Văn hóa Đảng là cốt lõi của xây dựng chỉnh đốn Đảng

Văn hóa Đảng là cốt lõi của xây dựng chỉnh đốn Đảng

(GD&TĐ) - Gần đây, 2 chữ văn hóa trở nên thông dụng tới mức, bất cứ ở lĩnh vực nào người ta cũng nhắc tới, chẳng hạn: văn hóa ăn, văn hóa mặc, văn hóa đọc, văn hóa giao thông, văn hóa kinh doanh, vân vân và vân vân. Đây là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện sự phát triển của nền văn minh xã hội, coi văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề.

Văn hóa Đảng là cốt lõi của xây dựng chỉnh đốn Đảng ảnh 1
 

Trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức, lối sống của con người. Tuy nhiên văn hóa có một nội hàm rất rộng, bao gồm tất cả, từ vật chất (những sản phẩm tinh vi, hiện đại), tới tinh thần (tín ngưỡng, phong tục, lối sống…) do con người sáng tạo ra. Qua các thế hệ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị - yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.

Điều này đã lý giải vì sao từ khi Nghị quyết 4 (Khóa XI) của Đảng đi vào cuộc sống, người ta lại đề cập tới một vấn đề không hẳn là mới nhưng còn ít người bàn tới, đó là Văn hóa Đảng.   

Từ cách đây hơn nửa thế kỷ, tại Lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh…”. Có người cho rằng, Văn hóa Hồ Chí Minh hình thành và phát triển trước Văn hóa Đảng, “tạo sức mạnh tăng tốc mang tính bước ngoặt cho quá trình hình thành và phát triển văn hóa” (GS.TS Trần Văn Bính). Tinh hoa văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển từ thời niên thiếu của Người trong một gia đình nho gia, thời làm nghề dạy học và cả khi bôn ba đi tìm đường cứu nước. Thừa hưởng tinh hoa văn hóa Hồ Chí Minh, Đảng khi mới được thành lập, nhất là ở vào đầu thế kỷ 20 thực sự là đạo đức, là văn minh nên đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, làm nên một đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình, ấm no như mong mỏi của Người.

Tiếc thay, khi bước sang thời cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ đảng viên không thắng nổi những cám dỗ tầm thường, trở nên tha hóa, biến chất, kéo theo một loạt tệ nạn như bè phái, quan liêu, tham nhũng, mua quan, bán chức… Đó chính là biểu hiện xuống cấp của Văn hóa Đảng. Sự ra đời Nghị quyết 4 (Khóa XI) của Đảng xuất phát từ thực trạng này, khi Đảng xác định được cốt lõi của vấn đề: Xây dựng chỉnh đốn Đảng là xây dựng nền tảng tinh thần văn hóa làm động lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng chỉ có thể thành công khi tập trung vào các giá trị văn hóa. Mỗi lời nói, phong cách, hành động của người đảng viên phải là sản phẩm của trí tuệ của danh dự và lương tâm. Ngay cả các hình thức tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt đảng cũng phải đổi mới, hấp dẫn và lôi cuốn thì mới mang lại hiệu quả. Nên chăng, để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, các tổ chức, cơ sở Đảng cần tập trung vào: Tác phong sinh hoạt Hồ Chí Minh, phong cách làm việc Hồ Chí Minh, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh…, vì đó là những biểu hiện đỉnh cao của Văn hóa Đảng.   

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ