Theo đó, di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh là 1 trong 5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định vừa được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 29/12.
Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909, tại Sa Huỳnh Quảng Ngãi và được lấy tên địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”.
Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1997. Di tích được phân bố chủ yếu ở Long Thạnh, Thạnh Đức (phường Phổ Thạnh) và Phú Khương (Phổ Khánh). Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử.
Từ những hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh và sự hiện diện của nền văn hóa cổ này thật sự là một thế mạnh mà không phải nơi nào cũng có được.
Hố khai quật phục dựng tại Nhà Trưng bày văn hóa Sa Huỳnh. |
Theo báo cáo của Sở VHTTDL, hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh được lập gồm 5 địa điểm: di tích Long Thạnh, di tích Phú Khương, di tích Thạnh Đức, di tích đầm An Khê - lạch An Khê và Quần thể di tích Chăm pa. Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo… đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững.
Đợt này, Thủ tướng còn công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt khác gồm: di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai); di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.