Nhà văn Kim Lân: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”

GD&TĐ - Kim Lân là nhà văn của làng. Tôi luôn nghĩ vậy khi nhớ về ông. Sự nghiệp văn học của nhà văn Kim Lân không đồ sộ nhưng lại rất đặc sắc và khó trộn lẫn.

Nhà văn Kim Lân trong vai Lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.
Nhà văn Kim Lân trong vai Lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Ông là mẫu nhà văn của “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (quý ở sự tinh, chứ không quý ở sự nhiều). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, “chỉ với ba truyện “Vợ nhặt”, “Làng”, “Con chó xấu xí”, nhà văn Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam”. 

Hướng về những người nghèo khó

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1920 tại thôn Phù Lưu (còn có tên gọi làng chợ Giầu), xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Là con của người vợ lẽ, cuộc sống của chàng trai Nguyễn Văn Tài có nhiều mặc cảm, khó khăn từ nhỏ. Sở dĩ khi bước vào “trường văn trận bút” ông chọn bút Kim Lân, là bởi từ khi còn trẻ đã rất mê tuồng.

Trong vở tuồng “Sơn Hậu” ông mê nhân vật Đổng Kim Lân nên đã lấy bút danh là “Kim Lân” để ký tên dưới các tác phẩm văn chương.

Nhà nghèo, hồi nhỏ cậu bé Tài chỉ học đến lớp nhất, rồi phải đi phụ việc kiếm sống. Trước Cách mạng tháng Tám, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tài đã nhiều năm phải sống lăn lóc trong cảnh đói nghèo. Và chính cuộc sống cần lao ấy đã bồi đắp nguồn chất liệu đi vào những trang văn của nhà văn Kim Lân sau này.

Nhưng động lực nào để khiến “đứa con người vợ lẽ” như Kim Lân trở thành một nhà văn? Sinh thời, ông từng giải thích: “Mới đầu thì người ta thích tiếng, muốn mọi người biết đến mình. Tôi cũng vậy. Là con một người vợ lẽ, nhà nghèo, tôi làm thợ sơn guốc, ít học, đang học dở dang thì bỏ.

Tôi thấy bạn bè tài năng không hơn gì mình, nhưng là con nhà giàu, có điều kiện học hành tử tế, làm chuyện này chuyện nọ, cuộc sống khá tử tế. Còn tôi nếu cứ mãi làm anh thợ sơn guốc ở làng thì khổ thật, chết thật, tủi cho thân phận mình quá. Tôi đâm tự ái. Tôi muốn phải làm cái gì đó được như họ, hay hơn họ, nên tôi thử bắt tay ngồi viết”.

Đầu những năm 40 của thế kỷ 20, Kim Lân bắt đầu được in những truyện ngắn đầu tiên. Hồi đó, các tác phẩm của ông như “Đứa con người vợ lẽ”, “Đứa con người cô đầu”, “Người kép già”, “Chó săn”, “Con mã mái”… đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc Chủ nhật nhận được sự chú ý của bạn đọc, bạn viết.

Đến năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Cũng từ đấy, cái tên Kim Lân nổi bật trên văn đàn với một giọng văn chỉn chu mà sắc bén, với những đề tài giản dị nhưng ộc đáo như tái hiện những  nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa thôn quê - đấu vật, chọi gà, thả chim, những chuyện vui buồn sau lũy tre làng...

Bằng những tác phẩm như “Vợ nhặt”, “Làng”, “Con chó xấu xí”, “Nên vợ nên chồng”, nhà văn Kim Lân thật sự khẳng định tài năng văn chương của mình. Những tác phẩm đi sâu vào khắc họa những số phận thiệt thòi, những kiếp người cùng khổ ấy đã sớm đưa Kim Lân trở thành một trong những tên tuổi không thể không nhắc đến trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Viết từ những điều gan ruột

Nhà văn Kim Lân.
Nhà văn Kim Lân.

Tinh ý, đọc tác phẩm của Kim Lân thấy bóng dáng của ông, của gia đình, và làng quê nơi ông sinh ra, lớn lên, chứng kiến những kiếp sống lầm than. Chính Kim Lân cũng từng thừa nhận, “truyện “Làng” tôi viết về làng Chợ Giầu, nhưng chẳng có ai là Lão Hai cả.

Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình. Từ tình cảm đến lời ăn tiếng nói, tính nết, cách xử sự việc đời của nhân vật, đều chính là mình”. Hay trong tuyện ngắn đầu tay “Đứa con người vợ lẽ”, nhà văn Kim Lân cũng phản ánh chính nỗi cơ cực tủi hờn của mẹ con mình.

Có lần, nhà văn kể: “Mẹ tôi là vợ ba của bố tôi, lại là dân ngụ cư quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi. Cho nên mẹ bị gia đình chồng hết sức coi thường. Mẹ phải hầu hạ như một vú em trong nhà. Không ai xem mẹ là vợ của bố cả! Những người con hai bà lớn của bố tôi đều gọi mẹ tôi là “chị Tam”.

Hồi nhỏ, tôi cứ đinh ninh Tam là tên thật của mẹ, chứ không hề biết do mẹ tôi là bà Ba. Sau Cách mạng tháng Tám, tôi mới biết mẹ tên là Náng (ông ngoại tôi tên Nếnh), còn dì tôi tên Mủng. Dì Mủng cũng chính là nhân vật dì Hân trong truyện “Người chú dượng” của tôi. Nếnh, Náng, Mủng - chỉ cái tên thôi cũng thấy cái thân phận thấp hèn, trôi nổi của dân ngụ cư lúc đó”.

Lại một lần khác, ông tâm sự: “Theo kinh nghiệm của tôi, những chuyện thật mà tôi ghi lại được thì đều nhạt nhẽo và khô cứng. Nhưng sự thật cũng có giá trị của sự thật, rất giá trị, rất cần thiết nữa.

Tất cả những truyện “Vợ nhặt”, “Ông lão hàng xóm”, “Con chó xấu xí” đều dựa trên cái nền là sự thật. Còn những truyện khác, kể cả Làng, hầu hết là tôi bịa. Bịa cả nhân vật lẫn tình tiết. Bởi không có sự thật nào như thế cả. Nhưng cái bịa ấy là cái điều mà chính tác giả muốn nói. Và chính tác giả muốn nói nên mới sinh ra cái bịa. Gọi là bịa chứ kỳ thực chính là sáng tạo”.

Tuy nhiên, với truyện ngắn “Vợ nhặt”, ông lại để lại dấu ấn trong văn học Việt Nam. Tác phẩm này được chọn trích giảng dạy trong sách giáo khoa.

Về tác phẩm này, nhà văn có lần chia sẻ: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác.

Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Dường như Kim Lân ý thức được mình từ rất sớm. Ông biết rõ cái tạng của mình. Ông suy nghĩ nhiều, ý tưởng nhiều, nhưng viết ra thì hình như có một trở lực nào đó. Cũng còn bởi, ông là người kỹ lưỡng với chữ và chỉ viết từ gan ruột, không chấp nhận sự giả tạo trong văn học. Thành thử, người ta thấy Kim Lân “gác bút” từ khá sớm, quãng sau năm 1960. Khi đó ông mới vào tuổi 40 sung sức.

Nhiều người lấy làm lạ, vì sự dừng lại này. Bởi người ta vẫn nghĩ, với nghệ thuật viết truyện bậc thầy như Kim Lân, thì cứ viết kiểu gì cũng sẽ có thêm những tác phẩm mới, làm dày dặn lên, đồ sộ lên sự nghiệp văn chương đã “trót” theo đuổi.

Đúng là bây giờ, nhìn lại những tác phẩm của nhà văn Kim Lân người ta thấy không đồ sộ. Ngoài những tác phẩm “cho người lớn”, ông có viết một ít truyện cho thiếu nhi, và một số bài viết về bạn văn, nghề văn. Nhưng Kim Lân là vậy. Khi đã lên tới đỉnh của mình, ông biết nên dừng lại.

Văn chương có cố cũng chỉ thêm những tác phẩm xoàng. M.Gorki cũng từng bảo: “Dấu hiệu của một tài năng còn ở chỗ anh ta đã biết dừng lại đúng lúc”.

Còn với nhà văn Kim Lân, ông quan niệm: “Lắm lúc tôi thấy văn chương là một thứ đạo, đạo làm người, như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo nào cũng đòi hỏi sự thương yêu giữa con người với con người, đòi con người có quyền làm người, bình đẳng, tự do, bác ái.

Mỗi người truyền một cách, nhưng cuối cùng con người vẫn thương yêu nhau và làm cho con người có tư cách, có nhân phẩm, tài năng để đánh giá đúng và chống lại bạo ngược, cường quyền, áp bức. Cũng như các ngành nghệ thuật khác, văn chương còn là một thứ giải trí. Làm cho người ta vui thích, yêu đời, thư giãn sau những mệt mỏi, như thế cũng là ích lợi, là nhân văn cho người thưởng thức”.

... và những vai diễn điện ảnh để đời

Nhà văn Kim Lân với con trai – họa sĩ Thành Chương.
Nhà văn Kim Lân với con trai – họa sĩ Thành Chương.

Đã 13 năm sau ngày nhà văn Kim Lân rời cõi thế, nhưng mỗi lần đi qua xóm Hạ Hồi ở Hà Nội, tôi lại nhớ về hình ảnh nhà văn Kim Lân ngồi bó gối bên bàn nước trong căn nhà ở số 6.

Ông ngồi đó, lặng lẽ bên ấm trà và những chậu cây, chậu hoa. Sinh thời, Kim Lân thích trồng những cây nhỏ quanh nhà. Có thời gian ông cũng tìm thú vui cùng chơi với mấy con cá nhỏ. Bên bộ bàn ghế gỗ, Kim Lân ngồi đó nhìn thời gian trôi. Và thi thoảng, ông lại đón những bạn văn, bạn viết gần xa.

Nhiều sinh viên, hoặc các cây bút trẻ cũng tìm tới ông để hỏi chuyện. Những lúc như thế, con người trầm tư trong ông đổi khác, ông sôi nổi hẳn lên. Ông kể chuyện văn, chuyện đời.

Ông ít khuyên răn dạy bảo người khác, vì ông luôn tâm niệm, viết là việc của mỗi người, khó mà răn dạy ai được. Nhưng những chuyện của mình thì ông không giấu mà thường cởi mở chia sẻ với sự thân ái, dễ gần.

Trong dòng ký ức ấy, nhiều lần, tôi thích nghe ông kể về những vai diễn điện ảnh mà ông từng tham gia. Có lẽ, trong giới nhà văn, ít ai để lại dấu ấn của mình đậm nét trên phim như nhà văn của “Làng”.

Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn nhớ tới nhà văn Kim Lân qua những vai diễn ấn tượng, đó là lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”, Lão Pẩu trong phim “Con Vá”, Bủ vả trong phim “Vợ chồng A Phủ”, Cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”… Ở vai diễn nào, người xem cũng thấy Kim Lân hóa thân thật xuất sắc.

Những người thân trong gia đình nhà văn kể lại rằng, ngày ấy, khi nhận vai nào, về nhà ông đều đọc rất kỹ kịch bản, rồi đứng trước gương để luyện tập trước hàng giờ.

Cảm nhận về diễn viên Kim Lân tài năng, ở một góc độ khác, theo họa sĩ Nguyễn Thị Hiền – con gái nhà văn Kim Lân: “Sở dĩ thầy tôi vào phim đạt như vậy là bởi, từ khi còn thanh niên, thầy đã là “cây” văn nghệ của làng, từ vẽ tranh, nặn tượng, cho đến lập nhóm diễn kịch.

Hồi ấy, bác Hoàng Cầm có viết một vở kịch và được dựng diễn ở Nhà hát Lớn. Thầy tôi được bác giao cho một vai nhỏ trong đó. Lúc diễn, thầy tự sáng chế ra kiểu đi lùi từ cánh gà ra sân khấu, làm ai cũng bất ngờ. Kiểu sáng tạo ngoài kịch bản nhưng lại rất hiệu quả, khiến khán phòng vỗ tay giòn giã”.

Nhà văn Kim Lân qua đời ngày 20/7/2007 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hen suyễn, hưởng thọ 87 tuổi.
Với những đóng góp cho sự nghiệp văn học, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Nếu không có gì thay đổi, vào tháng 10 tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Kim Lân.
Bên cạnh đó, các con của nhà văn cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động như ra mắt sách, chiếu phim tư liệu, chiếu trích đoạn các vai diễn để đời mà nhà văn Kim Lân đã đóng.
Ngoài ra, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng dự định sẽ bày triển lãm “Chân dung bạn bè và những người cùng thời +++”, trong đó có những người bạn của cha mình như nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.