Văn hóa nào dạy “ăn tươi nuốt sống”?

GD&TĐ - Càng trong thời gian giãn cách xã hội, càng nhiều video “ăn tươi nuốt sống” nhân danh văn hóa ẩm thực được tung lên mạng xã hội.

Ăn sống con cá bằng cổ tay.
Ăn sống con cá bằng cổ tay.

Thực trạng ăn bẩn mất vệ sinh từ những video nhằm câu like, câu khách để kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội… đem lại những tác hại khôn lường. Đó không chỉ là “rác văn hoá” vô cùng phản cảm, mà còn có yếu tố xúc phạm văn hóa ẩm thực dân tộc.

Ăn cả nậm pịa có… giòi

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều kênh video chuyên về ẩm thực xuất hiện cả trên YouTube lẫn Facebook. Không có gì đáng bàn nếu đó là các video thuần tuý về văn hoá ẩm thực vùng miền, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Đằng này, để câu like, câu view, câu khách và kiếm tiền một cách bất chấp, các kênh video xuyên tạc văn hoá vùng miền, xúc phạm văn hoá ẩm thực dân tộc bằng những nội dung ăn cá sống, thịt tươi, cóc nhái. Thậm chí, những video ghê rợn như ăn nậm pịa (phân non) có giòi… cũng được tung lên mạng.

Trên các kênh Đời sống Tây Bắc, Sa Pa TV, Hoa Ban Đỏ, Hưng Vlog, Bà Tân Vlog, Hưng Troll, PHD Troll, NTN Vlog… đều cố gắng sản xuất những video ghê rợn và phản cảm. Có những video ăn cá nhảy to bằng cổ tay, bắp chân ghi lại cảnh các thanh niên bắt cá dưới ao và làm món cá nhảy.

Những con cá này không được giết mổ sơ chế như cách ăn gỏi truyền thống, mà được ăn khi còn giẫy, nhảy trong chậu. Các thanh niên cầm con cá to như cổ tay cắn ăn trực tiếp, để mặc máu tươi từ con cá chảy ra. Trong các video, người quay liên tục kêu gọi “nếu thấy thích, thấy hay thì chia sẻ”.

Không chỉ có cá, cua sống cũng được trưng dụng vào mục đích câu khách. Một chậu với hàng trăm con cua đang bò lổm ngổm bị các thanh niên lần lượt bỏ vào miệng nhai sồn sột.

Rồi rắn rết, cóc nhái… cũng được các kênh video này nhân danh văn hoá dân tộc để truyền bá thói “ăn bẩn”.

Đáng sợ nhất là video quay cảnh các thanh niên ăn sống nậm pịa (phân non). Kênh Ẩm thực Pha Luông phát trên YouTube giới thiệu nậm pịa bò được các thanh niên quây quần dứt từng miếng còn dính phân bò cho vào miệng ăn ngon lành.

Nhưng có lẽ, kinh hãi nhất là video quay cảnh các thanh niên quây quần ăn nậm pịa gác bếp. Khi một người cầm dao bổ nậm pịa ra, cùng với khối phân non là hàng trăm con giòi. Tưởng các thanh niên này sẽ bỏ đi không ăn nữa, nhưng người xem thực sự sốc khi thấy họ vẫn ăn ngon lành, mặc cho giòi bọ đang bò lúc nhúc trên thớt.

Cần dẹp bỏ “rác văn hoá”

Nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Thế Long cho biết, ăn sống là một trải nghiệm ẩm thực của người Việt. Tuy nhiên, ăn sống theo cách văn minh chứ không phải như các kênh YouTube diễn tả. Không phải cứ ăn bừa bãi, bẩn thỉu, mất vệ sinh rồi gọi đó là văn hóa.

Ở Việt Nam, YouTube trở thành một cuộc đua để kiếm tiền. Chính vì vậy có nhiều người bất chấp tất cả để tạo video có nội dung phản cảm. Video càng phản cảm, càng sốc thì càng khiến người xem tò mò.

Sau khi thoả mãn trí tò mò, nhiều người còn chia sẻ các video này trên nền tảng mạng xã hội. Video càng nhiều lượt xem thì tiền thu về càng nhiều, thậm chí thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng.

Vì để kiếm tiền, YouTube trở thành một nghề được nhiều người lựa chọn. Họ hăng say sản xuất video, nhưng đa phần có nội dung phản cảm, nhố nhăng và được liệt vào hàng “rác văn hoá”.

PGS.TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khẳng định, các video có nội dung như trên không phải là văn hóa ẩm thực của các dân tộc mà là bịa đặt.

Theo ông Sơn, truyền thống của một số dân tộc miền núi có ăn món tươi sống, nhưng hầu hết họ ăn vào dịp lễ hội. Hơn nữa, họ ăn uống văn minh, có sơ chế, các loại gia vị như thế nào để trung hòa món ăn và ăn thưởng thức để duy trì nét văn hoá xa xưa.

Ăn tươi nuốt sống cá khi máu còn chảy, ăn cả nậm pịa có giòi như vậy là bịa đặt văn hoá, không có dân tộc nào hay văn hoá nào dạy ăn uống như thế.

Không chỉ là hành vi bịa đặt, chuyên gia văn hoá Trần Hữu Sơn còn cho rằng, các hành vi nhân danh văn hoá ẩm thực còn xúc phạm, bôi nhọ khiến không ít người hiểu lầm về văn hoá dân tộc.

Thế nhưng, để xử lý được các hành vi này lại không hề đơn giản, thậm chí là khá hiếm. Năm 2020, kênh Hưng Troll thực hiện video nấu cháo gà còn nguyên lông khiến cộng đồng mạng bức xúc. 5 ngày sau, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang mới đưa ra hình thức xử lý với số tiền 7,5 triệu đồng.

Không chỉ xúc phạm văn hoá ẩm thực dân tộc, nhiều kênh YouTube còn làm méo mó, sai lệch bản chất tốt đẹp của những câu ca dao tục ngữ Việt Nam. Từ đầu năm 2021, cái tên “Duy Nến” liên tục xuất hiện trên mạng xã hội với nhiều clip cố tình dùng ngôn từ, cách so sánh sai lệch để miêu tả về hương vị của các món ăn.

Ví dụ như khi bình luận về món ngô nướng, nam YouTube này nói: “Nếu như một số nhà văn ngày trước mà sống dậy thì họ sẽ miêu tả vị quả ngô luộc này giống như mùi da thơm của một cô gái mới lớn”.

Hoặc khi đi ăn thịt ếch, anh bình luận: “Quý vị có thể nhìn thấy cái đùi ếch nó giống hệt cái đùi gà luôn. Các cụ ngày xưa nói “mèo mả gà đồng”, “gà đồng” là người ta nói về thịt ếch”.

Điều đó chứng tỏ chính những người làm YouTube cũng hiểu những video mình sản xuất là phản cảm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận kinh tế nên họ bất chấp, một phần bởi số tiền nộp phạt chẳng thấm vào đâu so với số tiền kiếm được.

Trước vấn nạn này, chuyên gia văn hoá Trần Hữu Sơn cho rằng, cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý “làm sạch” không gian mạng, nhằm bảo vệ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ