Bị gia đình xa lánh, người yêu bỏ rơi vì mê lú nuôi búp bê Kuman Thong

GD&TĐ - Chính bởi niềm tin mù quáng đó là nguyên nhân để những kẻ kinh doanh trục lợi bất chính, tạo dựng viễn tưởng để người mua mù quáng tin theo.

Nhiều người cho rằng việc "chăm nuôi" Kuma Thong có thể cầu may mắn, phát tài.
Nhiều người cho rằng việc "chăm nuôi" Kuma Thong có thể cầu may mắn, phát tài.

Thời gian gần đây, sau khi Youtuber Thơ Nguyễn chia sẻ đoạn video dài gần 1 phút với nội dung ôm búp bê xin vía học giỏi cho các em học sinh, khiến nhiều người liên tưởng đến việc nuôi búp bê Kuma Thong trong nhà với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc, công việc hanh thông.

Kuman Thong là một loại bùa chú nổi tiếng của người Thái Lan, được các đạo sĩ, pháp sư coi trọng bởi khả năng “thần thánh”, có thể đem về tài bạc, của cải, sự may mắn và giúp người nuôi chúng đạt được những mong muốn khi thỉnh cầu các Kuman Thong. 

Với nhiều hình dạng khác nhau, Kuman Thong có khi là búp bê nữ, búp bê nam hay tượng dát vàng hình em bé… nhưng chung quy đều được yểm bằng bùa chú.

Ở Việt Nam, Kuman Thong được biết đến từ nhiều năm qua, một bộ phận người Việt trẻ rất quan tâm và thậm chí “nghiện” Kuman Thong nhất là ở khu vực phía Nam.

Ngay trên mạng xã hội, có hàng trăm hội, nhóm với số lượng thành viên từ hàng ngàn tới hàng chục ngàn người, hàng ngày chia sẻ cách chăm sóc Kuman Thong như thế nào, cho Kuman Thong ăn ra sao...

Mới đây vào ngày 5/4, Cảnh sát phòng chống tội phạm Công an quận Cái Răng tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính ở chung cư Hưng Phú do Thái Thị Yến Nhi (24 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) làm nơi ở và kinh doanh búp bê.

Khi kiểm tra, Công an quận Cái Răng đã phát hiện 71 búp bê nghi là Kumanthong. Quá trình kiểm tra, Nhi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các búp bê này.

Công an quận Cái Răng đã tạm giữ toàn bộ số búp bê nghi Kuman Thong, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chính bởi niềm tin mù quáng về việc nuôi Kuman Thông đã trở thành nguyên nhân để những kẻ kinh doanh trục lợi bất chính, tạo dựng viễn tưởng để người mua mù quáng tin theo.

Cũng vì tin vào những lời đồn thổi về khả năng “thần thánh” của Kuman Thong, có những người khi "thỉnh" loại búp bê này về chăm nuôi đã mắc kẹt trong mớ bòng bong "cho không ai lấy, bỏ thì sợ xui xẻo cả kiếp người, giữ thì phiền phức"… 

Một nạn nhân của trò lừa đảo mê tín khi nuôi Kuman Thong đã chia sẻ: "Nếu búp bê Kuman Thong có khả năng đặc biệt thì tôi đâu khổ sở như bây giờ? Vì nghe theo lời thầy bói, nuôi Kuman Thong mà tôi bị gia đình xa lánh, người yêu bỏ rơi. May mà giờ đây tôi đã thoát ra được cái trò mê tín này".

Là một người làm du lịch thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Thái Lan nên chị Tâm (Hà Nội) có cơ hội nghe không ít những câu chuyện liên quan đến bùa ngải hay nuôi Kuman Thong ở đất nước Chùa vàng.

Tâm cho biết, trong số vô vàn loại bùa ngải ở Thái Lan, Kuman Thong được nhiều người nhắc đến nhất với sự ngưỡng mộ lẫn nỗi ám ảnh. Có người đã mất cả gia đình, thần trí không ổn định, việc làm ăn đổ bể khi mê muội tin vào việc nuôi Kuman Thong để xin lộc.

Theo triết lý của Phật giáo ở Việt Nam, việc nuôi Kuman Thong không mang lại lợi ích gì. Thông tin nuôi loại búp bê này mang đến may mắn, tài lộc là do một số đối tượng tự bịa đặt về tính linh thiêng để dụ dỗ mọi người chi tiền mua các sản phẩm dành cho Kuman Thong. Do đó, Kuman Thong không thể đem lại tài lộc cho người nuôi.

Thượng tọa Thích Thanh Huân, chùa Quán Sứ (Hà Nội) cho biết trên Tri thức trẻ, nhìn từ triết lý của Phật giáo, thờ như vậy không mang lại lợi ích gì. Việc yểm linh hồn vào thân búp bê là do các đối tượng tự sáng chế rồi bịa đặt cho nó có tính linh thiêng.

Thực tế thì không có một vong hồn nào nhập vào vật vô tri vô giác. Những thứ vô tri vô giác không thể đem lại tài lộc cho chúng ta.

Thế nên việc nhập hồn cho búp bê để nuôi, để cầu tài lộc chỉ là một sự đắp vẽ, mê hoặc quần chúng, nhằm vào những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, mơ hồ để trục lợi là chính.

Điều này hoàn toàn không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của Việt Nam. Đó là một sự du nhập không có chọn lọc và để lại những hệ lụy cho xã hội.

Chia sẻ trên Báo Công an nhân dân về vấn nạn này, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa - du lịch Việt Nam cũng cho biết:

“Những người tin vào bùa phép, tin vào quyền năng của ma quỷ sẽ không có ý thức lao động chân chính, mong chờ quyền lực siêu nhiên giúp mình đạt được mục đích.

Khi không đạt tham vọng sẽ càng mê muội, ích kỉ, thậm chí trở nên độc ác, dám đi hại người khác. Đây là một vấn nạn nguy hiểm cho xã hội”. Chính vì vậy, mỗi người cần giữ cho mình lí trí tỉnh táo để nhìn nhận hiện tượng này.

Không nên tin vào những thồn đổi về quyền phép của bùa chú, tối ngày chăm sóc vật vô tri để cầu tài lộc, tiền mất tật mang. Sự tốt lành sẽ đến bằng hành động và lời nói tích cực, đúng đắn của mỗi người".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ