Công nhận điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm

GD&TĐ - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4851/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm.

Một ngôi nhà cổ trong làng Đường Lâm.
Một ngôi nhà cổ trong làng Đường Lâm.

Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội do Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm tổ chức quản lý.

Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

Các Sở ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Công an TP, UBND Thị xã Sơn Tây có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng địa điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.

Làng cổ Đường Lâm nằm ở huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 40km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên còn được gọi là “đất hai vua”.

Cho đến nay, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,...

Một trong những điểm nhấn của Làng cổ Đường Lâm là Cổng làng Mông Phụ, đây là cổng làng cổ duy nhất còn lại cho đến ngày nay tại Đường Lâm. Cổng làng được xây dựng dưới thời Hậu Lê, tựa như một ngôi nhà hai mái dốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc theo kiểu “thượng gia hạ môn” - trên là nhà, dưới là cổng. Kiến trúc có nét khác biệt so với các cổng làng truyền thống.

Năm 2006, làng cổ Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Làng cổ Đường Lâm hiện nay có 956 ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850…

Những ngôi nhà cổ này đều được xây dựng từ các vật liệu truyền thống như: Đá ong, gỗ xoan, tre, gạch đất nung, ngói với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian.

Việc công nhận điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đồng thời quảng bá các giá trị văn hóa nông thôn Bắc bộ đến với du khách trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ