Nghệ nhân Thạch Đường, “linh hồn” âm nhạc truyền thống Khmer

GD&TĐ - Trong cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ, tên tuổi nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Thạch Đường gắn liền với việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị độc đáo, đặc sắc của văn hóa phi vật thể. Ông được xem là “linh hồn” của những ban nhạc Khmer truyền thống ở Tam Bình (Vĩnh Long).

NSƯT Thạch Đường (thứ hai từ trái sang) tập đàn cùng ban nhạc.
NSƯT Thạch Đường (thứ hai từ trái sang) tập đàn cùng ban nhạc.

Tầm sư học đàn

NNƯT Thạch Đường sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có đông đồng bào Khmer sinh sống từ lâu đời: ấp Kỳ Sơn, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Vốn là người say mê đàn hát nên ngay từ nhỏ ông đã bị những điệu múa, vở diễn, bài hát mang âm hưởng dân gian truyền thống Khmer Nam bộ như răm vông (lâm thôn), rô băm, à dây, dù kê, dì kê… thu hút, mê hoặc.

Sau năm 1975, ông tìm đến nhà nghệ nhân Thạch Che, một bậc thầy nổi tiếng về ngón đàn cò, thọ giáo với ước mong trở thành người chơi thuần thục các loại đàn trong dàn nhạc truyền thống của dân tộc Khmer.

Nhưng ông chỉ học được một năm thì thầy Thạch Che lâm bệnh qua đời. Sau khi tiễn biệt người thầy về nơi an nghỉ cuối cùng, ông tìm tới các nghệ nhân nổi danh khác trong vùng để tiếp tục học đàn cò và đàn gáo với quyết tâm theo đuổi tới cùng nghiệp đàn hát.

Bằng nỗ lực, niềm đam mê và năng khiếu trời phú cộng với sự tận tình truyền dạy của các nghệ nhân bậc thầy, 4 năm sau, ông Thạch Đường trở thành thành viên dàn nhạc truyền thống Khmer Tam Bình (Vĩnh Long) có khả năng chơi đàn cò, đàn gáo nhuần nhuyễn và giàu cảm xúc.

Theo ông Thạch Đường, đàn cò và đàn gáo là hai loại nhạc cụ truyền thống quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Đối với thể loại hát trữ tình ayay ayang (hát đối đáp, giao duyên nam, nữ), cây đàn cò luôn giữ vai trò chủ đạo và nó được diễn tấu trước để mở màn cho tiết mục; còn cây đàn gáo giữ vai trò phụ đạo để phối âm.

Trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu, dù kê thì ngược lại, cây đàn gáo sẽ giữ vai trò chủ đạo và cây đàn cò giữ vai trò phụ đạo. Từ đặc trưng này, những nghệ nhân muốn biểu diễn thật giỏi, thật hay hai loại hình nghệ thuật à dây (ayay ayang), dù kê thì cần am tường và chơi một cách thuần thục nhuần nhuyễn hai loại nhạc cụ Khmer truyền thống là đàn cò và đàn gáo.

Ông cho biết thêm, trong bộ nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer, ngoài đàn cò, đàn gáo còn có trống cơm, đàn khưm, đàn tà khê, chập chõa, song loan tre…, mỗi một loại nhạc cụ đều có tính năng riêng như đàn khưm có tác dụng giữ âm sắc, tiết tấu; trống cơm giữ nhịp điệu và trường canh; song loan tre giữ nhịp, phối âm…

Khi hòa tấu, tất cả sẽ tạo nên những âm sắc réo rắt, những điệu nhạc tươi vui rộn rã, khơi dậy trong lòng người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, khiến họ như muốn nhảy múa theo điệu nhạc một cách đầy ngẫu hứng.

Nghệ nhân Thạch Đường, “linh hồn” âm nhạc truyền thống Khmer ảnh 1
NNƯT Thạch Đường biểu diễn đàn cò.

Sáng tác mới trên giai điệu truyền thống

Không chỉ là “linh hồn” của dàn nhạc với tài diễn tấu đàn cò và đàn gáo, NNƯT Thạch Đường còn say mê sáng tác âm nhạc, tiểu phẩm mang tính truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Ông là người thổi sức sống mới đầy sáng tạo với những ca từ mang hơi thở của cuộc sống đương đại vào những giai điệu truyền thống, góp phần làm cho nền văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung, âm nhạc nói riêng của đồng bào Khmer Nam Bộ được đa dạng, phong phú hơn, mới mẻ, hấp dẫn công chúng hơn.

Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, ông Thạch Đường đã nghiên cứu, sáng tác, viết lời mới hàng chục ca khúc dựa theo các làn điệu dân ca Khmer Nam Bộ. Ông cho rằng, dân ca của người Khmer Nam Bộ vốn rất phong phú và đã ăn sâu vào tiềm thức, đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người Khmer trong sinh hoạt lễ hội ở từng phum, sóc từ bao đời nay.

Cũng như các cư dân nông nghiệp khác, người Khmer Nam Bộ từ xưa thường tổ chức các lễ hội và trình diễn ca múa nhạc truyền thống. Nhờ đó, các thể loại ca hát mang tính bình dân có cơ hội phát triển mạnh, trong đó có thể loại à dây (ayay ayang) là điệu hát công thức dùng để chuyên chở bất cứ đề tài nào trên giai điệu ngũ cung và cũng là bài hát trụ cột của các gánh hát dù kê.

Đắm mình và dựa trên chất liệu âm hưởng những làn điệu dân ca của dân tộc mình, người nghệ sĩ đã sáng tác những ca khúc với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, tình làng nghĩa xóm… được các nghệ nhân, diễn viên Khmer biểu diễn, đã thu hút đông đảo công chúng yêu thích, đoạt nhiều giải cao trong các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc.

Có thể kể đến các ca khúc như “Vĩnh Long ngày mới”, “Niềm vui ngày hội Dolta”, “Đóa hoa dâng Bác”, “Niềm vui ngày hội vào năm mới”, “Hạnh phúc ngàn năm”… đều đoạt giải Nhất, giải A tại các kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer Nam Bộ. Trong đó ca khúc “Vĩnh Long ngày mới”, viết theo điệu à dây đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng Khmer Nam Bộ, khẳng định “thương hiệu” của NNƯT Thạch Đường.

Đặc biệt, trong khoảng 40 năm gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc mình, ông Thạch Đường đã dốc hết tâm huyết để truyền dạy, đào tạo nhiều thế hệ trẻ Khmer ở Vĩnh Long thành những nghệ nhân tài hoa vừa đàn giỏi, vừa hát hay như: Thạch Thương, Thạch Dũng, Thạch Phi, Thạch Danh, Thạch Dân…

Ông chia sẻ: “Việc truyền dạy những kiến thức âm nhạc, kinh nghiệm biểu diễn của mình cho thế hệ trẻ là cách thức hiệu quả nhất để duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa Việt Nam đa dân tộc”.

Trong bộ nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer, ngoài đàn cò, đàn gáo còn có trống cơm, đàn khưm, đàn tà khê, chập chõa, song loan tre…, mỗi một loại nhạc cụ đều có tính năng riêng như đàn khưm có tác dụng giữ âm sắc, tiết tấu; trống cơm giữ nhịp điệu và trường canh; song loan tre giữ nhịp, phối âm… Khi hòa tấu, tất cả sẽ tạo nên những âm sắc réo rắt, những điệu nhạc tươi vui rộn rã, khơi dậy trong lòng người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, khiến họ như muốn nhảy múa theo điệu nhạc một cách đầy ngẫu hứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ