Trăm năm đá nát vàng phai
Trải qua bao thăng trầm nhưng miền Kinh Bắc - nơi có con sông Thương, sông Cầu thơ mộng vẫn bảo tồn được những cổng làng được xem là mẫu mực ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Dù cuộc sống vẫn luôn vận động thay đổi từng ngày, dù kiến trúc mỗi nơi mỗi khác song cổng làng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, một nét giản dị, thanh bình và rất đỗi thân thương khiến những người con xa quê đều thấy nhớ thương da diết. Đó là nhân chứng của tất thảy vui buồn với đời người.
Bên bờ Bắc sông Cầu, hàng trăm năm nay cổng làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên - Bắc Giang) được nhiều du khách biết đến bởi nét cổ kính, rêu phong, đứng giữa không gian văn hóa đậm chất quê với cây đa, bến nước sân đình. Tất cả như vắt ngang qua chiều dài lịch sử dân tộc và đều khoác trên mình dấu ấn của thời gian.
Bước qua cổng là vào một không quan văn hóa với nhiều nét độc đáo. Đôi câu đối trên cổng có ghi: “Muôn đại vinh khai nghênh khách chí - Lầu cao hỷ kiến viễn bằng lai”. Nghĩa là: “Cửa lớn rộng mở đón chào khách đến - Lầu cao vui gặp bạn xa về” thực sự bao hàm những ý nghĩa sâu sắc mà người xưa đã đề bút.
Cổng làng Thổ Hà |
Theo các tài liệu còn lưu giữ được ở làng Thổ Hà, cổng này được xây dựng thế kỷ XVII (năm 1692), với kiến trúc bề thế, bức đại tự trên cổng làng có ghi: Thổ chi tân (Đất thiêng bền); Hà nguyên hậu (Nước nguồn vô tận, phúc lộc trời ban cho làng Thổ Hà còn dài mãi). Người Thổ Hà, trọng tình, mến khách vì vậy cổng làng còn là một trong những điểm đến trong hành trình của nhiều du khách.
Cổng làng Thổ Hà nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống |
Cách Thổ Hà gần 1 km là Làng Vân, xã Vân Hà, ở đó lại xuất hiện một cổng làng cổ kính đề đôi câu đối ‘‘Hương Vân mỹ tửu lừng biển Bắc - Chiến thắng Như Nguyệt rạng trời Nam”. Người Làng Vân tự hào với nghề nấu rượu có truyền thống lâu đời. Họ khoe rằng, dưới các triều đại phong kiến, đây từng là thứ lễ vật để tiến vua và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình. Vậy nên, mới được ban tặng câu “Vân hương mỹ tửu”, là 4 mỹ tự còn lưu truyền trong nhân dân do vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 24 (1703), đã sắc phong cho sản vật lừng danh hàng trăm năm qua ở xứ Kinh Bắc này.
Cổng làng Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) có ghi “Hoàng triều Thành Thái thập tam” là dòng chữ Hán ghi trên mái sau cổng cho biết, niên đại xây dựng cổng vào năm 1901. Cổng làng có tên Hán là “Đại Cao Môn” (Cửa cao lớn).
Theo giới nghiên cứu văn hóa, cổng làng Mỏ Thổ được xây dựng quy chuẩn, mặc dù trước “lưỡi dao” thời gian, cổng làng này đã bị khoét sâu vào từng viên gạch nhưng vẫn giữa được thế vững chãi. Bờ mái mặt phía trước cổng làng xây theo kiểu giật cấp gồm hai phần, phần trên cùng xây giật cấp tạo bờ mái, trên đó có đắp đôi rồng chầu nguyệt, phần dưới tiếp giáp với mái vòm của cổng chính, tạo ô hình chữ nhật. Toàn bộ được xây bằng gạch chỉ và chắc chắn.
Giữ hồn cốt làng
Cổng làng Vân |
Người xưa quan niệm “Nhà có nóc, làng có cổng”. Dù giàu hay nghèo nhưng mỗi làng đều gắng xây cổng vững chắc xem như “bộ mặt” của làng. Hiện, vùng quê Kinh Bắc còn nhiều nơi giữ được cổng làng cổ, xem đó như biểu tượng của quê hương. Ông Nguyễn Đình Bưu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Bắc cho biết: Người xưa xây cổng làng to, nhỏ bao giờ cũng phù hợp với vị thế làng mình, những nơi có kinh tế mạnh hay nhiều người đỗ đạt làm quan thường xây cổng lớn hơn.
Gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngày nay nhiều cổng làng mới được dựng lên với những kiểu cách khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nơi đang xao nhãng việc gìn giữ, tu bổ cổng làng cổ. Có quan điểm xây cổng làng càng to để thể hiện vị thế của làng mình, hiện tượng phá cổng cũ để xây cổng hoành tráng bề thế theo lối tân thời lạc lõng với không gian, cảnh quan thôn dã.
Cố GS Từ Chi từng nhận xét: Nếu giữ được cổng làng thì dù có đô thị hoá đến đâu làng vẫn không thể là phố… Vì vậy, cổng làng truyền thống cần được bảo tồn và kịp thời tu bổ, tôn tạo. Đồng thời nên chăng có một quy chuẩn chung khi xây cổng làng mới nhằm gìn giữ những hồn cốt làng quê Việt Nam. Để cổng làng còn mãi với thời gian, là những hoài niệm đẹp đẽ trong cuộc đời mỗi người thôn quê.