Cha truyền con nối
Cha của ông Thạch Ca Ri No vốn là một nghệ nhân nổi tiếng về tài chế tác nhạc cụ và mặt nạ truyền thống Khmer Nam bộ nên từ năm lên 6 tuổi, ông Thạch Ca Ri No đã được cha truyền nghề. Ban đầu, ông được cha dạy chế tác các loại nhạc cụ đơn giản như đàn cò, đàn gáo, trống chầu, trống Sa dăm… tới khi đã thạo nghề rồi mới truyền dạy chế tác các loại nhạc cụ cao cấp như đàn Tà kê và dàn ngũ âm. Theo ông, trong cộng đồng Khmer Nam bộ, vẫn có nhiều nghệ nhân chế tác được các loại nhạc cụ truyền thống nhưng để chế tác dàn nhạc ngũ âm - một dàn nhạc đòi hỏi sự công phu và tinh thông trong nghề, thì rất ít nghệ nhân làm được.
Với đôi bàn tay khéo léo tài hoa, khả năng thẩm âm trời phú, dưới sự chỉ dạy của cha, ông Thạch Ca Ri No đã nhanh chóng trở thành một nghệ nhân chế tác nhạc cụ nổi tiếng trong cộng đồng Khmer Nam bộ. Ông đã trải qua những năm tháng học nghề và khổ luyện trong nghề để bắt đầu sự nghiệp từ những loại nhạc cụ đơn giản dễ thực hiện, để rồi trở thành một trong những nghệ nhân nổi danh về chế tác dàn nhạc ngũ âm.
Ông chia sẻ, được cha truyền nghề là một may mắn, còn theo nghề được lâu dài, bền vững hay không, lại đòi hỏi sự đam mê và đầu óc luôn sáng tạo của nghệ nhân. Để biến những khúc gỗ, những thanh sắt vô tri vô giác thành âm thanh bổng, trầm của những nhạc cụ Khmer truyền thống lâu đời là cả một kỳ công.
Ông còn cho biết thêm, nói đến âm nhạc Khmer là phải nói đến dàn nhạc ngũ âm, bởi nhạc cụ này là linh hồn, tinh hoa của cả một nền âm nhạc có truyền thống lâu đời, gắn bó với đồng bào Khmer qua những sự kiện sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các chùa, phum, sóc. Dàn nhạc ngũ âm Khmer gồm 7 nhạc khí, khi diễn tấu tạo ra 5 loại âm thanh khác nhau với tiếng đồng, sắt, gỗ, da và hơi.
Dàn nhạc ngũ âm do ông Thạch Ca Ri No chế tác nhanh chóng trở thành một thương hiệu được cộng đồng Khmer trong và ngoài tỉnh yêu thích bởi chất lượng âm thanh chuẩn, thiết kế kiểu dáng đẹp và độ bền cao.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, thật đúng với ông và gia đình ông hiện thời. Tiếng lành đồn xa, ông nhận được rất nhiều hợp đồng đặt hàng của các cá nhân, nhà chùa, các đội văn nghệ phum, sóc, các đoàn ca múa nhạc Khmer khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nghệ nhân Thạch Ca Ri No với chiếc mặt nạ vừa chế tác
Theo ông để làm được một dàn nhạc ngũ âm đạt chuẩn, có hai loại nhạc khí khó nhất, đó là làm bộ trống và 16 cái cồng nhỏ được chế tác bằng chất liệu đồng nguyên chất...
Hiện nay, trung bình một bộ dàn nhạc ngũ âm có giá từ 75-80 triệu đồng/ bộ. Sau khi trừ các khoản chi phí về nguyên liệu, chi phí thuê mướn nhân công cho một số công đoạn thì tiền lãi mà nhạc cụ, nhất là dàn nhạc ngũ âm mang về không đáng kể.
Theo ông, nghệ nhân chủ yếu lấy công làm lời và làm vì đam mê, muốn giữ nghề gia truyền cũng như góp phần gìn giữ bảo tồn, phát huy tinh hoa nhạc cụ cổ truyền dân tộc Khmer Nam bộ. Với ông, niềm vui, hạnh phúc như được nhân lên gấp bội khi nhìn thấy các nghệ nhân trong cộng đồng Khmer khắp vùng Nam bộ say mê với những loại nhạc cụ do chính gia đình mình chế tác trong mỗi dịp lễ Tết cổ truyền hay trong những đêm hội diễn văn nghệ quần chúng ở các phum, sóc.
Đam mê, yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc mình, từ lâu ông đã thành lập hẳn một đoàn ca múa nhạc lấy tên “Ca Ri No”, với lực lượng nòng cốt là các thành viên trong gia đình gồm 5 người con trai, đều là những nhạc công, nghệ nhân đa năng chơi một cách thuần thục nhiều loại nhạc cụ tự mình chế tác. Ngoài 5 nhạc công, đoàn còn có 3 nữ diễn viên múa, hát xinh đẹp, tài năng đều là cháu nội của nghệ nhân ưu tú Thạch Ca Ri No.
Nhiều năm qua, đoàn ca múa nhạc “Ca Ri No” do nghệ nhân ưu tú Thạch Ca Ri No làm trưởng đoàn cũng đã và đang là một thương hiệu khá nổi tiếng thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật truyền thống Khmer Nam bộ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi phong cách biểu diễn độc đáo, nhạc cụ trình diễn với chất lượng âm thanh tuyệt hảo.