Điện ảnh Việt sung sức trở lại sau Covid-19

Điện ảnh Việt sung sức trở lại sau Covid-19

Tùy cơ ứng biến

Đại dịch toàn cầu đã khiến cho ngành công nghiệp điện ảnh phải tính đến các bước thay đổi, trong đó có phát hành phim

online. Tuy nhiên, doanh thu của các bản phim online khó so sánh với lượng vé bán cho khán giả ngoài rạp. Cả những người trong giới chuyên môn lẫn khán giả đều cho rằng, có những giá trị của điện ảnh mà phải trải nghiệm ở không gian rạp chiếu mới có thể "thấm thía" hết được. 

Hiện tại, một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đã mở cửa lại phòng chiếu để khắc phục tâm lý "đói điện ảnh thời kỳ hậu Covid-19", trong đó, các rạp chọn giải pháp đồng loạt chiếu lại các phim bom tấn cũ.

Tại Việt Nam, việc một số hãng công bố lịch chiếu phim từ tháng 5 cho thấy động thái tái khởi động của thị trường phim Việt và phòng vé. Có thể sẽ vẫn phải vừa làm vừa lo, vừa chiếu vừa đong đếm, nhưng đây là việc cần thiết để kéo khán giả quay lại rạp sau một thời gian điện ảnh và rạp chiếu đóng băng. 

Nhiều phim điện ảnh Việt hứa hẹn gây bão trong năm 2020 như Trạng Tí, Thanh Sói, Lật mặt 5… đang tìm đường quay lại rạp. Galaxy là đơn vị đầu tiên tung lịch chiếu mới vào tháng 5 và 6 của các phim phải hoãn trước đây. 

Các phim Việt như Truyền thuyết về Quán Tiên chiếu ngày 22/5 (lịch cũ 30/4), Tôi là não cá vàng chiếu ngày 5/6. Cũng trong tháng 3 và 4, một số phim tung hình ảnh, poster, thông tin quảng bá để chuẩn bị ra rạp như Bằng chứng vô hình (ra rạp ngày 10/7).

Nổi bật trong số những phim ra rạp sau Covid-19 phải kể đến Truyền thuyết về Quán Tiên. Hấp dẫn không kém là phim Ròm (ra rạp ngày 31/7). Sau hành trình dài gian truân, dự án điện ảnh Ròm rốt cuộc cũng có thể ra mắt khán giả nước nhà. Tác phẩm được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn 16 giờ 30 (2012). 

Năm 2019, Ròm đã giành giải New Currents tại Liên hoan Phim quốc tế Busan. Phim xoay quanh những thân phận nghèo tại một chung cư đang chờ giải tỏa ở TPHCM. Họ đều vướng vào những tệ nạn, đặc biệt là lô đề, với mong muốn kiếm một khoản tiền lớn để đổi đời.

Một bộ phim khác cũng nhận được sự quan tâm lớn chính là Bằng chứng vô hình (ra rạp 10/7). Đây là tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sau Thưa mẹ con đi (2019). 

Phim được làm lại từ Blind (2011) của điện ảnh Hàn Quốc. Tác phẩm xoay quanh Thu (diễn viên Phương Anh Đào đóng) - nhân chứng duy nhất của một vụ giết người hàng loạt. Nhưng do là người khiếm thị, cô không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục nhằm buộc tội hung thủ. Đồng thời, nữ nhân vật cũng dần trở thành mục tiêu của tên sát nhân máu lạnh. Bằng chứng vô hình còn có sự góp mặt của diễn viên Ái Phương, Quang Tuấn.

Một đạo diễn chia sẻ, bất cứ nhà sản xuất nào cũng muốn "đứa con tinh thần" của mình đến với khán giả ngay khi đã hoàn thiện. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp thì vấn đề an toàn phải luôn được đặt lên hàng đầu. 

Thực tế là nhiều đại diện các đơn vị cụm rạp đều mong muốn khán giả sớm quay lại phòng chiếu khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã phát huy được tác dụng cụ thể. Thời gian qua, rất nhiều đơn vị phát hành phim và các cụm rạp vướng vào cơn lao đao toàn cầu mang tên Covid-19.

Phim Việt lên sóng Netflix

Điện ảnh Việt sung sức trở lại sau Covid-19 ảnh 1
“Truyền thuyết về Quán Tiên” kể về câu chuyện của ba cô thanh niên xung phong. 

Không chỉ dần phủ sóng các rạp chiếu, bắt đầu từ ngày 8/5, kho phim Việt trên Netflix sẽ được cập nhật thêm nhiều nội dung phong phú cả về số lượng và cả chất lượng. Giờ đây, khán giả tại Việt Nam sẽ có thể được tận hưởng những bộ phim chiếu rạp được yêu thích và cả những tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng trong các mùa liên hoan phim. 

Những bộ phim sắp tới góp mặt trên Netflix sẽ bao gồm nhiều nội dung thuộc các thể loại khác nhau từ hài hước, lãng mạn tới kinh dị và phim hành động. Có thể kể ra những cái tên nổi bật như: Nhắm mắt thấy mùa hè, Cho em gần anh thêm chút nữa, Quý cô thừa kế, Cưới ngay kẻo lỡ, Ngủ với hồn ma…

Năm ngoái, nhiều bộ phim Việt từng được chọn để chiếu trên Netflix. Đa số đều là những phim thuộc nhiều thể loại đa dạng như cổ trang phiêu lưu, lãng mạn, hài hước, tâm lý. Điều đó giúp phản ánh được một phần của bức tranh điện ảnh Việt Nam hiện nay, trong số đó có một số bộ phim từng đoạt giải thưởng điện ảnh.

Netflix là nền tảng giải trí hàng đầu thế giới, hiện sở hữu hơn 151 triệu thuê bao tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với các chương trình truyền hình, phim phóng sự, phim ảnh thuộc nhiều thể loại và ngôn ngữ. 

Việc nhiều phim Việt lên sóng Netflix được xem là những bước đi trong chiến lược bản địa hóa nội dung của Netflix tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.