Văn hóa - Thước đo hiệu quả giáo dục của mỗi trường

GD&TĐ - Nói đến văn hóa là nói đến giá trị và hệ giá trị của nó. Giáo dục trong nhà trường đạt đến các chuẩn văn hóa là: Giáo dục có chất lượng, văn hóa và giá trị là thước đo hiệu quả giáo dục của mỗi nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội trong giờ học.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội trong giờ học.

Thước đo giá trị

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có nhắc đến 6 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

“Bên cạnh việc gieo những nhu cầu mới cho học sinh, lực lượng giáo dục cần biết đứng đằng sau tổ chức và tạo ra những điều kiện để học sinh dần dần thực hiện được yêu cầu giáo dục; trong đó có nguyên tắc văn hóa ứng xử, với những thói quen tốt và loại trừ thói quen không phù hợp với chuẩn mực của nhà trường, gia đình, xã hội”. - TS Nguyễn Tùng Lâm 

Khi phân tích vào 3 khâu đột phá trong chiến lược xây dựng đất nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Giáo dục giá trị văn hóa, trước hết phải gắn với việc xây dựng văn hóa học đường trong mỗi nhà trường. Đây là vấn đề cốt lõi, tiên quyết để chúng ta tiến hành giáo dục giá trị văn hóa.

Để giáo dục đạt hiệu quả cao trong các nhà trường, cần xây dựng văn hóa học đường. Nắm được những nội dung phải tiến hành văn hóa học đường trong mỗi nhà trường, chúng ta mới thấy được sự cần thiết của việc giáo dục giá trị và giáo dục giá trị văn hóa trong trường phổ thông hiện nay như thế nào trên con đường thực hiện đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế, để tạo ra bản sắc riêng của mỗi nhà trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Internet
TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Internet

Để học sinh “nên người”

Bàn về giáo dục giá trị văn hóa, nhiều tác giả đã có những định nghĩa khác nhau. Từ điển bách khoa Tâm lý học, giáo dục học Việt Nam do GS.TSKH Phạm Minh Hạc chủ biên, tác giả Ngô Đức Thịnh đã nêu: “Giá trị văn hóa là tất cả những gì mà con người mong muốn, ước vọng, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của con người, được con người cho là tốt đẹp, có lợi, giá trị văn hóa là thứ do con người sáng tạo ra và được cộng đồng thừa nhận. Khi giá trị văn hóa hình thành và định hình, nó lại tác động trở lại đối với con người, định hướng cho nhận thức, tình cảm và hành vi của con người trở xuống”.

Mới đây, khi bàn về “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đặt vấn đề, vì sao hiện nay chúng ta phải quan tâm đến việc xây dựng hệ giá trị văn  hóa và chuẩn mực con người Việt Nam? Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người luôn tồn tại một cách khách quan, bất kể ta có nhận thức được sự tồn tại của chúng hay không.

Về hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, nội dung này đã được Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định theo 5 phẩm chất mà mỗi nhà trường, mỗi cấp học phổ thông đều phải quán triệt, đó là: Yêu nước, nhân ái, trung thực, chăm chỉ, trách nhiệm. Như vậy, đề xuất hệ giá trị với 10 tiêu chí của GS Trần Ngọc Thêm cũng là những gợi ý cho các nhà trường phổ thông tham khảo để tiến hành giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh mỗi nhà trường.

Chẳng hạn như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, đây là mô hình giáo dục đặc biệt, nhằm giúp đỡ những học sinh có khó khăn trong học tập và rèn luyện. Vì thế, hàng năm nhà trường nhận những học sinh không đủ tiêu chuẩn vào các trường công lập. Ngoài việc dạy chữ, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tập trung “dạy người”, với mục tiêu “Vì ngày mai lập nghiệp”.

Nhà trường không chạy theo số lượng học sinh vào đại học, mà chú trọng giáo dục nhân cách học sinh. Đây là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi. Trường luôn nêu cao giá trị phát triển nhân cách. Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói, mà chủ yếu được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân.

Để giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh có hiệu quả, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng luôn tuân thủ các quy trình quản lý theo mô hình quản lý chất lượng của UNESCO và tổ chức quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001 – 2000. Để tạo ra nét “riêng có”, nhà trường tạo ra hoạt động có ý nghĩa giáo dục như: Hàng năm, trong ngày khai giảng, nhà trường tổ chức cho học sinh ôn lại truyền thống bằng việc tổ chức lễ dâng hương và đọc lời thề khuyến học của Đinh Tiên Hoàng.

Biểu trưng (Logo) của nhà trường cũng là sản phẩm văn hóa độc đáo. Vòng tròn có nửa trắng, nửa đen, thể hiện quy luật Vũ trụ âm và dương để tạo nên nhân cách hài hòa. Chữ S ngăn 2 màu đen và trắng thể hiện ý chí độc lập, thống nhất đất nước từ thời Đinh Tiên Hoàng dựng nước. Vòng tròn nhân cách được đặt trên những trang sách mở như những cánh chim đang tung bay; ước mơ trong sáng, mãnh liệt của học trò và vòng nguyệt quế bao bọc thể hiện sự thành công, “nên người” của mỗi học sinh khi ra trường.

Sớm thấy được tác động của giá trị văn hóa, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo những cách riêng để phù hợp với đặc điểm học sinh. Đảm bảo các chương trình giáo dục của nhà trường phải thật sự tác động đến học sinh và quan trọng là làm học sinh thay đổi.

Vì không chọn lọc đầu vào nên hàng năm có tỷ lệ không nhỏ học sinh của trường còn yếu kém về văn hóa, rèn luyện đạo đức. Nhiều học sinh không được các nhà trường chấp nhận. Thế mà sau 3 năm giáo dục ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, các em vẫn vào được trường đại học, cao đẳng với tỷ lệ không nhỏ. Quan trọng, các em đã làm chủ cuộc sống của mình, đã “nên người” không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Đây là một quá trình giáo dục lâu dài, phức tạp, phải phối hợp nhiều yếu tố, nguồn lực. Nhà trường có cách làm riêng của mình; trong đó tập trung xây dựng nguyên tắc văn hóa ứng xử và rèn thói quen tốt cho học sinh. 

Sinh viên Trường ĐH Đại Nam trên giảng đường. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Đại Nam trên giảng đường. Ảnh: NTCC

Xây dựng thói quen ứng xử tốt

Căn cứ đặc điểm tâm sinh lý, tính cách của học sinh, qua thử nghiệm ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhà trường đã đúc kết 5 nguyên tắc ứng xử, giúp thầy cô, cha mẹ tạo ra những thói quen ứng xử tốt của học sinh và trừ bỏ những thói quen không phù hợp với chuẩn mực chung của nhà trường, gia đình, xã hội.

Đầu tiên, các lực lượng giáo dục phải kiên trì chấp nhận mặt mạnh và cả những yếu kém của học sinh. Trên cơ sở chấp nhận để hiểu rõ nguyên nhân, lý do dẫn đến tình trạng yếu kém hiện tại để rồi từ đó tìm cách giúp các em biết cách điều chỉnh. Nếu thiếu bước khởi đầu thừa nhận này, nhà sư phạm sẽ không thấy hết trách nhiệm, không đủ kiên trì giáo dục.

Các trường THPT ở thành phố đều đòi hỏi học sinh không chỉ có đủ hồ sơ hợp lệ, mà còn có hồ sơ “đẹp”: Văn hóa khá, đạo đức tốt, khi chuyển trường. Nhưng thực chất, học sinh có đạt như vậy hay không chúng ta lại không cần biết đến. Do đó, với học sinh, chúng ta không có quan điểm chấp nhận để giáo dục thì chắc chắn nhà sư phạm chỉ nhận được những học sinh được đánh giá không đúng về bản thân và dễ tạo ra những xung đột thầy - trò.

Tiếp đó, phải khách quan trong việc nhìn nhận, đánh giá thiếu sót của học sinh. Nghĩa là với mỗi hành vi, thiếu sót của học sinh đều được ghi nhận và tìm cách hiểu rõ bản chất, nguyên nhân rồi đi đến kết luận xử lý. Trong quá trình tìm hiểu không được thành kiến, chụp mũ, hoặc thờ ơ với thiếu sót của học sinh.

Các lực lượng giáo dục phải giúp học sinh thấy rõ những lợi - hại để tự lựa chọn cách ứng xử cho hợp chuẩn mực chung của xã hội. Học sinh lứa tuổi THPT đang trong quá trình hoàn thiện nên có nhiều cá tính, tính độc lập cao, không thể ép buộc ngay, mà phải có phương pháp để trò thấy hết cả lợi, hại của mỗi hành vi. Từ đó, học sinh tự lựa chọn, tự quyết định.

Tuy nhiên, thầy, cô giáo và cha mẹ phải theo dõi chặt chẽ và giúp đỡ học sinh điều chỉnh kịp thời những lựa chọn chưa hợp chuẩn mực, khích lệ kịp thời những hành vi tốt. Nhà trường nào cũng phải thực hiện song hành kỷ luật áp đặt và kỷ luật tự giác, tích cực nhưng với học sinh yếu kém phải kiên trì thực hiện kỷ luật tự giác.

Các lực lượng giáo dục phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng. Học sinh lứa tuổi THPT dễ có thói quen tự do, coi thường lợi ích của người khác, bất chấp chuẩn mực giá trị của xã hội. Có cách nào điều chỉnh để học sinh có thể dễ dàng thích nghi và nhanh chóng hòa nhập với xã hội? Tập thể mà học sinh phải hòa nhập đầu tiên là tập thể lớp học.

Giáo viên chủ nhiệm phải mất nhiều công sức để tác động hình thành các thói quen, những yêu cầu cao của tập thể mỗi lớp. Lớp học đạt hiệu quả giáo dục cao khi giáo viên chủ nhiệm biết hình thành dư luận tập thể, buộc mỗi thành viên của lớp phải tôn trọng lợi ích tập thể để điều chỉnh hành vi cá nhân. Lớp không thể chấp nhận những học sinh tự ý bỏ học, đi muộn nhiều lần, nói tục, chửi bậy...

Tất cả đều bị trừ điểm thi đua của lớp. Có như vậy, tập thể học sinh mới biết cách giám sát, động viên từng thành viên thực hiện tốt nội quy, quy chế của trường. Chỉ có con đường này, chúng ta mới giải quyết được những nhân cách rối nhiễu, buộc học sinh phải điều chỉnh tính cách cho phù hợp với nhu cầu sống chung của mọi người xung quanh.

Cuối cùng, phải biết gieo nhu cầu mới và quan trọng là biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó. Từ những yêu cầu giáo dục chung, giáo viên chủ nhiệm cũng như phụ huynh còn phải biết kích thích đúng những sở trường cá nhân, ham muốn của nhóm học sinh; từ đó đưa ra những hình thức sinh hoạt tập thể, cũng như hướng dẫn cá nhân hoạt động. Đây là một trong những biện pháp giáo dục hữu hiệu với nhiều học sinh. 

“Chúng tôi nêu những nét “riêng có” đã làm nên truyền thống đáng tự hào cho học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng các khóa. Nhưng cái mà thầy, trò tự hào hơn cả, đó chính là quá trình giáo dục các giá trị văn hóa cho học sinh. Nó chứng minh với một mô hình giáo dục đặc biệt, gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nhưng vẫn tồn tại hơn 30 năm qua”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.