Biên đạo múa trẻ 2019: Sáng tạo nhưng chưa vượt trội

GD&TĐ - 12 biên đạo múa trẻ vừa có cuộc so tài tại cuộc thi “Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2019”. Có thể thấy, mỗi biên đạo đều có những nỗ lực tìm tòi, mạnh dạn sáng tạo song tiếc rằng chưa có tác phẩm vượt trội…

Tác phẩm “Cuội già” của Nguyễn Trường Hải giành giải Nhất cuộc thi
Tác phẩm “Cuội già” của Nguyễn Trường Hải giành giải Nhất cuộc thi

Mạnh dạn sáng tạo

Từ quy chế mở của ban tổ chức: Chấp nhận mọi tìm tòi trong khai thác đề tài, nội dung chủ đề, ngôn ngữ biểu đạt, ngoại trừ sử dụng ngôn ngữ chủ đạo là vũ quốc tế, nhảy hiphop, dance sport…, 12 biên đạo trẻ đã mạnh dạn đem đến cuộc thi những tiết mục múa mang nhiều tính sáng tạo.

Nổi trội đầu tiên là các biên đạo đã sử dụng triệt để các thủ pháp của âm thanh, ánh sáng, đạo cụ để tạo nên một không gian sân khấu huyền ảo, đầy quyến rũ. Những mảng sáng - tối đối lập được sử dụng khá hợp lý, đủ để tạo điểm nhấn khi nghệ sĩ solo cũng như điểm nhấn vào mỗi nhân vật.

Cùng với đó, đề tài được các biên đạo chọn phong phú, gần gũi, phản ánh khá sinh động nhiều vấn đề của đời sống xã hội, gắn với những trăn trở, băn khoăn, những mối quan tâm của cuộc sống hôm nay.

Các tiết mục không bị khuôn lại trong một số đề tài quen thuộc như tình yêu, tình mẫu tử, tình bạn, chiến tranh cách mạng (“Mẹ” - Tống Mai Len, “Côn Đảo ngày trở về” - Nguyễn Hải Trường, “Giấc ngủ chưa lành” - Tạ Xuân Chiến, “Khèn ngược” - Hoàng Thị Nguyệt…) mà còn mở rộng tới những đề tài mang đậm tính triết lý, mong muốn lý giải một vấn đề nào đó như các mối quan hệ, nguồn mạch của sự sống (“Những mối quan hệ” - Nguyễn Vũ Khánh, “Mạch sống” - Phạm Minh Tuấn, “Cuội già” - Nguyễn Hải Trường, “Chiếu đời” - Nguyễn Phương Linh…).

Đã có những băn khoăn, liệu rằng các biên đạo trẻ có quá mạo hiểm khi chọn những đề tài khó, trừu tượng? Liệu họ có đủ sức dùng ngôn ngữ múa để biểu đạt đề tài không? Thế nhưng, thật bất ngờ khi hầu như các biên đạo đều tìm được cách nói, cách thể hiện của riêng mình. Chỉ vỏn vẹn trong 8 phút (tối đa), bằng các hình thức múa đơn, múa đôi hoặc múa 3 múa 5 (tối đa), các biên đạo đã sử dụng triệt để các thủ pháp trừu tượng hóa, cách điệu, ước lệ mà vẫn dễ hiểu, dễ xem để đưa tác phẩm của mình đến với khán giả, tìm sự đồng điệu về cảm xúc nơi khán giả.

NSND Phạm Anh Phương đã dành lời khen các biên đạo trẻ có phong cách dàn dựng có cá tính, thủ pháp sáng tạo mới lạ, phản ánh đa dạng nội dung. Đồng thời, sức sáng tạo của các biên đạo đáp ứng được nhu cầu của hơi thở cuộc sống, luôn được thể hiện bằng sắc thái diện mạo riêng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi NSND Lê Ngọc Cường, các biên đạo đang cố tìm cho mình một hướng đi, một phương thức tiếp cận mới trong khai thác đề tài, bố cục, kết cấu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả ngôn ngữ múa hiện đại với múa dân tộc để tác phẩm có hơi thở mới, phù hợp với xu thế phát triển và thị hiếu của giới trẻ hiện nay...

Chưa vượt trội

Theo sát cuộc thi, bên cạnh việc ghi nhận sự đồng đều trong chất lượng của các tác phẩm cũng như những nỗ lực sáng tạo của các biên đạo thì vẫn còn đó niềm tiếc nuối khi khó lòng chọn được tác phẩm thực sự vượt trội. Còn đó những tác phẩm bị các thủ pháp âm thanh, ánh sáng, bục bệ choáng ngợp làm mờ nhạt về ngôn ngữ múa; có tác phẩm mải kể chuyện, diễn kịch mà quên cả múa…

Có thể thấy, dường như những sáng tạo của các biên đạo trong mỗi tác phẩm dự thi mới dừng ở những thử nghiệm bước đầu. “Với “Những mối quan hệ”, tôi đã được thử nghiệm múa đương đại với nhạc hiphop” - Biên đạo Nguyễn Vũ Khánh chia sẻ. Biên đạo Tạ Xuân Chiến thì bảo, anh muốn mang màu sắc, sáng tạo mới trong lĩnh vực nghệ thuật múa đến gần với công chúng. Mỗi tác phẩm của anh luôn là một cái gì đó mới mẻ, không theo lối mòn cũ. Những khát khao được sáng tạo, được thử nghiệm là đáng khuyến khích nhưng nếu như nó được mạnh dạn đẩy cao, đầu tư hơn, chăm chút hơn…

Tuy nhiên, còn một thực tế dẫn đến sự hạn chế này là các biên đạo tham gia cuộc thi đều từ 35 tuổi trở xuống. Nhiều biên đạo chưa có nhiều va chạm, những sáng tạo còn mang tính bột phát, cảm tính nhiều hơn là việc chú tâm sáng tạo một tác phẩm múa chuyên nghiệp, thực hiện vai trò một biên đạo múa chuyên nghiệp. “Tìm ra ý tưởng tốt chưa chắc thực hiện sẽ tốt... Vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Phát triển ngôn ngữ múa, trải nghiệm tinh tế về ý tưởng, nhân vật, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, không gian sân khấu... Nên việc một số biên đạo có ý tưởng tốt nhưng chưa làm hay, đó là điều vẫn thường gặp phải ở những biên đạo trẻ như chúng tôi” - Biên đạo Nguyễn Hải Trường thừa nhận.

Ngoài ra, vấn đề kinh phí để thực hiện một tác phẩm múa - có khi lên đến vài chục triệu đồng, luôn là một vấn đề “đau đầu” đối với biên đạo, nhất là biên đạo trẻ. Thế nên, khi cùng một lúc phải đầu tư 2 tác phẩm để dự thi, các biên đạo trẻ khó vượt qua được khó khăn này.

“Theo quy chế, các biên đạo lọt vào vòng chung khảo phải có 2 tác phẩm dự thi. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh, thời gian chuẩn bị gấp gáp nên hầu hết các biên đạo chỉ tập trung chăm lo cho một tác phẩm, rất ít biên đạo có 2 tác phẩm hoàn hảo như mong đợi…” - NSND Lê Ngọc Cường cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ