Văn hóa Tết: Chân giá trị là hướng con trẻ về cội nguồn

GD&TĐ - Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ đặc biệt, dài ngày mà cả người lớn, trẻ em trong nhà cùng sum vầy.

Diễn giả Đào Ngọc Cường trong một buổi diễn thuyết.
Diễn giả Đào Ngọc Cường trong một buổi diễn thuyết.

Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý – diễn giả Đào Ngọc Cường về những giá trị văn hóa mà người lớn nên chú trọng giáo dục trẻ trong dịp Tết.

- Ông có thể cho biết, Tết có ý nghĩa như thế nào đối với người Việt Nam, đặc biệt là các em nhỏ?

- Tết Nguyên đán được coi là ngày lễ đặc biệt nhất trong năm đối với mọi người Việt Nam nói chung, là niềm háo hức, mong đợi của tất cả trẻ em.

Tết là thời khắc sum họp gia đình. Đây là dịp để giúp các con biết hướng về cội nguồn, tổ tiên, quê hương. Dù bất cứ khó khăn vất vả, giàu sang hay nghèo khó… thì ngày 30 Tết, mọi gia đình đều muốn quây quần bên nhau, cùng ăn cơm tất niên để mong những điều tốt đẹp cho năm mới. 

Với phong tục “mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”, Tết là dịp quý giá giúp cho trẻ biết được họ hàng nội ngoại. Đây là dịp giúp trẻ hiểu gốc tích, trân trọng huyết thống, cội nguồn gia đình và thầy cô giáo.

Tết cũng là thời khắc để có thêm niềm tin, ước mơ. Theo quan niệm ở Việt Nam, năm mới sẽ là thời điểm đón nhận cái mới, xua đi những điều chưa tốt, mong có một điều tốt đẹp hơn. Đặc biệt sẽ đặt ra một mục tiêu, ước mơ và khát vọng cho năm mới. Năm mới sẽ đặt ra mục tiêu mới, khát vọng mới và có động lực mạnh mẽ hơn để thực hiện. Đây cũng là thời điểm nhìn lại một năm xem kế hoạch, mục tiêu các con đặt ra đã đạt chưa? Nhân dịp này, cha mẹ nên động viên và khích lệ con để đặt ra mục tiêu mới và tự tin vào bản thân hơn.

- Ông có thể chỉ ra ý nghĩa những phong tục đẹp của ngày Tết, gắn liền với lứa tuổi học trò?

- Nhịp sống hiện đại, phong tục trong dịp Tết cổ truyền ngày nay ít nhiều bị mai một. Bởi vậy, cha mẹ, ông bà cần giúp trẻ lưu giữ truyền thống cũng như kỷ niệm tuổi thơ thông qua những phong tục truyền thống của dân tộc như: Đi chúc Tết ông bà, các bậc tiền bối, các gia đình anh em họ hàng, làng xóm. Các con cần đi cùng cha mẹ để học các lễ nghi, phong tục của từng địa phương và cũng thể hiện sự kính trọng biết ơn, thể hiện tình cảm thêm gắn bó.
Năm mới các gia đình có thể cho trẻ cùng đi tham quan và tham gia lễ đầu năm tại các địa điểm tâm linh như đền, chùa ở các địa phương khác. Qua đó trẻ thêm yêu các địa danh và thêm hiểu phong tục truyền thống dân tộc.

Chúc Tết, nhận lì xì cũng là điều mà các con cần biết về lễ nghĩa hay nói chính xác là biết cách nhận lì xì thế nào có phải đạo, lễ phép. Các cũng biết cách chúc Tết khi đến nhà ai đó chơi.

Với học sinh, ngày Tết cha mẹ nên hướng dẫn và cùng con khai bút đầu năm để không làm gián đoạn quá lâu việc học và cũng là nghi lễ khởi đầu cho năm mới học hành tiến bộ, hanh thông. Khai bút tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò cả nước. Khai bút đầu năm đã trở thành một nét văn hóa truyền thống được gầy dựng và gìn giữ tới ngày nay. Nghi thức này cũng là cách nhắc nhở các con cần học hành chăm chỉ hơn, khai tâm mở trí để có được cuộc sống hạnh phúc, sự nghiệp phát triển sau này.

- Theo ông, cần làm gì để trẻ có nhiều “bài học” trong dịp nghỉ Tết?

Dạy trẻ trở thành là một chủ nhà lịch sự. Chưa đủ lớn để đón tiếp khách đến chơi nhà nhưng tùy lứa tuổi trẻ cần giúp cha mẹ dọn dẹp, bày bàn nước, bánh kẹo, hoa quả khi nhà có khách. Hãy luôn lễ phép khi có khách đến nhà chơi. Cha mẹ nhất thiết cần dạy trẻ biết tôn trọng và lễ phép khi khách đến. Khi khách đến tặng quà, lì xì cần xin và lễ phép nhận bằng 2 tay và không quên nói lời cảm ơn. 

Hãy giúp trẻ thành một vị khách đáng yêu. Khi đến nhà ai chơi, hãy luôn tôn trọng chủ nhà, chào hỏi lễ phép. Khi muốn lấy gì nếu chưa được cho phép của chủ nhà thì không tự ý lấy. Nhất là không chạy, nhảy quá nhiều sẽ có thể gây ra những hậu quả trong việc va đụng đồ đạc… Đi chơi Tết, trẻ cần biết chào hỏi lễ phép và biết cách chúc Tết những người lớn tuổi.

Trong những ngày nghỉ Tết dài ngày, nhiều em thường không để ý đến sách vở. Khi đi học trở lại sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, cha mẹ hãy cùng con dành thời gian quan tâm đến sự học bằng nghi thức khai bút đầu năm và mỗi ngày dành một khung giờ nhất định để đọc sách hay làm bài tập. 

Ở một số vùng quê, một trong những lý do học sinh bỏ sau Tết nhiều là dịp Tết thường những người làm ăn ở xa về sẽ rủ rê các em bỏ học đi theo họ. Vì vậy, bố mẹ cần sát sao việc này, đặc biệt cần nắm bắt được tâm lý của các con, quan tâm đến các mối quan hệ của con, đặc biệt đối với các em lứa tuổi THCS, THPT.

Cha mẹ hãy dạy trẻ cách quản lý và sử dụng tiền mừng tuổi, tránh việc sử dụng không đúng mục đích, phung phí chi tiêu. Nếu còn nhỏ hãy để cha mẹ quản lý tiền, đồng thời dạy các con cách tiêu tiền hợp lý. Lì xì là phong tục lâu đời nhằm mang tới điều may mắn cho người nhận. Cha mẹ cần dạy trẻ không được phép đòi hỏi ai đó phải mừng tuổi cho mình. Tuyệt đối không thể hiện thái độ khó chịu khi ai đó mừng tuổi mình ít. Các con không mở phong bì lì xì của ai đó trước mắt người mới mừng tuổi xong. Bởi mừng tuổi – lì xì chỉ là tượng trưng để lấy may cho năm mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ