Văn hóa Tết – Nét đẹp cần lưu giữ

GD&TĐ - Phóng viên GD&TĐ có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An về những phong tục đẹp của Việt Nam nhân dịp Tết đến xuân về.

Lễ cúng Giao thừa của một gia đình truyền thống ở Huế
Lễ cúng Giao thừa của một gia đình truyền thống ở Huế

Thưa ông, ai cũng háo hức, hồ hởi khi Tết đến, nhưng ít người biết từ Tết có nguồn gốc từ đâu?

- Tết Nguyên đán là ngày hội của toàn dân Việt, không phân biệt là người theo tôn giáo, tín ngưỡng nào, ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và tất cả bà con ở hải ngoại.

Có một điều ít ai biết đến: Từ Tết trong chữ Nôm là do từ “tiết” trong chữ Hán đọc trại ra. Trong Âm lịch, mỗi năm có 360 ngày, được chia làm 24 tiết (mỗi tiết 15 ngày), chẳng hạn như tiết đông chí, tiết xuân phân, tiết thanh minh… 

Nhưng, trong nhiều trường hợp chữ “tiết” ấy đã được đọc và nói ra thành “tết”, như Tết Đoan ngọ (ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch), Tết Trung thu (Rằm tháng tám), Tết Trùng cửu (mồng 9 tháng 9), Tết Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng 10) và đặc biệt nhất là Tết Nguyên đán. Đặc biệt đến nỗi đôi khi chỉ nói một từ “Tết” thôi, thì ai cũng hiểu được rằng đó là ngày vui nhất trong năm.

Điều gì ấn tượng nhất với ông trong cách đón Tết xưa, thưa ông?

- Điều để lại ấn tượng sâu sắc và lâu dài nhất đối với tôi trong cách đón Tết xưa là động thái và cung cách vua tặng quà Tết cho các triều thần. 

Một chứng nhân người Pháp lai Việt là Michel Đức Chaigneau từng sống ở Huế dưới thời vua Gia Long và đầu thời Minh Mạng đã thuật lại trong quyển hồi ký Souvenirs de Hué của mình rằng vào những ngày cuối năm, khi ban tặng cho đại thần nào một bộ y phục hoặc một xấp vải lụa, nhà vua sai lính thị vệ để cẩn thận vào trong một cái tráp sơn son thếp vàng mang đi và có người cầm lọng che một cách trang trọng. 

Cái lọng này dùng để tăng thêm phần vinh dự cho người nhận quà hơn là để che mưa nắng cho cái tráp đựng quà. Quả thật là cách cho quý hơn của cho. 

Tác giả cuốn hồi ký còn nhấn mạnh rằng vào thời quân chủ ấy, các quan trong triều không có nhiệm vụ phải tặng quà Tết cho vua như kiểu các cán bộ nhân viên tặng quà Tết cho “sếp” hiện nay.

Đó là một hình ảnh văn hóa Tết thật đẹp của những ngày đã qua.

Xin ông cho biết nhận xét của mình về sự đổi thay trong cách đón Tết xưa và nay?

 Nhà nghiên cứu văn hóa              Phan Thuận An

- Việt Nam nói chung, Huế nói riêng đã trải qua những biến động dữ dội của lịch sử, nhất là trong những năm 1945, 1975 và 1986. 

Chỉ trong vòng nửa thế kỷ (1945 - 1986), thời cuộc cứ liên tục đổi thay, cho nên mọi sinh hoạt của nhân dân cũng phải thay đổi.

Ngoài những sinh hoạt “tống cựu nghinh tân” ở chốn cung đình đã lùi về dĩ vãng từ sau tháng 8/1945, chúng ta có thể nêu ra một số đổi thay cụ thể trong sinh hoạt đón chào năm mới ở chốn dân gian:

Ngày nay, để chuẩn bị lễ vật và đồ ăn thức uống để cúng Tết trong gia đình, các bà các cô thường đi siêu thị mua đồ làm sẵn đem về để trong tủ lạnh dùng chứ không còn do chính “bàn tay vàng” của mình làm ra nữa.

Giờ phút Giao thừa, sinh hoạt lễ nghi truyền thống trong phạm vi gia đình không còn được xem là thiêng liêng như xưa nữa, nhất là đối với những thế hệ thanh niên và trung niên, kể cả từ U50. 

Giờ phút chuyển giao từ năm cũ qua năm mới ấy, người ta thường kéo nhau ra đường, ra bờ hồ, bờ sông để xem bắn pháo hoa hơn ở nhà quây quần bên nhau trước bàn thờ gia tiên trầm hương nghi ngút.

Một số người tranh thủ những ngày nghỉ Tết để đi du lịch trong hoặc ngoài nước thay bằng đoàn tụ dưới một mái nhà.

Ông có thể cho độc giả biết đôi nét về sinh hoạt đón Tết của người dân Huế ngày xưa?

- Sinh hoạt đón Tết vui Xuân của người Huế và của người Việt ở các vùng miền khác ngày xưa, ít nhất là trước năm 1945, đều có một mẫu số chung. 

Đó là những ngày đoàn tụ của gia đình, dưới cùng một mái ấm, tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và cùng đặt hy vọng vào một năm mới an lành, tươi sáng hơn.

Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa của mình, Huế là một trong những nơi cuối cùng còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và nếp sinh hoạt truyền thống trong những ngày Tết nói riêng. 

Đây là đất Thần kinh, vừa là chốn Thiền kinh. Người Huế sống nặng về tâm linh thuần khiết và gắn chặt với quá khứ của từng gia tộc. Sự đón Tết vui Xuân ở đây không chỉ dành riêng cho những người đang sống, mà còn dành phần ưu tiên cho sinh hoạt tâm linh và cho những thành viên trong gia đình đã khuất bóng.

Dù đi làm ăn xa đến đâu, người ta cũng cố gắng trở về quê cũ để được sống trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng dưới mái nhà xưa. Trên nguyên tắc, lễ Tết Nguyên đán chỉ diễn ra nội trong 3 ngày, thường được các cụ xưa gọi là “tam nhật chi nội”. Nhưng thực tế từ nghìn xưa, thời gian kể từ khi chuẩn bị đón Xuân cho đến lúc “ăn Tết” xong, có khi kéo dài cả tháng.

Trong gia đình truyền thống người Huế, ngay từ đầu tháng Chạp, ý thức chuẩn bị đã manh nha và một số động tác đã được khởi sự tiến hành. Như một thuần phong mỹ tục, người phụ nữ trong nhà (người mẹ, người vợ, các tiểu thư) thường đảm trách phần lớn công việc chuẩn bị ấy một cách tự nguyện và vui vẻ. 

Tết là cơ hội thích hợp nhất để các bà các cô trổ tài nữ công gia chánh mà Trường Đồng Khánh đã dạy cho họ với các loại bánh trái, mứt món và đồ ăn thức uống được sửa soạn, nấu nướng, chế biến, tỉa tót một cách tỉ mỉ và công phu bằng bàn tay khéo léo của mình.

Sáng mồng Một Tết, người Huế thường đi chùa lễ Phật trước khi thăm viếng bà con nội ngoại và bằng hữu tâm giao. Tết cũng là dịp để mọi người hóa giải những lầm lỗi cho nhau trong tinh thần khoan dung và độ lượng của một mốc thời gian mới mở ra.

Theo ông, chúng ta cần phải tôn vinh và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống nào?

- Trước năm 1975, ở đất Bắc, một số người đã đưa ra đề nghị dùng ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 thay cho ngày Tết cổ truyền! May mà ý kiến nóng vội này không được đa số đồng tình. 

Nếu ngày Tết thiêng liêng ấy bị thay đổi như thế thì cả dân tộc Việt Nam đã mất đi một trong những di sản tinh thần từng thấm sâu vào máu thịt mình từ mấy ngàn năm.

Ngoài ra, người Việt Nam chúng ta còn rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác cần được tôn vinh và giữ lại. Riêng về các giá trị đặc trưng thuộc văn hóa Tết, có thể nêu một cách cụ thể những động thái chuẩn bị đón Tết của người phụ nữ trong gia đình như là một đức hạnh, một thiên chức tốt đẹp như đã nói ở trên, hay là thái độ vui mừng trong những ngày đầu Xuân mới nhưng không quên hướng về nguồn cội, tưởng nhớ đến gia tiên như lòng tri ân của kẻ hậu sinh đối với các bậc tiền bối…

Tôi cho rằng đó là những thuần phong mỹ tục, những nét đẹp của gia phong và của quốc hồn quốc túy cần phải bảo tồn. Thế mới gọi là hòa nhập mà không hòa tan bởi mặt trái của hội nhập và của nền kinh tế thị trường.

Năm mới ở các nước Âu Mỹ thường chỉ có nghĩa là bắt đầu một năm khác, chứ không mang ý nghĩa văn hóa truyền thống đậm đà mà sâu sắc như khái niệm Tết của người Việt.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ