về với Lưu Biểu đã để ý ngựa Đích Lô của Trương Vũ.,Nhận ra đây là tuấn mã, ông liền hết lời ca ngợi. Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân liền giết Trương Vũ để cướp ngựa cho chủ nhân.

Lưu Bị vốn định tặng ngựa Đích Lô cho Lưu Biểu nhưng Lưu Biểu cho rằng ngựa Đích Lô “có quầng ở mắt, trên đầu có đốm trắng, ắt là con ngựa sát chủ”. Việc Trương Vũ chết chính là minh chứng nhãn tiền, vì vậy, Lưu Biểu trả lại ngựa cho Lưu Bị.

Lưu Bị tuyệt nhiên không tin ngựa Đích Lô sát chủ. Khi nhận được mật báo có người truy sát, Lưu Bị vội vàng thoát thân cùng Đích Lô, nhưng bị lạc đường tới suối Đàm Khê. Phía trước là suối sâu, phía sau là quân địch, tiến thoái lưỡng nan, lúc này Lưu Bị bắt đầu tin Đích Lô sát chủ.

Ông đang quát mắng Đích Lô thì bỗng nhiên con ngựa vùng lên, nhảy phắt sang bờ bên kia, khiến quân địch bất lực, không thể truy sát Lưu Bị được nữa. Sau này, Lưu Bị càng yêu quý Đích Lô hơn.

Ngựa Vương Truy

Vương Truy Mã, hay còn gọi là ngựa Ô Vân Đạp Tuyết, đúng như tên của nó - toàn thân màu đen, bốn vó màu trắng. Đây là ngựa quý của Trương Phi. 

Tương truyền Trương Phi và Vương Truy Mã đều đen như nhau. Trương Phi quý ngựa như con, thường xuyên tự tay tắm rửa, chải lông cho ngựa quý.

Ngựa Bạch Long

Được biết đến là một trong “ngũ hổ tướng” của Lưu Bị, hình ảnh Triệu Vân gắn liền với ngựa Bạch Long. Bạch Long Mã là con ngựa đẹp đẽ, dũng mãnh, từng giúp Triệu Tử Long lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Hình ảnh Triệu Vân trong Tam Quốc diễn nghĩa luôn được miêu tả là viên tướng đánh trận dũng mãnh, quả cảm nhưng từ tốn, chắc chắn, không xốc nổi như Trương Phi. Đặc biệt, hình ảnh Triệu Vân nổi bật trong trận Đương Dương Tràng Bản.

Một mình Triệu Vân cưỡi ngựa Bạch Long phá vây hàng vạn quân Tào, chém gãy 2 lá cờ to, giết 50 tướng, đoạt gươm báu Thanh Công - gươm mạ vàng của Tào Tháo, có thể chém gãy các loại binh khí.

Người đời nay vẫn còn lưu truyền bài thơ về việc Triệu Vân cứu chúa trong trận Đương Dương Tràng Bản:

Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng/ Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng/ Xưa nay cứu chúa xông trăm trận/ Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long. 

Ngựa Tuyệt Ảnh

Ngựa Tuyệt Ảnh là thần mã của Tào Tháo. Tuyệt Ảnh nghĩa là đến cái bóng ngựa cũng không đuổi kịp, tên Tuyệt Ảnh nhằm nhấn mạnh đặc tính nổi bật nhất của con ngựa, đó là sự thần tốc.

Trong cuộc đời chinh chiến, có lần Tào Tháo gặp nguy biến, bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp nhưng may nhờ có ngựa Tuyệt Ảnh mà thoát hiểm. Ngựa Tuyệt Ảnh cũng là một con ngựa rất mực trung thành, vì chủ nhân mà sẵn sàng bỏ mạng.

Tương truyền nó bị trúng ba mũi tên trên mình nhưng vẫn gắng sức phi nước đại, giúp chủ thoát nguy nan, chỉ tới khi bị trúng thêm một mũi tên vào mắt, Tuyệt Ảnh mới gục ngã.

Ngựa Ô Truy

Ngưa Ô Truy của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là con chiến mã lông đen tuyền, to lớn, dũng mãnh. Khi Hạng Vũ bại trận dưới tay Hán Vương Lưu Bang, Hạng Vũ đã dùng kiếm tự sát bên dòng sông Ô Giang. 

Khi thấy chủ nhân tự sát, ngựa Ô Truy cũng nhảy xuống sông chết theo. Người đời sau vẫn nhắc về ngựa Ô Truy như một biểu tượng đẹp của lòng trung thành.

Ngựa Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử

Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử toàn thân lông trắng như tuyết, ở cổ có một hàng lông dày, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy. Buổi tối, lông ngựa còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. 

Con ngựa này từng được nhắc tới trong tiểu thuyết Thủy Hử, nó chính là lý do dẫn đến trận đánh Tăng Đầu thị của quân Lương Sơn Bạc.

Ngựa Bạch Long

Hình ảnh ngựa trắng thường trở đi trở lại trong sử sách, tiểu thuyết của Trung Quốc. Ở trên, ta đã thấy có ngựa Bạch Long của Triệu Vân thời Tam Quốc, ở đây, lại thấy thêm ngựa Bạch Long của Đường Tam Tạng trong “Tây Du Ký”.

Trong truyện, Đường Tăng cưỡi ngựa cùng các đồ đệ đi Tây Thiên thỉnh kinh. Một lần, thầy trò Đường Tăng gặp một con rồng trắng, chính là Thái tử Ngao Nhuận của Long Vương Tây Hải. Đang lúc bụng đói, rồng trắng liền ăn thịt con ngựa của Đường Tăng. Quá tức giận, Tôn Ngộ Không định ra tay giết chết con rồng.

Ngay lúc ấy, Bồ Tát hiện ra can ngăn. Người liền hóa con rồng thành một chú ngựa trắng và gọi nó là Bạch Long. Kể từ đó, để đền tội, ngựa Bạch Long chở Đường Tăng đi thỉnh kinh và sau này cũng tu thành chính quả.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ