Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và bảo vật gần 400 năm

GD&TĐ - Pho tượng chân dung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, được các nhà nghiên cứu đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 17.

Nghệ thuật điêu khắc chân dung hậu Phật thể hiện rõ trong các chi tiết chân dung.
Nghệ thuật điêu khắc chân dung hậu Phật thể hiện rõ trong các chi tiết chân dung.

Dù đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2013, nhưng ít người biết đến pho tượng cũng như một Hoàng Thái hậu lừng lẫy học thuật và nhân đức trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Bảo vật gần 400 năm

Theo tư liệu từ Cục Di sản văn hóa – Bộ VH-TT&DL, khi xưa pho tượng chân dung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được thờ tại chùa Mật Sơn hay còn gọi là Đại Bi tự ở Thanh Hóa.

Theo các tư liệu văn bia, năm 1619, Hoàng tử Lê Duy Kỳ được lập làm vua, lấy hiệu là Lê Thần Tông. Trong một lần về xứ Thanh, ngưỡng mộ cảnh đẹp vùng núi Kỳ Lân, ông đã sai dựng một ngôi chùa cạnh núi và đặt tên chùa là Đại Bi để thờ Phật, thờ mình cùng 6 bà phi.

Tuy nhiên, cũng có tư liệu nói rằng, chùa do vua Lê Huyền Tông cho dựng để thờ vua cha, Hoàng Thái hậu cùng các phi tần của cha. Mỗi pho tượng thể hiện một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi người đúng theo y phục dân tộc.

Năm 1959, 6 pho tượng được rước về đền Nhà Lê - cách chùa Mật Sơn khoảng 1km. Năm 1992, tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày và nghiên cứu, vì đây là pho tượng đặc sắc nhất về nghệ thuật điêu khắc thời Lê - Trịnh.

Tư liệu di sản cho biết, pho tượng có chiều cao 111cm, khuôn mặt 19cm, ngang vai 43cm, ngang 2 đầu gối 67cm, dày thân tượng 45cm. Pho tượng nguyên vẹn với màu sắc và nước sơn nguyên bản từ thế kỷ 17.

Pho tượng được tạc nguyên khối bằng gỗ mít phủ sơn son thếp vàng, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo rõ nét. Tượng mô tả hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọc Trúc trong tư thế chân xếp bằng, một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực.

Theo các nhà nghiên cứu, chiếc vương miện được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều lớp khác nhau: Vành ôm sát đầu chạm vân xoắn, vành thứ hai chạm các cụm sen, vành trên cùng chạm thủng hình hoa sen và vân lửa.

Phía trước trán, đỉnh của vành mũ được chạm hình vòng cung, trong có tượng A-di-đà ngồi tọa thiền. Bên trong vành mũ chạm lối vấn tóc cao trên đỉnh đầu và một tấm che tóc cũng chạm rất cầu kì. Từ dưới mũ là hai dải mũ được chạm vắt mềm mại ra phía trước vai.

Trang phục của pho tượng là loại triều phục cầu kì nhất, với 3 lớp áo trong và một áo Vân Kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng Vân Kiên này được đánh giá là một trong những tấm áo được chạm đẹp nhất với mô típ lưỡng long trước ngực. Áo phía dưới có 3 lớp đính ngọc châu, cổ đeo chuỗi hạt rủ mềm xuống đùi.

Điểm nhấn đặc sắc nhất của pho tượng chính là gương mặt của bà Trịnh Thị Ngọc Trúc tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn.

Cho đến nay chưa có tư liệu nào xác định cụ thể năm tạc tượng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phỏng đoán pho tượng được tạc ngay khi bà Ngọc Trúc còn sống. Hoặc muộn lắm là vào thời điểm năm 1660 – khi bà vừa qua đời. Như vậy, cho đến nay, pho tượng đã được gần 400 năm.

Pho tượng chân dung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.

Pho tượng chân dung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.

Hoàng Thái hậu nhân đức, thông tuệ

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660) là con gái Thanh đô vương Trịnh Tráng. Bà dành thời gian miệt mài vào việc bút nghiên, nên việc hôn nhân đến với bà hơi muộn. Chồng bà là Quận công Lê Trụ thuộc dòng hoàng tộc Lê triều. Sau vì phạm tội bị giam ngục rồi mất.

Đến năm bà 36 tuổi, chúa Trịnh Tráng lại gả bà cho vua Lê Thần Tông. Bà được tấn phong làm Hoàng hậu, xưng danh Hoàng hậu Diệu Viên. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, khi Lê Thần Tông lấy bà Ngọc Trúc, cả triều đình đều can thì ông gạt đi và nói: “Đã trót rồi, lấy gượng vậy”. Bà không có người con nào với Thần Tông, chỉ có người con gái với Quận công Lê Trụ là Lê Thị Ngọc Duyên, được ban phong hiệu Công chúa.

Đương thời, bà là bạn với danh sĩ Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam. Tư liệu còn chép rằng, hai bà thường cùng bàn luận về thơ văn, Phật pháp trong khắp các chùa chiền vùng Kinh Bắc lúc bấy giờ.

Thời điểm chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) khuyến hóa thập phương trùng tu tôn tạo, bà Trịnh Thị Ngọc Trúc đã đóng góp công đức rất nhiều. Hưởng ứng việc làm với bà, cả nhà vua và công chúa cũng hiến ruộng (tư điền) vào chùa làm công quả.

Năm 1643, vua Lê Thần Tông nhường ngôi vua cho Lê Chân Tông (tức Lê Duy Hựu). Vua Chân Tông phong bà Ngọc Trúc là Hoàng Thái hậu, dù không đẻ ra vua. Sau, bà Hoàng Thái hậu cùng Công chúa đến tu và ở hẳn chùa Bút Tháp. Năm 1660, bà mất tại đây.

Linh mục Alexandre de Rodes từng viết về bà Trịnh Thị Ngọc Trúc: “Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Catêrina vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần, cũng như sang trọng về dòng họ”.

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ giỏi thơ phú, bà là người biên soạn cuốn Từ điển Hán - Nôm “Chí Nam Ngọc Âm giải nghĩa” - bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này được diễn giải bằng văn vần, thể lục bát, dài 3.000 câu với 24 nghìn chữ, chia làm 40 chương về thiên văn, địa lý, nhân luận, nhạc cụ, điển lễ…

Tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là tác phẩm được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá là tác phẩm điêu khắc nguyên gốc, độc bản hiếm có về một nhân vật lừng lẫy thế kỷ 17. Pho tượng là đại diện xuất sắc cho phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung hậu Phật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.