Lương Mạnh Hải: Vẫn “hưởng lộc” từ nghề báo

“Tuy không còn theo nghề báo nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn ít nhiều được “hưởng lộc” từ nghề: Đấy là những kỹ năng “mềm” giúp xử lý khủng hoảng truyền thông, gây dựng các mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ với các nhà báo...”

Lương Mạnh Hải: Vẫn “hưởng lộc” từ nghề báo

Diễn viên Lương Mạnh Hải - người từng bén duyên điện ảnh bắt đầu từ nghề làm báo, chia sẻ với Lao Động, nhân Ngày Nhà báo Việt Nam (21.6).

Kinh nghiệm làm báo là “bảo bối” để tôi đứng trong showbiz

Ngày Nhà báo mà lại ngồi với... một cựu nhà báo bỏ nghề liệu có nên không nhỉ?

- Nên quá đi chứ! Vì thường cái gì mất rồi người ta mới cảm thấy tiếc. Nhưng mà kể ra, tôi bỏ nghề hẳn cũng là vì chính cái “tố chất” này của người làm báo: Luôn muốn tìm kiếm cái mới, muốn thay đổi thực tại... Mà cũng có thể, là do tôi chọn nghề nhưng nghề đã không còn muốn chọn tôi chăng? (cười). 

Nhưng được cái, bỏ nghề mà vẫn không bị mất nghề, may thế chứ! Bởi tuy không còn theo nghề báo nhưng đến giờ, tôi vẫn ít nhiều được “hưởng lộc” từ nghề: Đấy là những kỹ năng mềm giúp xử lý khủng hoảng truyền thông, gây dựng các mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ với các nhà báo... - toàn những “bảo bối” tối cần cho một người của công chúng, cũng là thứ mà không ít nghệ sỹ trẻ hôm nay đang thiếu hụt khi sự nổi tiếng đến quá nhanh.

Đơn cử, mỗi khi đọc một bài phỏng vấn, hay như lúc đang ngồi “hầu chuyện” chị đây, cái “anh nhà báo” từng có trong tôi sẽ giúp tôi có đủ tỉnh táo nhận ra “đồng nghiệp” của mình đang muốn xoay nhân vật theo hướng nào, và thậm chí còn có thể đoán trước một số mẫu câu nhất định để có được sự ứng phó cần thiết... Thế nên, như chị cũng thấy, dù cũng có lúc này lúc khác bị “ném đá” vì vai diễn hay cảnh phim... nhưng tôi gần như chẳng bao giờ để mình vướng phải những tai nạn kiểu “vạ mồm” hay những scandal giật gân, gây sốc... này khác.

Nể nhất Mỹ Tâm tài ứng xử với truyền thông

Hồi giờ có không ít cuộc “xô đũa xô bát” giữa báo chí và nghệ sĩ, đến nỗi có nghệ sỹ đã phải đăng đàn facebook để “phang lại” nhà báo, hoặc lên báo cầu mong “báo chí hãy buông tha tôi”... Theo anh, làm thế nào để dung hòa được mối quan hệ này?

- Tôi nghĩ, nghệ sĩ và nhà báo “ghét” thế chứ “ghét” nữa chắc cũng không bỏ nổi nhau đâu! Bỏ làm sao được mà bỏ, vì nó là thứ quan hệ “cộng sinh” rồi! Thôi thì tốt nhất là “sống cùng với lũ” vậy (cười). Tất nhiên tôi rất thông cảm với tâm trạng của những người nổi tiếng khi họ bị hiểu sai, viết sai..., nhưng một mặt, tôi cũng không thấy những hành xử mà chị vừa nhắc đến là khôn khéo. Ở đâu ra mà có một thứ nghệ sĩ phải lên báo nói cái câu: “Xin báo chí hãy buông tha tôi!” là sao! Ai mà chẳng phải làm nghề. Bạn là nghệ sĩ, bạn tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật thì nhà báo, họ cũng phải săn tin nóng, tin mới chứ, miễn không sai phạm!

Chẳng phải cánh nghệ sĩ chúng ta cũng rất thích buôn chuyện sao, thì báo chí, họ lại càng có nhu cầu “đưa chuyện”, vì nó là thuộc tính làm nghề rồi! Bắt báo chí “buông tha” khác nào bắt một con mèo phải cắt sạch ria mép và “móng vuốt”! Hoặc, lại còn có kiểu lên báo bảo: “Tôi chả có nhu cầu thanh minh, chả cần ai hiểu, ngoài người thân”, trong khi cả bài báo chính là nhằm mục đích thanh minh, không hơn, như thế là thế nào? Lại có người cứ mở miệng ra là chê báo mạng rẻ tiền, hay mở ngoặc “xin lỗi các nhà báo chân chính”, nhưng thế nào là “nhà báo chân chính” thì cũng lại phải bàn! Chẳng nhẽ không nói xấu bạn là “chân chính” sao, và đăng ảnh bạn thì mới là “đắt tiền”?...

- Đã làm nghề này là phải chấp nhận sóng gió dư luận có thể ập tới bất kỳ lúc nào. Hơn nhau chăng là tự bạn phải trang bị cho mình những kinh nghiệm ứng phó với truyền thông sao cho khôn khéo, và tốt nhất là nên xây dựng cho mình một chiến lược phát triển và giữ gìn hình ảnh trong sự thân thiện, hòa đồng với truyền thông, thay vì đối kháng. Có một cái tản văn của cô Khánh Ly mà tôi nghĩ các bạn nghệ sĩ trẻ rất nên đọc, vì kinh nghiệm từ một người mà riêng cuộc đời đi hát đã là 50 năm, từng trải qua những giờ phút vinh quang lẫn “bị ném bùn vào mặt” thì quả thật là vô cùng đáng quý. Trong đó, có một câu khiến tôi rất tâm đắc, đại ý: Đứng trong nghề này thì khó mà tránh khỏi việc người ta bàn tán về mình (dù vào thời cô Khánh Ly, đã làm gì có facebook và báo chí hải ngoại cũng đâu có mấy đâu). Còn về phần mình, thì Khánh Ly nói cô luôn tránh bình phẩm về người khác, vì chắc gì đời mình đã “thơm” hơn...

Trong showbiz Việt, người xử lý khủng hoảng truyền thông mà tôi thấy nể nhất phải nói là Mỹ Tâm. Chê cô ấy chọn váy xấu ư? Chả ảnh hưởng gì hòa bình thế giới! Khen chê là quyền của bạn! Cô ấy cứ “kệ” thế mà đi trong showbiz, nhưng suốt 10 năm làm nghề, dù đứng ở một nơi “nhiều gió” và dễ bị ném đá nhất, vẫn hầu như không để mình vướng phải một scandal nào đáng kể, nếu như không muốn nói là “no scandal”...

MC Quốc Khánh mới đây nói: Độc giả thế nào thì báo chí thế ấy. Anh có nghĩ, đáng ra phải là ngược lại: Báo chí thế nào thì độc giả mới thế chứ, họ được cho gì ăn nấy cơ mà?

- Nói như anh Khánh mới là đúng chứ! Có cung thì mới có cầu. Nếu như bạn không tìm đọc thì báo chí hơi đâu họ viết. Bạn muốn đọc thế cơ mà, ai ép được bạn, sao lại đi chửi báo? Thường ra, đã chửi thì phải lờ đi, đừng có dẫn link nữa, nhưng đây lại vừa chửi vừa phát tán link khắp nơi, khác nào “tiếp tay cho giặc, vẽ đường cho hươu”. Trong cái sự đọc báo bây giờ, nói thật, tôi thấy có nhiều người đạo đức giả quá: Miệng thì cứ kêu rẻ tiền, nhố nhăng, chửi các “lều báo” không ra gì nhưng mắt lại cứ dán chặt vào màn hình máy tính, điện thoại rồi sốt sắng tải link lên facebook và nhấn nút “share” khắp nơi, mong nhận về nhiều lượt like và comment nhất... Thế, thì còn trách ai!

Vậy, cựu nhà báo, anh chọn đọc báo theo cách nào?

- Thay vì chọn cách đọc gián tiếp, thụ động khá phổ biến lúc này (đi theo những đường link được dẫn trên facebook), tôi chọn cách đọc chủ động, trực tiếp click chuột vào những địa chỉ mà tôi thấy tin tưởng về độ nóng, độ chính xác, nghiêm túc...

- Cảm ơn anh và cũng xin chúc mừng anh nhân... Ngày Nhà báo Việt Nam!

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ