Ngọt ngào tiếng hát Sọong cô

GD&TĐ - Sọong cô là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân tộc Sán Dìu (xã Bình Dân, huyện đảo Vân Đồn - Quảng Ninh).

Sọong cô được người Sán Dìu gìn giữ phát triển.
Sọong cô được người Sán Dìu gìn giữ phát triển.

Lời ca và giai điệu Soọng cô mềm dẻo, ngọt ngào, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát.

“Xã Bình Dân, huyện đảo Cô Tô có món ăn tinh thần vô cùng ý nghĩa. Đó là tiếng hát Sọong cô của đồng bào Sán Dìu”, một cán bộ văn phòng UBND huyện đảo Cô Tô tự tin giới thiệu về nét đẹp văn hóa của người dân địa phương mình như vậy.

“Đặc sản” tinh thần

Người Sán Dìu có thể Sọong cô mọi lúc mọi nơi.
Người Sán Dìu có thể Sọong cô mọi lúc mọi nơi.

Bình Dân là xã nghèo của huyện đảo Cô Tô, có đến 98% dân số là người Sán Dìu. Ở Bình Dân, người dân tộc Kinh là thiểu số, vì vậy trong công tác, giao tiếp hàng ngày người dân địa phương thường nói tiếng của dân tộc mình.

Chị Từ Thị Dần, cán bộ văn hóa xã Bình Dân cho hay, người Sán Dìu tự hào mình có tiếng hát Sọong cô, họ hân hoan kể về điệu hát của dân tộc mình. Nam thanh, nữ tú ngày xưa nên vợ nên chồng cũng ở điệu hát Sọong. Ai hát Sọong giỏi thì người đó sẽ lấy được vợ đẹp. Thậm chí, đến ngày cưới hỏi, sính lễ đầy đủ nhưng nhà trai không Sọong lại được nhà gái thì sẽ chịu ra về.

Theo tiếng Sán Dìu, Sọong nghĩa là xướng, cô nghĩa là ca. Sọong cô là một loại hình văn hóa dân gian truyền miệng đến nay, đồng bào Sán Dìu không còn nhớ nổi điệu hát có từ bao giờ. Chỉ biết rằng trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện từ thuở trời đất còn gần nhau, có một làng quê rất trù phú.

Một hôm nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ người Sán Dìu chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai nên họ đành lấy nhau, sinh nhiều con.

Sau này, những người con Sán Dìu lớn lên, đến tuổi dựng vợ gả chồng, nhưng họ không thể lấy nhau vì mối quan hệ cận huyết nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động, họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Điệu hát Sọong cô ra đời từ đó.

Gắn với đời sống, sinh hoạt của người Sán Dìu, Sọong cô không chỉ là những câu hát giao duyên mà những điệu hát đối ấy có ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.

Những lời ca vang lên thể hiện tinh thần lạc quan, yêu lao động, hăng say trong sản xuất đời sống, thể hiện nếp sống, sinh hoạt văn hóa, những phong tục, tập quán cộng đồng dân tộc Sán Dìu. Họ làm quen với nhau từ những câu giao tiếp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đến những câu chuyện trong cuộc sống. Với những lời ca mộc mạc do người hát tự sáng tác theo thể “thất ngôn tứ tuyệt” nội dung Sọong cô như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mọi hoạt động của người Sán Dìu.

Anh Liêu Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Bình Dân cho biết: “Tiếng hát Sọong cô tại xã Bình Dân có từ lâu lắm rồi, trải qua tầng tầng, lớp lớp các thế hệ cha ông truyền miệng lại cho con cháu qua lời ru, tiếng hát trong những dịp quan trọng của đồng bào như: Cưới hỏi, lễ hội, nhà mới…. Thế hệ sau tiếp nối truyền thống thế hệ trước nên cũng không ai biết được cụ thể tiếng hát có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là nét đẹp tinh thần của người Sán Dìu cần lưu giữ, phát triển”.

Đẹp từ lời ca đến ý nghĩa

Người dân hát Sọong cô trong dịp cưới hỏi để thể hiện tài năng.
 Người dân hát Sọong cô trong dịp cưới hỏi để thể hiện tài năng.

Anh Trương Văn Dưỡng - Phó Chủ nhiệm CLB Sọong cô xã Bình Dân chia sẻ, Sọong cô có nội dung rất phong phú. Không chỉ là những câu hát làm quen, giao duyên, cưới hỏi, lên nhà mới, mà còn đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Sán Dìu. Người hiểu biết, giàu vốn sống, giỏi đối đáp và linh hoạt ứng biến mới có thể Sọong cô được. Bởi Sọong cô là hát đối, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ 2.

Vào dịp lễ hội, cuộc Soọng cô có thể kéo dài 5 - 7 ngày, có khi tới 15 ngày, từ làng này qua làng khác, cuộc vui không chỉ của một gia đình mà của cả làng, cả xóm đậm chất cộng đồng. Trình tự cuộc hát thường bắt đầu từ “hát làm quen”, đến “hát chào hỏi”, “hát mời nhau uống nước, ăn trầu”, “hát tâm tình đôi bên nam nữ”, “hát sang canh gà gáy”, “hát chia tay”.

Cứ như vậy, cuộc hát đối đáp đến nửa đêm thì ông bà chủ nhà lại dọn cơm ra mời những người tham gia hát cùng ăn. Chủ khách chúc rượu nhau vui vẻ, rồi cuộc vui lại tiếp tục đến sáng.

Chị Từ Thị Sinh, hội viên CLB Sọong cô xã Bình Dân cho hay: “Có bà là nghệ nhân dân gian, được bà truyền dạy nhưng thế hệ con cháu đi sau cũng phải miệt mài học thì mới tiếp thu được một phần nét đẹp của làn điệu Sọong. Cái đặc biệt ở Sọong cô dùng nhiều từ cổ, nên hát rất khó. Vì vậy những ai muốn theo đuổi điệu hát phải thực sự rất đam mê. Có khi chỉ 4 câu nhưng được ngân lên cả một buổi”.

Anh Liêu Văn Dũng chia sẻ: “Nếu ngân nga như các cụ thì một câu thơ có thể ngân nga từ 15 đến 17 phút. Chất giọng ê a của Sọong cô là ngân dài. Chỉ một chữ thôi nhưng có thể ngân dài 2 - 3 phút, thậm chí đến 5 phút. Cả buổi ngồi ê a đến 9, 10 giờ tối với 3 dòng nên trai gái khi xưa tán tỉnh nhau có sức Sọong được cả đêm cả ngày, thậm chí mất mấy ngày mấy đêm”. 

Cần được bảo tồn

Tình yêu lao động qua điệu Sọong.
Tình yêu lao động qua điệu Sọong.

Kể về Sọong cô ánh mắt anh Trương Văn Dưỡng sáng lên vẻ tự hào. Anh Dưỡng kể rằng, Sọong giỏi chỉ có các cụ già, còn tuổi thanh niên như các anh cũng không nhiều người biết đến điệu hát này. Nhưng may mắn gia đình anh có mẹ thân sinh là nghệ nhân dân gian nên từ nhỏ Sọong cô đã ngấm vào tâm hồn anh từ những câu hát ru êm đềm. Vì vậy, anh Dưỡng hát Sọong rất hay.

Trước sự giao thoa văn hóa trong đời sống hiện đại, nhiều loại hình văn hóa mới du nhập, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu ít nhiều việc bị ảnh hưởng.

Ông Lương Văn Bằng - Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Cô Tô chia sẻ: Để bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của người Sán Dìu trong đó có điệu hát Soọng cô, các cấp, ngành địa phương cùng cộng đồng người Sán Dìu đã triển khai nhiều giải pháp như: Thành lập CLB Sọong cô, tích cực truyền dạy và thực hành làn điệu Soọng cô trong cộng đồng địa phương; quảng bá, tôn vinh giá trị của Sọong cô với bạn bè trong nước và quốc tế qua các lễ hội lớn. 

CLB hát Sọong cô được thành lập năm 2009, chính thức ra mắt năm 2015 với 25 hội viên. Chủ nhiệm CLB là bà Từ Thị Kém, một nghệ nhân dân gian. Đến nay, CBL phát triển thêm nhiều thành viên, trong đó có cả những thành viên nhỏ tuổi đang là học sinh.

Theo lộ trình bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Bình Dân phấn đấu đến năm 2022 mỗi thôn thành lập được một CLB Sọong cô với phương châm từng bước trẻ hóa thành viên CLB. Trên cơ sở đó từng bước đánh giá, thống kê, lập danh sách các thành viên CLB đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Anh Trương Văn Dưỡng chia sẻ thêm, hằng năm, CLB đều tổ chức các các lớp truyền dạy, giao lưu tạo môi trường, không gian cho các hội viên, nghệ nhân thực hành, biểu diễn. CLB cũng thường xuyên giao lưu với các CLB Sọong cô các tỉnh khác như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Đồng thời đón các CLB tỉnh bạn về giao lưu tại xã Bình Dân.

Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của làn điệu dân ca đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, trong các sự kiện lớn của tỉnh Quảng Ninh, các dịp lễ, Tết điệu hát Sọong lại được ngân lên ngọt ngào.

Sọong cô là tiếng hát của người lao động, vì vậy, ngôn ngữ trong Sọong cô có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Ngôn từ của Sọong cô sử dụng từ tượng hình, tượng thanh khá phong phú và hấp dẫn. Đây là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ; lời ca và giai điệu Sọong cô mềm dẻo, ngọt ngào, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ