Nghệ sĩ trẻ và căn tính sáng tạo khi “nghịch”

GD&TĐ - Với 125 tác phẩm của 103 tác giả trẻ từ khắp mọi miền đất nước sẽ mang đến một sân chơi nghệ thuật đầy sống động và ý nghĩa, giữa thời điểm biến động do đại dịch Covid-19.

Không gian triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì?”.
Không gian triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì?”.

Tất cả hội tụ trong một triển lãm mang tên “Chúng ta đang nghịch gì?”. Nghịch – nhưng đó là một trải nghiệm với những triết lý sống thể hiện cá tính sáng tạo. Triển lãm bắt đầu mở cửa từ ngày 25/6 cho đến hết 25/7 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội).

Kết nối sáng tạo

Đại diện CLB Nghệ sĩ Trẻ – Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Anh nói rằng, triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì?” được lấy cảm hứng dựa trên tựa sách nổi tiếng và đầy quen thuộc với các bạn trẻ Việt Nam - “Bạn đang nghịch gì với đời mình” của Jiddu Krishnamurti, một triết gia nổi tiếng Ấn Độ theo chủ đề bản chất tư duy. Ông đã tạo niềm cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều người trẻ trên khắp thế giới.

Dự án nghệ thuật “Chúng ta đang nghịch gì?” do CLB Nghệ sĩ trẻ dưới sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã kêu gọi tìm kiếm, giao lưu, kết nối sáng tạo giữa các nghệ sĩ trẻ với nhau. Họ hi vọng sẽ mang đến cho công chúng một sân chơi nghệ thuật trẻ trung, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật và văn hóa Việt Nam.

Đại diện CLB Nghệ sĩ trẻ cho hay, “nghịch” nói về cách chúng ta tự lắng nghe, tự thấu hiểu mình, và cách chúng ta hành xử với cuộc đời của chính bản thân. Thông qua cách biểu hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, triển lãm là tiếng nói cá nhân về đời sống, tư tưởng cũng như câu chuyện mà giới trẻ đang quan tâm.

Từ khi khởi động dự án, sau 105 ngày kêu gọi, Ban tổ chức nhận được trên 165 tác phẩm gửi đến. Đáng chú ý, trong số các nghệ sĩ trẻ gửi tác phẩm tham dự có cả những du học sinh ở nước ngoài, những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ không coi “nghịch” theo cách hiểu thông thường, mà “nghịch” theo nghĩa sáng tạo đầy thú vị mang căn tính nghệ thuật.

Có những tác phẩm rất bộc trực, chân thật mang màu sắc cuộc sống như: “Những cái cây trong chậu” của Triệu Phương, “Trong vườn hoa Hàng Trống” của Hoài Giang và Nguyễn Trang. Nhưng cũng có tác phẩm thể hiện rất đỗi ưu tư, sâu lắng của người trẻ có thể thấy ở bộ ba “Bản ngã ảo vọng”, “Nguyên sinh” và “Lụi tàn” của Vũ Tuấn Việt.

Mặt khác, lại có những chiều ý niệm sâu sắc từ tác phẩm “Tâm vạn chúng sinh” của Lại Minh Huyên, “Khoảng không giữa chúng ta” của Lê Yến Nhi, “Trong nhân gian” của Hoàng Tiến Quyết, hay tác phẩm “Nguồn” của nhóm The Art Gang.

“Niềm tin vào tương lai” – một tác phẩm đề cập tới chủ đề dịch Covid-19 của Đỗ Tiến Thịnh.

“Niềm tin vào tương lai” – một tác phẩm đề cập tới chủ đề dịch Covid-19 của Đỗ Tiến Thịnh.

“Nghịch” để trưởng thành

“Dù là nghệ sĩ trẻ hay đang là những sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, thì những tác phẩm trong triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì?” thể hiện rõ cá tính sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ là một sân chơi văn hóa, những nghệ sĩ qua sự giao lưu có thể bồi đắp thêm kiến thức và định hình cho mình một lối đi riêng trên con đường nghệ thuật” – Họa sĩ Lê Anh.

Họa sĩ Lê Anh cho biết, triển lãm cũng có sự tham gia của các gương mặt nghệ sĩ trẻ quen thuộc như: Phạm Đình Tiến, Phạm Anh, Tử Mộc Trà, Đinh Duy Tôn, Vàng Hải Hưng, Cấn Văn Ân cùng một số gương mặt nhiều triển vọng như: Khương Quyền, Nguyễn Ngọc Long, Kim Ngân, Dương Nguyên, Đào Đức Lộc, Trần Thị Thu Thảo, và Lê Nhật Anh, Nguyễn Hải Linh.

Sau cùng, “Chúng ta đang nghịch gì?” là sự phản hồi đầy sáng tạo, tươi mới từ thể loại tới hình thức biểu hiện, từ truyền thống như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, sắp đặt tới hiện đại như đồ họa, đa phương tiện và video nghệ thuật. Đây chính là câu trả lời tích cực từ lớp trẻ đầy tài năng với nền nghệ thuật đương đại nước nhà.

Họa sĩ trẻ Vũ Tuấn Việt chia sẻ rằng, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là quãng thời gian anh bắt đầu cuộc hành trình nghệ thuật của riêng mình, với nhiều tự do và đam mê riêng hơn. Sự tự do quá mức ấy làm bản thân anh cô đơn, thể hiện qua gam màu lạnh với những đường nét sắc nhọn đầy gai góc của tuổi trưởng thành.

“Tôi đi tiếp một năm với trăn trở về cô đơn - tự do và về trải nghiệm - hành trình. Trải nghiệm là thứ ta muốn nhận được. Còn hành trình, với những điều ta không đoán biết trước, lại sẽ cho ta biết ta xứng đáng với điều gì. Tôi chọn hành trình mới, với hành trang là những trải nghiệm, vẽ lại với sự trân trọng và biết ơn sau những lãng quên từng có”, Vũ Tuấn Việt cho biết.

Theo nghệ sĩ trẻ, việc theo đuổi những góc khuất trong tâm tưởng của xã hội hiện tại, bằng những cảm xúc trải nghiệm của cuộc sống giúp họ lựa chọn cho mình ngôn ngữ biểu đạt được rõ ràng hơn cả về ý đồ cảm giác.

Như ngôn ngữ lập thể - những cấu trúc không gian cũng hình khối giúp nghệ sĩ phân chia rõ ràng hơn về sự đan xen giữa các mảnh ghép nhịp điệu thời gian, mà họ có thể cảm nhận được.

Và có lẽ, càng “nghịch” càng trưởng thành, càng “nghịch” càng đam mê và tìm ra hướng đi mới trong sáng tạo. Công chúng có thể nhìn vào “Bản ngã ảo vọng” để thấy tác phẩm biểu đạt cho ý niệm quyền lực - sắc đẹp và tuổi trẻ.

Chính giữa bức tranh – nhân vật trung tâm là sự xuất hiện của một nữ hoàng với vẻ mặt đầy “kênh kiệu”. Xung quanh là những nhân vật đang thèm khát sắc đẹp mà tuổi trẻ mang lại. Nhưng đôi lúc ngẫm nghĩ, liệu cô gái trẻ đẹp có đang tự nhốt mình trong vỏ bọc đó không?

“Tôi mang đến những tác phẩm với một cái nhìn nhẹ nhàng hơn của sự trưởng thành. Một cái nhìn của sự chiêm nghiệm về thế giới với dòng chảy của thời gian ở mỗi cung bậc tuổi tác khác nhau”, họa sĩ Vũ Tuấn Việt cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ